Philippines và chiến lược cổ xưa khắc chế TQ ở Biển Đông

Không thể đối đầu trực diện với Trung Quốc ở Biển Đông, Philippines cần phải kiên nhẫn thực hiện đấu tranh trong thời gian dài, tận dụng thời gian để mở rộng quan hệ và củng cố liên minh.

Philippines và chiến lược cổ xưa khắc chế TQ ở Biển Đông - 1

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte.

Tạp chí Foreign Policy mới đây đăng tải bài phân tích của Giáo sư James Holmes đến từ Học viện Hải chiến Mỹ, về chiến lược mà Philippines có thể áp dụng để đối phó với Trung Quốc trong tranh chấp ở Biển Đông.

Giáo sư James Holmes cho rằng, “Philippines không thể chiến thắng bằng vũ lực” với Trung Quốc nhưng hoàn toàn có thể chiếm ưu thế “thông qua đối đầu trong thời bình”. Theo đó, các nhà lãnh đạo Philippines có thể tham khảo sách lược của tướng La Mã cổ đại Fabius Maximus.

Maximus đề xuất xử lý xung đột thông qua chiến lược và chiến thuật sáng tạo, xây dựng liên minh nhằm gia tăng sức mạnh và củng cố đoàn kết ngay trong nội bộ quốc gia.

Sách lược Fabius về cơ bản bao gồm: Rèn luyện tính tự giác, kiềm chế mong muốn giành thắng lợi nhanh chóng. Không đối đầu với một kẻ thù mạnh hơn theo những điều kiện có lợi cho đối phương. Củng cố liên minh, tăng cường sức mạnh. Xây dựng vững chắc hậu phương, duy trì đoàn kết chính trị để chuẩn bị cho một cuộc chiến lâu dài vừa khéo léo sử dụng nguồn lực quốc gia. Cuối cùng, kiên nhẫn chờ đối thủ kiệt quệ dần theo thời gian, dẫn đến hòa bình có thể chấp nhận được.

Trên thực tế, Philippines đã sử dụng sách lược tương tự. Khi không thể thuyết phục Trung Quốc thông qua ngoại giao hoặc kinh tế, quân sự, Manila đã nộp đơn kiện lên Tòa Trọng Tài thường trực (PCA).

Nhưng khi PCA không có quyền bắt ép các bên thực thi phán quyết còn Trung Quốc tiếp tục hành động ngang ngược, Philippines cần phải khéo léo sử dụng sách lược Fabius, giáo sư Holmes nhận định.

Trước hết, Manila cần nắm chắc phán quyết của PCA. Trung Quốc đã sử dụng công cụ tuyên truyền một cách thường xuyên và Philippines cũng phải khẳng định rõ lập trường, quan điểm đúng đắn về tính pháp lý trong tranh chấp ở Biển Đông.

Giáo sư Holmes cho rằng, dù quan sát tình hình Biển Đông trong nhiều năm nhưng ông chưa thấy tuyên bố có sức thuyết phục từ Philippines. Trong tuyên bố chính thức đầu tiên về Bãi cạn Scarborough hồi tháng 4/2012, Manila chỉ đăng tải một vài bức ảnh mờ nhạt cho thấy một số tàu Trung Quốc đang chở san hô, cá mập đánh bắt trái phép. Không có hình ảnh Hải quân Philippines đối mặt với các tàu cá và tàu của lực lượng thực thi pháp luật Trung Quốc. Hình ảnh được công bố cũng không có Bãi cạn Scarborough.

Philippines và chiến lược cổ xưa khắc chế TQ ở Biển Đông - 2

Binh sĩ Philippines trong một cuộc tập trận.

Thứ hai, Philippines cần tăng cường mối quan hệ với các quốc gia khác trong khu vực hay với các đồng minh tiềm năng bởi Manila không thể đơn phương hành động quân sự chống Bắc Kinh. Philippines có thể nhờ đến sự giúp đỡ của ASEAN nếu như các quốc gia thành viên đạt được đồng thuận.

Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ - Philippines ký năm 1951 cho phép Washington bảo vệ các hòn đảo, rạn san hô thuộc chủ quyền của Manila, bao gồm cả Bãi cạn Scarborough. Điều quan trọng là Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte phải thể hiện sự kiên quyết bảo vệ chủ quyền, Giáo sư Holmes nhận định.

Thứ ba, ông Duterte là nhân tố quan trọng trong việc duy trì sự ổn định, đoàn kết nội bộ Philippines. Bởi các cử trong nước sẽ chờ đợi sự cam kết của tổng thống với các tuyên bố chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

Tin tốt là ông Duterte đã thực hiện được điều đó kể từ khi nhậm chức. Sau khi PCA ra phán quyết, ông Duterte đã khẳng định với phái đoàn nghị sĩ Mỹ tới thăm Manila rằng: “Phán quyết là không thể thương lượng”.

Cuối cùng, theo sách lược của Fabius, Manila sẽ cần phải kéo dài cuộc đối đầu cho đến khi nhiệt huyết của đối phương suy giảm. Nhưng chưa thể nói trước được rằng liệu bao lâu nữa thì điều đó sẽ xảy ra và liệu Trung Quốc có chấp nhận ngừng hành động hung hăng ở Biển Đông.

Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ không từ bỏ toàn bộ các yêu sách chủ quyền phi lý ở Biển Đông. Nhưng Giáo sư Holmes tin rằng, Trung Quốc hoàn toàn có thể lặng lẽ gác lại tham vọng vì lợi ích hữu nghị trong khu vực.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - FP ([Tên nguồn])
Tin tức Biển Đông Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN