Phu nhân Chủ tịch Trung Quốc tái xuất trên sân khấu ngoại giao
Gần đây, bà Bành Lệ Viện, phu nhân của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tái xuất trên sân khấu ngoại giao sau 3 năm vắng bóng, tập trung vào vấn đề xoá đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường.
Bà Bành Lệ Viện cùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thượng đỉnh G20 và cấp cao APEC trong tuần qua. (Ảnh: EPA-EFE)
Khi ông Tập Cận Bình tham gia hàng loạt cuộc họp và gặp gỡ song phương tại thượng đỉnh G20 ở Bali (Indonesia) và cấp cao APEC ở Bangkok (Thái Lan), bà Bành, người vốn là một ca sĩ nhạc truyền thống nổi tiếng, tham gia nhiều sự kiện bên lề.
Đây là lần tham gia đầu tiên của bà vào các sự kiện ngoại giao ngoài Trung Quốc từ khi đại dịch COVID-19 xảy ra. Lần gần đây nhất bà Bành cùng công du với ông Tập là tháng 11/2019, tại thượng đỉnh BRICS ở Brazil.
Trong một sự kiện ngày 15/11 cùng các phu nhân/phu quân lãnh đạo G20, bà Bành kêu gọi Trung Quốc và Indonesia tăng cường trao đổi và hợp tác để giảm đói nghèo và bảo vệ môi trường.
Ngày 16/11, bà thảo luận về vấn đề phúc lợi và nhân đạo, điều trị và phòng ngừa bệnh lao và AIDS cùng Phu nhân Tổng thống Indonesia Iriana Joko Widodo. Hai phu nhân cùng xem các sinh viên biểu diễn bài hát Indonesia bằng tiếng Trung tại Viện Khổng Tử.
Ở Thái Lan, tên bà Bành xuất hiện cùng ông Tập trên tấm biển trên phố với dòng chữ “Nhiệt liệt chào mừng”. Cặp đôi được đội binh lính và người Thái vẫy cờ Trung Quốc chào đón khi đến dự cấp cao APEC.
Trong dịp này, bà Bành đến thăm một trường âm nhạc và bảo tàng cùng với phu nhân Thủ tướng Thái Lan Naraporn Chan-ocha. Sinh nhật lần thứ 60 của bà Bành được kỷ niệm bằng cuộc biểu diễn nhạc truyền thống Thái Lan và Trung Quốc tại tiệc chiêu đãi do Thủ tướng Prayuth Chan-o-cha và Phu nhân chủ trì.
Vợ chồng ông Tập bước xuống sân bay Ngurah Rai, Indonesia, ngày 14/11. (Ảnh: Reuters)
Theo giới phân tích, các hoạt động ngoại giao của bà Bành vừa qua là cách thể hiện một khía cạnh hữu nghị của Trung Quốc.
Alfred Wu, phó giáo sư về chính sách công tại Trường Lý Quang Diệu thuộc ĐHQG Singapore, lưu ý rằng bà Bành không có danh hiệu “đệ nhất phu nhân” như ở phương Tây.
Điều đó có nghĩa là các hoạt động và phát biểu của bà trên sân khấu ngoại giao mang ý nghĩa chính trị thấp hơn so với những người mang danh hiệu đó.
Tuy nhiên, ông Wu lưu ý rằng bà Bành là phu nhân cấp cao nhất trong giới tinh hoa chính trị Trung Quốc. Đầu tháng này, khi Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cùng phu nhân Cheng Hong thăm Campuchia, bà chỉ được báo chí Trung Quốc nhắc thoáng qua.
Dylan Loh, phó giáo sư về chính sách đối ngoại tại ĐH Công nghệ Nanyang ở Singapore, cho rằng cũng đã có nỗ lực nhằm tránh khiến bà Bành thể hiện quá nhiều, lấn át các quan chức và nhà ngoại giao trong những dịp như vậy.
“Những vấn đề mà bà ấy tham gia, như trao quyền cho phụ nữ, phòng chống AIDS, giảm nghèo và bảo vệ môi trường, đều không gây tranh cãi. Để một phu nhân đóng vai trò như vậy cũng giúp làm mềm hình ảnh của Trung Quốc”, ông Loh đánh giá.
Bà Bành cùng phu nhân Thủ tướng Thái Lan Naraporn Chan-ocha thăm Viện Âm nhạc Công chúa Galyani Vadhana ở Bangkok. (Ảnh: Xinhua)
Dù không ra nước ngoài từ khi COVID-19 xảy ra, bà Bành xuất hiện vào dịp khai mạc Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh hồi tháng 2 năm nay.
Tháng 10/2021, bà kêu gọi tăng cường trao đổi văn hoá giữa Mỹ và Trung Quốc khi gửi lời chúc mừng đến lễ khánh thành Trường Juilliard Thiên Tân, một cơ sở đào tạo về âm nhạc mà thành phố Thiên Tân hợp tác với Trường Juilliard của New York.
Nguồn: [Link nguồn]
Tối 31/10, tại Đại Lễ đường Nhân dân, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thân mật mời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự tiệc trà.