Phi công Nga nghiên cứu chiến thuật đối phó, chờ F-16 xuất hiện ở Ukraine

(PLO)- Các phi công Nga lái tiêm kích Su-30 đã phát triển các chiến thuật chuyên biệt để chống lại tiêm kích F-16 mà các nước phương Tây sắp chuyển tới cho Ukraine.

Ukraine đang chờ đợi sự xuất hiện của những chiếc tiêm kích F-16 đầu tiên, bày tỏ sự tin tưởng rằng máy bay phương Tây này có thể thay đổi cục diện cuộc chiến theo hướng có lợi cho Kiev. Nhiều hãng truyền thông phương Tây thường mô tả máy bay Mỹ là vũ khí thần kỳ.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích quốc tế và quan chức quân sự cấp cao cho rằng việc tài trợ F-16 sẽ không làm thay đổi đáng kể tình hình hiện tại ở chiến trường Ukraine, mà chỉ là cung cấp hỗ trợ mức tối thiểu.

Phi công Nga nghiên cứu chiến thuật đối phó F-16

Theo trang The EurAsian Times, truyền thông Nga đưa tin rằng các phi công lái tiêm kích Su-30 đã phát triển các chiến thuật chuyên biệt để chống lại máy bay chiến đấu F-16 mà các nước phương Tây sắp chuyển tới cho Ukraine.

Tiêm kích Su-30SM2 của Nga. Ảnh: MILITARNYI

Tiêm kích Su-30SM2 của Nga. Ảnh: MILITARNYI

Phi công Nga tin rằng F-16 không gây ra mối đe dọa đáng kể trong các tình huống chiến đấu. Họ đã nghiên cứu kỹ lưỡng các đặc điểm khí động học của F-16.

“Những máy bay đó sẽ xuất hiện và chẳng có gì đáng ngại. F-16 sẽ trở thành mục tiêu mới. Chúng tôi thậm chí đang chờ đợi chúng xuất hiện” – một phi công lái Su-30SM nói.

Các phi công Nga tự tin vào khả năng đối đầu F-16 trong các trận không chiến tầm gần, họ có thể khai thác điểm yếu của tiêm kích này và giành được lợi thế.

“Nhìn chung, đặc tính khí động học của tiêm kích F-16 không thay đổi. Nó vẫn là máy bay một động cơ. Chúng tôi biết điểm mạnh và điểm yếu của máy bay. Và khi chúng tôi đối đầu F-16 trong không chiến tầm gần, chúng tôi sẽ đẩy nó vào thế bị áp đảo hoàn toàn” – viên phi công trên nói.

Cả phi công mới vào nghề và phi công dày dạn kinh nghiệm của Nga liên tục tham gia các khóa huấn luyện để chuẩn bị cho các tình huống chiến đấu, trong đó có kịch bản chạm trán máy bay Mỹ.

Dù Ukraine có thể sẽ sử dụng chiến thuật đánh lừa và phục kích từ F-16 nhưng các phi công Nga vẫn tự tin rằng máy bay của họ vẫn vượt trội hơn F-16 về khả năng cơ động, vũ khí và hệ thống nhắm mục tiêu.

Trả lời kênh Zvezda TV, ông Oleg Pankov – Giám đốc thiết kế chương trình Su-30 - cho biết tiêm kích Su-30SM2 đã được nâng cấp đáng kể so với trước đây, đặc biệt là radar cải tiến và hệ thống vũ khí mới.

Ông Pankov nhấn mạnh rằng Su-30SM2 hiện được trang bị vũ khí tầm xa tích hợp, có thể triển khai hầu hết mọi vũ khí hiện đại có trong kho của Nga. So với Su-30SM, phạm vi phát hiện mục tiêu của biến thể này cũng tăng gấp đôi, cả mục tiêu trên không và trên mặt đất.

Radar và hệ thống vũ khí mới của Su-30SM2 cho phép phi công Nga chống lại hiệu quả hệ thống phòng không tiên tiến, chẳng hạn như hệ thống Patriot của Mỹ.

