Phơi bày bí mật Tam giác Quỷ Bermuda
Bí mật vùng Tam giác Quỷ đã được nhiều nhà khoa học trên thế giới hé lộ.
Các nhà khoa học tin rằng có những giải thích rõ ràng về Tam giác Quỷ Bermuda
Tam giác Quỷ Bermuda là một trong những khu vực thần bí nhất lịch sử. Số máy bay và tàu thuyền biến mất ở đây nhiều hơn bất cứ nơi nào khác trên thế giới. Tam giác Quỷ Bermuda nằm ở Bắc Đại Tây Dương, giữa Bermuda, Puerto Rico và Florida của Mỹ. Nhiều người cho rằng hiện tượng siêu nhiên là nguyên nhân gây ra các vụ mất tích bí ẩn trong khu vực. |
Đâu là nguyên nhân biến mất của hàng loạt tàu thuyền, máy bay đi qua Tam giác Quỷ Bermuda từ lâu đã là một cuộc tranh luận trên toàn thế giới. Trong khi nhiều người tin vào các hiện tượng thần bí, các nhà khoa học đưa ra những giải thích có cơ sở hơn về vùng biển đầy hiểm nguy này.
Sương mù điện tử
Trong cuốn sách “Sương mù”, hai tác giả Rob MacGregor và Bruce Gernon cho rằng một hiện tượng kỳ lạ là nguyên nhân gây ra nhiều vụ tai nạn không thể giải thích ở Tam giác Quỷ.
Gernon là người chứng kiến tận mắt hiện tượng này và sống sót trở về. Vào ngày 4.12.1970, Gernon và bố lái máy bay qua Bahamas (đảo ở phía đông nước Mỹ) thì gặp phải một đám mây kỳ lạ hình xoáy như một đường hầm. Khi bay qua đám mây, toàn bộ thiết bị điện tử và định vị từ trường của máy bay đều hỏng và la bàn quay tít một cách không thể giải thích được, theo ThoughtCo. Do đó, họ đặt tên cho hiện tượng này là sương mù điện tử (Electronic Fog).
Gernon tin rằng sương mù điện tử đã gây ra nhiều vụ tai nạn không thể giải thích ở Tam giác Quỷ
Khi đến gần cuối “đường hầm”, hai cha con mong muốn nhìn thấy bầu trời trong xanh. Nhưng thay vào đó, họ chỉ thấy một màu trắng xám - không có đại dương, bầu trời hay chân trời.
Sau khi bay suốt 34 phút, hai người mới nhìn thấy Bãi biển Miami. Gernon tin rằng sương mù điện tử là “thủ phạm” cho sự biến mất nổi tiếng của Chuyến bay 19 và nhiều máy bay khác.
Băng cháy
Lượng băng cháy lớn dưới biển có thể làm bất cứ con tàu nào chìm như một tảng đá
Một trong những giả thuyết khoa học phổ biến nhất cho sự biến mất của các tàu thuyền trong Tam giác Quỷ được đề xuất bởi tiến sĩ Richard McIver, một nhà địa hóa học người Mỹ, và tiếp tục củng cố bởi Tiến sĩ Ben Clennell của Đại học Leeds, Anh. Họ nói rằng băng cháy metan (methane hydrates) hay còn gọi là đá cháy, được thải ra từ các trầm tích dưới đáy biển, có thể là nguyên nhân.
Các vụ sụt lở xảy ra dưới đáy biển có thể thải ra một lượng băng cháy metan khổng lồ, giảm độ đặc của nước biển. "Điều này sẽ làm bất cứ con tàu nào chìm như một tảng đá. Loại khí dễ bắt lửa này cũng có thể đốt cháy động cơ máy bay, khiến chúng phát nổ”, các nhà khoa học nói.
Xoáy nước và xoáy khí
Ảnh minh họa các xoáy nước và xoáy khí khổng lồ
Nhà nghiên cứu Ivan Sanderson nghi ngờ rằng hiện tượng xoáy nước và xoáy khí khổng lồ đã gây ra nhiều sự cố bí ẩn. Trong các xoáy nước/khí này có dòng chảy dữ dội và nhiệt độ liên tục biến đổi, ảnh hưởng đến các trường điện từ.
