Philippines: Chính trị gia dính tới ma túy cũng bắn chết
“Chúng tôi sẵn sàng giết cả đồng nghiệp của mình nếu phát hiện họ dính tới ma túy”, cảnh sát trưởng quốc gia Ronald De La Rosa nói.
Cảnh sát trưởng De La Rosa nói sẽ bắn chết cả chính trị gia nếu dính tới ma túy.
Kể từ khi ông Duterte nhậm chức cách đây 2 tháng, chính quyền Manila đã giết hại hơn 2.400 người trong chiến dịch trấn áp ma túy quy mô lớn. Kế hoạch diệt trừ ma túy này đã bị Liên Hiệp Quốc lên án mạnh mẽ vì vi phạm quyền con người.
Cảnh sát Philippines tuyên bố họ bắn chết 1.011 nghi phạm buôn bán ma túy và 1.391 người khác được xếp trong danh sách “đang điều tra cái chết”.
Cảnh sát trưởng quốc gia Ronald De La Rosa trả lời trong một cuộc họp báo: “Nếu chúng chống trả, chắc chắn cảnh sát sẽ bắn chết. Chúng tôi không chừa một ai cả. Dù đó là người giàu, nghèo, cảnh sát hay thường dân. Thậm chí nếu là chính trị gia và dính tới ma túy, chúng tôi cũng bắn chết”.
Các nhà thờ Thiên Chúa lớn trên thế giới, nhiều nhóm vận động nhân quyền và thậm chí cả Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon cũng chỉ trích ông Duterte vì việc giết người không qua xét xử.
Nhiều ý kiến cho rằng Philippines chỉ đang giết hại dân nghèo và bỏ sót những kẻ giàu có, nhiều quyền lực. Khi được bầu làm tổng thống, ông Duterte từng tuyên bố sẽ dẹp loạn nạn tội phạm, ma túy hoành hành chỉ trong vòng 6 tháng bằng cách giết 10.000 người.
De La Rosa, chỉ huy trưởng chiến dịch của Duterte, tuyên bố rằng cảnh sát phải mạnh tay hơn trong việc trấn áp những kẻ dính líu vào đường dây buôn bán ma túy bất hợp pháp.
“Chúng tôi sẵn sàng giết cả đồng nghiệp của mình nếu phát hiện họ dính tới ma túy”, De La Rosa nói. Duterte và những quan chức khác nói cảnh sát chỉ giết hại nghi phạm và số còn lại bị giết bởi những băng nhóm nhằm bịt miệng thông tin.
Tuy nhiên, ông Duterte từng kêu gọi người dân giết hại những nghi phạm ma túy, thậm chí thúc giục hàng xóm của họ bắn chết những người bị tình nghi.
Ngày 2.9 vừa qua, một vụ nổ bom ở quê nhà Davao của Tổng thống Duterte đã khiến 14 người chết và 70 người khác bị thương. Sau sự kiện này, Duterte tuyên bố tình trạng “phi luật pháp” trên toàn Philippines.
Điều này đồng nghĩa tổng thống được sử dụng lực lượng quân đội khi cần. Trước đây, ông Duterte chỉ được sử dụng cảnh sát trong các chiến dịch truy quét ma túy.
Nhiều nghị sĩ đối lập cho rằng hành động này là không cần thiết và chỉ khiến vi phạm nhân quyền thêm trầm trọng.