Phía sau việc Anh cấm kiểm tra trinh tiết, vá màng trinh

Tuần trước, Chính phủ Anh bổ sung một điều khoản vào Dự luật Y tế và Chăm sóc rằng phẫu thuật tạo hình hymenoplasty (vá màng trinh) là bất hợp pháp, CNN đưa tin ngày 3/2. Từ tháng 11/2021, kiểm tra trinh tiết cũng trở thành một tội hình sự.

Theo một bài báo trên BMJ Global Health, “kiểm tra trinh tiết” bao gồm việc chuyên gia y tế kiểm tra trực quan màng trinh. Trong một số trường hợp, việc kiểm tra bao gồm việc sử dụng hai ngón tay để đánh giá kích thước của cửa âm đạo.

Tuy nhiên, các nghiên cứu chỉ ra rằng, không có cách kiểm tra nào có thể xác định một cách đáng tin cậy và chính xác liệu một phụ nữ đã quan hệ tình dục hay chưa và ý tưởng của việc kiểm tra như vậy phần lớn là phân biệt giới tính.

Các bác sĩ tin rằng, trên thực tế, việc thực hành này dựa trên sự hiểu lầm về cơ thể phụ nữ và quan niệm lạc hậu về “sự trong trắng”.

Một đại biểu Quốc hội Anh, người đề xuất những thay đổi đối với dự luật, ông Richard Holden, nói với CNN: “Tôi không thể tin rằng điều đó (kiểm tra trinh tiết) vẫn đang xảy ra hoặc không ai loại bỏ nó. Tôi phải vận động để thay đổi luật”.

Người phát ngôn chính phủ Anh nói với CNN rằng, sửa đổi luật là bằng chứng về cam kết “bảo vệ tất cả phụ nữ và phá bỏ những lầm tưởng phổ biến xung quanh trinh tiết và tình dục của phụ nữ”.

Mặc dù đề xuất thay đổi được hoan nghênh, nhưng nước Anh từ lâu đã có tình trạng kiểm tra trinh tiết. Những năm 1970, nhân viên di trú đã kiểm tra trinh tiết người nhập cư. Bộ Nội vụ Anh đã thử nghiệm phụ nữ như một phương tiện kiểm soát nhập cư và chưa bao giờ đưa ra lời xin lỗi chính thức về việc này.

Tuần trước, Chính phủ Anh bổ sung một điều khoản vào Dự luật Y tế và Chăm sóc rằng phẫu thuật tạo hình hymenoplasty (vá màng trinh) là bất hợp pháp. Ảnh: The Independent.

Tuần trước, Chính phủ Anh bổ sung một điều khoản vào Dự luật Y tế và Chăm sóc rằng phẫu thuật tạo hình hymenoplasty (vá màng trinh) là bất hợp pháp. Ảnh: The Independent.

Kiểm tra trinh tiết người nhập cư

Màng trinh là gì?

Theo Bệnh viện Vinmec, màng trinh là lớp màng nhầy mỏng, nằm cách âm đạo khoảng 2 cm, gồm các mô liên kết, mạch máu và đầu dây thần kinh. Độ dày màng trinh ở mỗi người là khác nhau, tùy thuộc cơ địa. Cấu trúc của màng trinh gồm 3 dạng là vách ngăn, hình khuyên, dạng sàng.

Màng trinh nằm ở giữa cửa âm đạo và tiền đình âm đạo. Đây là một mô giống như màng có một lỗ ở giữa cửa âm đạo không hoàn toàn đóng lại. Có một lỗ hoặc lỗ ở giữa, được gọi là lỗ màng trinh, có nhiều mạch máu nhỏ nên khi khi rách màng trinh thường có hiện tượng máu đỏ chảy ra.

Thông thường, rách màng trinh là do hoạt động quan hệ tình dục trong lần đầu tiên. Nhưng màng trinh cũng có thể bị rách do tác động bên ngoài như vận động mạnh như tập thể thao, đạp xe, chạy bộ, tập võ, thủ dâm…

Ông Balraj Purewal, Chủ tịch Hiệp hội Công nhân Ấn Độ tại Vương quốc Anh, nhớ lại ngày ông biết về những vi phạm đang diễn ra tại biên giới Vương quốc Anh. Đó là ngày 24/1/1979 và một thanh niên Ấn Độ có vẻ mặt bối rối đến văn phòng của Phong trào Thanh niên Southall (SYM) để tìm kiếm sự giúp đỡ.

Chàng trai nói với ông Purewal rằng anh không thể hiểu được tại sao vị hôn thê của mình, người vừa hạ cánh xuống thủ đô London của Anh, bị chảy máu và có vẻ như bị chấn thương. Anh giải thích với nhà hoạt động SYM rằng, trong khi anh đợi vị hôn thê ở sân bay Heathrow, các nhân viên y tế và nhập cư đã đưa cô ấy đi “phỏng vấn thông quan”.

Cuối cùng, khi bước ra khỏi phòng, cô ấy (một giáo viên 35 tuổi người Ấn Độ) không nói gì. “Có điều gì đó chắc chắn đã xảy ra với cô ấy trong phòng nhập cư”, ông Purewal nhớ lại lời của chàng trai.

Vài ngày sau, hai người đàn ông mới biết rằng cô ấy đã trải qua một cuộc kiểm tra trinh tiết bằng hai ngón tay tại sân bay lớn nhất của Vương quốc Anh.

Vụ lạm dụng cô giáo Ấn Độ đã thu hút sự chú ý của dư luận của cả nước Anh sau khi cô chia sẻ vụ việc với The Guardian, mô tả cách một thanh tra y tế kiểm tra thân thể cô để xác nhận rằng cô chưa sinh con và trên thực tế nhập cảnh vào Anh với tư cách là trinh nữ, để kết hôn.

Hồ sơ lưu trữ từ Bộ Nội vụ Anh cho thấy các quan chức nhập cư nghi ngờ người phụ nữ nói dối về tuổi tác và tình trạng hôn nhân của mình, và đã xin phép bác sĩ tiến hành kiểm tra nội bộ. Sau khi câu chuyện được công khai, bộ phận chịu trách nhiệm về nhập cư, an ninh, luật pháp và trật tự của Bộ Nội vụ đề nghị người phụ nữ trẻ nhận bồi thường 500 bảng Anh trong bối cảnh có tin rằng vị hôn phu của cô đã lên kế hoạch đệ đơn kiện Bộ Nội vụ.

Bằng chứng về đề nghị bồi thường sau đó được hai học giả người Úc, Evan Smith và Marinella Marmo, tìm thấy trong khi nghiên cứu về sự phân biệt đối xử trong lịch sử nhập cư của Anh.

Các nguồn bổ sung, bao gồm một cuộc tranh luận tại Quốc hội Anh, tiết lộ rằng sự việc của cô giáo Ấn Độ không phải ngoại lệ, và việc kiểm tra trinh tiết không chỉ diễn ra tại sân bay Heathrow.

Ông Smith nói với CNN: “Chúng tôi nhận thấy rằng, các cuộc kiểm tra phụ khoa cũng như các bộ phận cơ thể khác được tiến hành trên phụ nữ Nam Á tại Cao ủy của Anh ở Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, cũng như tại Heathrow”.

Ông cho biết thêm rằng, một tài liệu năm 1980 từ Văn phòng Khối thịnh vượng chung và Nước ngoài ước tính rằng, “120-140 phụ nữ Nam Á đã bị kiểm tra cơ thể vì mục đích nhập cư trong một thập kỷ cho đến năm 1979”. Trong số này, 73 người ở Delhi, 10 người ở Bombay và 40-60 người ở Dacca (nay là Dhaka). Vẫn chưa rõ số người ở Islamabad và Karachi.

Ông Balraj Purewal, Hiệp hội Công nhân Ấn Độ, là một trong những người đầu tiên biết về những vụ kiểm tra trinh tiết ở sân bay Heathrow của Anh. Ảnh: CNN.

Ông Balraj Purewal, Hiệp hội Công nhân Ấn Độ, là một trong những người đầu tiên biết về những vụ kiểm tra trinh tiết ở sân bay Heathrow của Anh. Ảnh: CNN.

Vi phạm nhân quyền

Vào tháng 3/1977, hai năm trước khi vụ việc của cô giáo Ấn Độ được đưa ra ánh sáng, nhà báo Amrit Wilson, nhận được tin nhắn từ một người bạn về một thiếu nữ 16 tuổi quốc tịch Pakistan bị giam giữ tại Heathrow.