Ông Vijainder K Thakur - cựu binh Không quân Ấn Độ và là chuyên gia về công nghiệp quốc phòng Nga – cho hay Su-30SM2 có thể triển khai nhiều loại vũ khí chính xác cao hiện tại và tương lai, trong đó có bom lượn KAB-250 và tên lửa không đối đất X-59MK2.

Quân đội Nga tiếp nhận lô máy bay chiến đấu hạng nặng Su-30SM2 vào cuối năm 2022. Bên cạnh đó, ông Pankov cho biết máy bay chiến đấu Su-30SM2 vào năm tới sẽ được lắp động cơ mới, tương tự động cơ trang bị trên tiêm kích Su-35 và Su-57.

Động cơ được lắp cho Su-30SM2 sẽ là động cơ mới AL-41F-S1 – bản nâng cấp đáng kể so với động cơ AL-31FP của máy bay Su-30. Động cơ này giúp tăng 16% lực đẩy tối đa và tăng gấp đôi tuổi thọ động cơ – 4.000 giờ, trong khi vẫn duy trì trọng lượng và kích thước như các máy bay thế hệ trước.

Với các hệ thống tiên tiến trên Su-30SM2, kết hợp chiến thuật phù hợp và sự chuẩn bị kỹ lưỡng, phi công Nga tin rằng họ sẽ có ưu thế trong bất kỳ cuộc giao chiến tiềm tàng nào với F-16.

Cơ hội chiến đấu của F-16

Theo trang Bulgarian Military, những chiếc F-16 gửi tới Ukraine thiếu radar và hệ thống tiên tiến như trên các phiên bản Block 70/72. Khả năng tác chiến điện tử cũng không tiên tiến.

Bulgarian Military cho rằng điều này chủ yếu là do Mỹ không muốn mạo hiểm cung cấp công nghệ mới cho Ukraine vì lo ngại có thể rơi vào tay Nga.

Các tiêm kích F-16 bay biểu diễn tại triển lãm hàng không Thunder Over South Georgia ở căn cứ không quân Moody (bang Georgia, Mỹ) ngày 28-10-2017. Ảnh: Daniel Snider/BỘ QUỐC PHÒNG MỸ

Các tiêm kích F-16 bay biểu diễn tại triển lãm hàng không Thunder Over South Georgia ở căn cứ không quân Moody (bang Georgia, Mỹ) ngày 28-10-2017. Ảnh: Daniel Snider/BỘ QUỐC PHÒNG MỸ

Bất chấp những hạn chế về radar và hệ thống điện tử hàng không, các tiêm kích F-16 tài trợ cho Ukraine vẫn sẽ có cơ hội chiến đấu chống lại máy bay Sukhoi của Nga. Cơ hội này nằm ở chiến lược riêng biệt: tiếp cận nhanh, phóng tên lửa tầm xa, sau đó nhanh chóng rút về căn cứ.

Theo trang Kyiv Independent, Ukraine hiện đối mặt các thách thức trong việc cải tạo cơ sở hạ tầng do Liên Xô xây dựng để cất trữ máy bay tiên tiến của phương Tây – một nhiệm vụ có thể mất nhiều năm để hoàn thành.

Dù các chuyên gia quốc phòng không cho rằng F-16 sẽ là yếu tố thay đổi cuộc chơi trong xung đột Nga-Ukraine, nhưng máy bay này có thể tăng cường khả năng phòng không của Ukraine, có thể bảo vệ các khu định cư nước này trước các cuộc ném bom hằng ngày của Nga.

Nguồn: [Link nguồn]

Bộ Ngoại giao Nga ngày 10/7 lên tiếng về thông tin các nước thành viên NATO bắt đầu cung cấp chiến đấu cơ F-16 cho Ukraine để Kiev đưa vào chiến đấu ngay trong mùa hè năm nay.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo TRI TÚC ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN