Phối hợp với Ấn Độ, Nga có cách "đỡ đòn" trừng phạt của Mỹ và phương Tây?
Nga và Ấn Độ đang thảo luận về các khoản thanh toán bằng đồng rúp và rupee để thay thế hệ thống thanh toán SWIFT sử dụng đồng đô la Mỹ.
Nga đề xuất với Ấn Độ sử dụng hệ thống thanh toán của nước này nhằm tránh phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ. Ảnh minh họa: Getty
Hãng RT hôm 31/3 đưa tin, chính phủ Ấn Độ được cho là đang xem xét đề xuất của Moscow về việc chuyển sang hệ thống thanh toán của Nga, cho phép thanh toán trực tiếp bằng đồng rúp (Nga) và rupee (Ấn Độ) trong thương mại song phương.
Hệ thống thanh toán do ngân hàng trung ương Nga phát triển dự kiến thúc đẩy thương mại giữa Moscow và New Delhi mà không cần giao dịch bằng đồng đô la Mỹ. Đồng thời, nếu chấp nhận sử dụng hệ thống thanh toán này, Ấn Độ - nước tiêu thụ dầu lớn thứ 3 thế giới - có thể tiếp tục mua hàng từ Moscow mà không bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt từ phương Tây.
Hãng Bloomberg dẫn một số nguồn tin giấu tên cho biết, quyết định cuối cùng sẽ được phía Ấn Độ đưa ra sau chuyến thăm 2 ngày của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tới Ấn Độ, bắt đầu từ ngày 31/3 (giờ địa phương). Các quan chức ngân hàng trung ương Nga cũng được cho là sẽ tới Ấn Độ vào tuần tới để thảo luận chi tiết vấn đề này.
Theo các nguồn tin của Bloomberg, ngân hàng dự trữ Ấn Độ thường xuyên gặp gỡ các giám đốc điều hành từ hệ thống ngân hàng Nga để thảo luận các vấn đề như khả năng hợp tác với Nga và rủi ro từ các lệnh trừng phạt mới nhất.
Đề xuất sử dụng hệ thống thanh toán của Nga sẽ cho phép các nhà xuất khẩu Ấn Độ tiếp tục hợp tác thương mại với Nga, bất chấp lệnh cấm sử dụng hệ thống thanh toán SWIFT. Ấn Độ sẽ có thể tiếp tục mua dầu, vũ khí và các hàng hóa khác của Nga.
Theo đề xuất, đồng rúp sẽ được gửi vào một ngân hàng Ấn Độ và chuyển đổi thành đồng rupee, và ngược lại. Nga cũng muốn Ấn Độ liên kết với hệ thống thanh toán MIR của Moscow để sử dụng thẻ của ngân hàng 2 nước sau khi Visa và Mastercard tạm dừng hoạt động ở Nga.
Năm ngoái, Ấn Độ xuất khẩu số hàng hóa trị giá 3,3 tỷ USD sang Nga, chủ yếu là dược phẩm, trà và cà phê, đồng thời nhập khẩu số hàng hóa trị giá 6,9 tỷ USD, gồm vũ khí, hàng hóa quốc phòng, khoáng sản, phân bón, kim loại, kim cương và các loại đá quý. Nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới cũng nhập khẩu dầu của Nga.
Nguồn: [Link nguồn]
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 30.3 nói với Thủ tướng Đức Olaf Scholz rằng Berlin vẫn có thể thanh toán hợp đồng khí đốt bằng đồng euro hoặc đô la.