Bà Wilson, hiện là nhà văn và nhà hoạt động về các vấn đề chủng tộc và giới tính ở Anh, cho biết cô gái trẻ đã “đến Heathrow trong trang phục cô dâu đầy đủ, chuẩn bị cho đám cưới với vị hôn phu của mình”.

Tuy nhiên, thiếu nữ bị giam tại trung tâm giam giữ Harmondsworth trong một tuần. Tại Harmondsworth, thiếu nữ mô tả với phóng viên về việc phải trải qua một cuộc “kiểm tra tình dục” bắt buộc, nhằm chứng minh rằng cô trẻ hơn những gì mình đã tuyên bố.

Trong cuốn sách năm 1978 “Tìm kiếm tiếng nói: Phụ nữ châu Á ở Anh”, bà Wilson viết rằng, thiếu nữ Pakistan kể có hai người đàn ông, một trong hai người da trắng, người kia nói tiếng Urdu và có lẽ đến từ Pakistan, liên quan vụ việc kiểm tra trinh tiết. Người giám định cáo buộc cô chưa đủ 16 tuổi và kết quả là cô bị trục xuất về Pakistan.

Bà Wilson kể lại những câu chuyện đau đớn khác. Như trường hợp một cô gái 18 tuổi bụng chửa vượt mặt từ Mumbai (Ấn Độ) đến Vương quốc Anh theo một cuộc hôn nhân sắp đặt. Cặp đôi bị chia cắt tại Heathrow và cô gái được đưa đến Harmondsworth, nơi cô ấy đã chuyển dạ trong khi được một bác sĩ và y tá kiểm tra bề ngoài. Việc chậm đến bệnh viện đã dẫn đến cái chết của em bé.

Bà Wilson giải thích, việc mất đứa trẻ và những tổn thương mà nó gây ra, đều là kết quả trực tiếp của việc lạm dụng giới tính khi giam giữ người nhập cư vào Anh. Tác hại về thể chất và tâm lý từ sự can thiệp này cũng được đánh giá một cách độc lập.

Năm 2015, Nhóm Chuyên gia pháp y độc lập (bao gồm các chuyên gia y tế độc lập ưu việt, những người đưa ra lời khuyên kỹ thuật và giám định trong các trường hợp có cáo buộc tra tấn) kết luận rằng, “việc kiểm tra trinh tiết là không đáng tin cậy về mặt y tế và không có giá trị lâm sàng hoặc khoa học".

Nhóm Chuyên gia pháp y độc lập cũng khẳng định: “Việc kiểm tra trinh tiết vốn dĩ mang tính phân biệt đối xử và khi tiến hành theo kiểu bắt buộc sẽ dẫn đến những đau khổ đáng kể về thể chất và tinh thần, do đó cấu thành hình thức đối xử hoặc tra tấn tàn bạo, vô nhân đạo và hạ nhục con người”.

Một tuyên bố chung của nhiều cơ quan Liên Hợp Quốc vào năm 2018 lặp lại những quan điểm này, gọi việc kiểm tra trinh tiết là “vi phạm nhân quyền”.

Tổ chức Y tế Thế giới kêu gọi chấm dứt kiểm tra trinh tiết (còn gọi là kiểm tra bằng 2 ngón tay). Nguồn: WHO.

Tổ chức Y tế Thế giới kêu gọi chấm dứt kiểm tra trinh tiết (còn gọi là kiểm tra bằng 2 ngón tay). Nguồn: WHO.

Chờ lời xin lỗi

Hội đồng Chung về phúc lợi cho người nhập cư là một trong những tổ chức của Anh trước đây ủng hộ các lời kêu gọi nhà nước đưa ra lời xin lỗi chính thức. Giám đốc điều hành của tổ chức này, ông Satbir Singh, nói rằng, kết luận rút ra từ các cuộc kiểm tra trinh tiết cho thấy các quan chức Bộ Nội vụ Vương quốc Anh đã đưa ra “tất cả các loại giả định về văn hóa Nam Á”.

Ông Singh tin rằng, lý do chính phủ Anh đưa ra là nếu một phụ nữ đã kết hôn có màng trinh còn nguyên vẹn thì đây là bằng chứng cho thấy cuộc hôn nhân của cô ấy là giả tạo, vì họ cho rằng màng trinh bao phủ hoàn toàn cửa âm đạo cho đến khi nó bị rách trong khi giao hợp.