Tam giác Bermuda không phải là nơi duy nhất hiện tượng này xảy ra. Sanderson từng vẽ các biểu đồ, trên đó xác định 10 vị trí tương tự trên thế giới, bao gồm 5 điểm trên và 5 điểm dưới đường xích đạo.
Hải lưu Gulf Stream
Dòng hải lưu Gulf Stream chảy từ Vịnh Mexico, qua eo biển Florida vào Bắc Đại Tây Dương. Dòng hải lưu đi qua khu vực Tam giác Bermuda, giống như một con sông trong đại dương và có thể dễ dàng cuốn các vật thể theo dòng chảy của nó. Một máy bay nhỏ hạ cánh xuống nước hoặc thuyền có vấn đề động cơ sẽ dễ dàng bị cuốn trôi, theo trang Bermuda Attractions.
Nhiều người tin rằng đây là nguyên nhân biến mất của con thuyền “Witchcraft” vào ngày 22.12.1967. Con thuyền thông báo gặp sự cố động cơ cách bờ biển 1,6km nhưng khi lực lượng cứu hộ đến, họ không thấy con thuyền nào ở đó.
Bão
Bão trên biển có thể phá hủy hoàn toàn tàu hoặc máy bay
Đôi khi, có những cơn bão dữ dội ở khu vực Tam giác Bermuda. Những cơn bão tuy ngắn nhưng dữ dội này có thể phát triển nhanh chóng và biến mất ngay sau đó, thậm chí vệ tinh cũng không phát hiện được. Chúng cũng đủ mạnh để phá hủy hoàn toàn tàu hoặc máy bay. Ngoài ra còn có những trận mưa như trút và lốc xoáy kinh hoàng trong khu vực.
Tháng 6 đến 11 là thời điểm nhiều khả năng xảy ra bão ở khu vực nhất. Vụ chìm hạm đội Tây Ban Nha Francisco de Bobadilla vào năm 1502 là ví dụ đầu tiên của những cơn bão mạnh này.
Mây hình lục giác
Các đám mây hình lục giác được phát hiện ở vùng Tam giác Quỷ
Giả thuyết khoa học mới nhất về Tam giác Quỷ chính là các đám mây hình lục giác, đưa ra bởi một nhóm các nhà khoa học Mỹ từ Đại học Colorado.
Họ nói rằng những đám mây này hoạt động như “quả bom khí”, có thể là thủ phạm chính dẫn đến các vụ nổ trên không chết người. “Quả bom khí” dễ dàng di chuyển với tốc độ gần 275 km/giờ. Với sức mạnh như siêu bão, chúng có thể “thổi bay” không khí và tạo ra các làn sóng cao hơn 14 m. Trong điều kiện như vậy chắc chắn không một con tàu nào có thể sống sót và cũng không máy bay nào có thể chống chọi được.
Bi thảm nhưng không hiếm gặp
Sau nhiều tranh cãi về bí ẩn Tam giác Bermuda, nhiều nhà khoa học nhận định đơn giản rằng các vụ tai nạn không hề hiếm gặp nếu xét theo tỉ lệ, theo ThoughtCo.
Theo một bài báo có tên “Bí ẩn Tam giác Bermuda” của một biên tập viên tạp chí FATE năm 1975, Tam giác Quỷ không nguy hiểm hơn bất kỳ khu vực nào khác của đại dương.
“Đây là một trong những khu vực đông tàu thuyền máy bay qua lại nhất thế giới. Với nhiều hoạt động trong một khu vực tương đối nhỏ, không có gì ngạc nhiên khi xảy ra số lượng lớn các vụ tai nạn”, bài báo viết.
Cary bay qua Tam giác Quỷ vào một ngày đẹp trời, nhưng mọi thứ chuyển biến xấu bất ngờ trong chuyến bay trở về của cô.