Nếu màng trinh của một phụ nữ chưa kết hôn được kết luận là không còn nguyên vẹn sau khi kiểm tra, các quan chức nhập cư cho rằng điều này có nghĩa cô ấy đã kết hôn. Phía Anh đã tự mình đưa ra logic của mình như vậy.

Cuối tháng 1/1979, nhiều đàn ông và phụ nữ từ các cộng đồng Nam Á ở Vương quốc Anh biểu tình tại sân bay Heathrow và trên đường phố trung tâm London. Một làn sóng bất bình cũng tràn qua Ấn Độ sau khi có các bài báo về việc kiểm tra trinh tiết ở Anh, dẫn đến một số cuộc biểu tình ở New Delhi.

Việc công khai phản đối việc kiểm tra trinh tiết đối với người nhập cư cũng gây ra phản ứng ngoại giao, khi Thủ tướng Ấn Độ khi đó, Morarji Desai, viết thư phản đối gửi chính phủ Anh. Ngày 2/2/1979, Bộ Nội vụ Anh ra tuyên bố thừa nhận sử dụng phương pháp kiểm tra trinh tiết và xác nhận rằng Bộ trưởng Nội vụ đã chỉ đạo ngừng kiểm tra.

Sân bay Heathrow của Anh từng là nơi diễn ra các vụ việc kiểm tra trinh tiết người nhập cư. Ảnh: Reuters.

Sân bay Heathrow của Anh từng là nơi diễn ra các vụ việc kiểm tra trinh tiết người nhập cư. Ảnh: Reuters.

Ông Singh than phiền rằng, Bộ Nội vụ Anh chưa bao giờ thừa nhận rằng họ đã làm việc sai trái, họ không chính thức xin lỗi những người từng bị kiểm tra trinh tiết.

Gần 43 năm kể từ ngày xảy ra các cuộc biểu tình ở Anh và Ấn Độ, nghị sĩ Holden đề xuất hình sự hóa kiểm tra trinh tiết và vá màng trinh.

3 biện pháp vá màng trinh và chống chỉ định

Theo Bệnh viện Vinmec, có 3 phương pháp chính để vá màng trinh là dán, khâu và xâm lấn tối thiểu. Dán màng trinh là một thủ thuật đơn giản được bác sĩ sử dụng các mô của cơ thể để dán lại màng trinh. Sau 5-7 ngày, chất kết dính sẽ tự động rơi ra và không gây ảnh hưởng đến màng trinh đã được dán.

Khâu màng trinh bao gồm kỹ thuật khâu hấp thụ và khâu không hấp thụ, thời gian thực hiện khoảng 15-20 phút. Bác sĩ sẽ loại bỏ những phần thừa của màng trinh do bị rách, sau đó khâu lại. Khi màng trinh rách quá rộng, bác sĩ tách niêm mạc trước khi vá. Phương pháp xâm lấn tối thiểu sử dụng các công nghệ cao để không gây đau, không để lại sẹo, thời gian phục hồi và thực hiện nhanh, không gây biến chứng hay viêm nhiễm vùng kín sau phẫu thuật.

Tuy nhiên, phẫu thuật vá màng trinh chống chỉ định cho những trường hợp mắc bệnh cao huyết áp, tim mạch, tiểu đường, bệnh máu... Phụ nữ mang thai cũng không thể vá màng trinh.

Phụ nữ mắc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục có thể thực hiện vá màng trinh trong trường hợp đã điều trị khỏi bệnh. Người thực hiện thủ thuật không mắc các bệnh phụ khoa như viêm lộ tuyến cổ tử cung, u xơ tử cung. Sau khi sạch kinh ít nhất 3 ngày là thời gian vàng để thực hiện vá màng trinh. Trước 2 tuần thực hiện thủ thuật, nên tránh sử dụng thuốc kháng sinh, ngưng hút thuốc và tránh quan hệ trước khi thực hiện thủ thuật.

Nguồn: [Link nguồn]

TQ: Video ”kiểm tra trinh tiết” nữ sinh lan truyền trên mạng xã hội, người dân phẫn nộ

Cảnh sát Trung Quốc đang vào cuộc điều tra vụ việc một đoạn video phát trực tiếp trên mạng xã hội quay lại cảnh người...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thái An ([Tên nguồn])
Tin tức Anh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN