Phe nổi dậy Myanmar bị máy bay không người lái tấn công
Lực lượng nổi dậy Myanmar đạt được những kết quả mang tính đột phá trong năm 2023 nhờ hỗ trợ của đội quân máy bay không người lái. Nhưng khi giao tranh kéo dài, chính quyền quân sự cũng đã sắm máy bay không người lái thương mại do Trung Quốc sản xuất, cải tiến để mang theo vũ khí.
Một chiếc máy bay không người lái của hãng DJI Trung Quốc.
"Cuộc xung đột đang thay đổi khi cả 2 bên đều sử dụng máy bay không người lái", một thành viên 31 tuổi của lực lượng nổi dậy tự xưng là Ta Yoke Gyi, nói với Reuters.
Ta Yoke Gyi cho biết chính quyền quân sự bắt đầu sử dụng máy bay không người lái có vũ trang (UAV) để tấn công quân nổi dậy từ đầu năm nay, và đơn vị của anh gần đây bắn rơi 1 chiếc mà họ xác định là do Trung Quốc sản xuất.
Reuters cho biết họ cũng phỏng vấn 4 người khác của phe nổi dậy, 2 nhà phân tích và 1 quan chức khu vực. Họ mô tả chi tiết về việc chính quyền quân sự Myanmar sử dụng những chiếc máy bay không người lái có thể mang theo thuốc nổ.
Ta Yoke Gyi cho biết một số thành viên lực lượng kháng chiến bị thương do máy bay không người lái của chính quyền. "Họ đã giỏi hơn trong việc sử dụng chúng", Ta Yoke Gyi nói.
Ông Min Zaw Oo, giám đốc điều hành của Viện nghiên cứu hòa bình và an ninh Myanmar, cho biết chính quyền quân sự bắt đầu mua hàng nghìn máy bay không người lái thương mại từ Trung Quốc vào đầu năm nay và cải tiến chúng để gắn với đạn dược sản xuất trong nước.
Ông Min Zaw Oo xác nhận ông biết thông tin này thông qua các quan chức quân đội và những người hiểu biết về sản xuất vũ khí.
Theo Reuters, một phát ngôn viên của chính quyền quân sự Myanmar không phản hồi đề nghị bình luận về thông tin này.
Năm ngoái, lãnh đạo chính quyền quân sự Min Aung Hlaing cho biết, quân nổi dậy đã thả hơn 25.000 quả bom bằng máy bay không người lái trong đợt tấn công lớn vào các đồn quân sự trong tháng 10.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm khẳng định: "Trung Quốc luôn thận trọng và có trách nhiệm trong việc xuất khẩu sản phẩm quân sự và các mặt hàng lưỡng dụng".
Theo ước tính của Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm, quân đội Myanmar đã đặt mua khoảng 12 UAV CH-3 có thể mang theo vũ khí từ Trung Quốc vào khoảng năm 2013.
Nhưng chính quyền quân sự không sử dụng những máy bay như vậy trong các cuộc tấn công. Lực lượng nổi dậy cho biết quân đội sử dụng máy bay không người lái thương mại, kể cả loại được thiết kế cho nông nghiệp.
Hơn 3 năm kể từ cuộc đảo chính lật đổ chính phủ dân sự, quân đội Myanmar đến nay đã mất quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ rộng lớn vào tay phe nổi dậy.
Dù khó có thể dự đoán quỹ đạo của cuộc nội chiến trong những tháng tới, nhưng phe nổi dậy có vẻ đã mất đi lợi thế ban đầu là đội máy bay không người lái, ông Min Zaw Oo cho biết.
Máy bay và xuồng không người lái thương mại trở thành nhân tố thay đổi cuộc chơi trong cuộc xung đột ở Ukraine, khi Kiev sử dụng chúng để tấn công đội tàu chiến và nhiều mục tiêu có giá trị cao của đối phương.
Tại Myanmar, Ta Yoke Gyi trước đây chưa từng nghĩ đến vũ khí. Trước khi đảo chính xảy ra, ông là một tài xế xe buýt đường dài. Tức giận với chính quyền quân sự, Ta Yoke Gyi cùng hàng nghìn thanh niên khác cầm vũ khí chống lại quân đội.
Hiện tại, anh đứng đầu đơn vị có tên là Angry Bird Drone Rangers. Họ sử dụng các UAV nhỏ do hãng DJI Trung Quốc sản xuất để thực hiện nhiệm vụ trinh sát. DJI không trả lời yêu cầu bình luận.
Sau đó, đơn vị này tự chế tạo các máy bay không người lái lớn hơn để gắn thuốc nổ, dựa vào hướng dẫn của các chuyên gia trên TikTok, Instagram và YouTube.
"Chúng tôi đã mua từng bộ phận linh kiện và bắt đầu thử nghiệm máy bay không người lái trong khoảng 4 - 5 tháng", Ta Yoke Gyi cho biết.
Cho đến gần đây, chính quyền quân sự Myanmar vẫn dựa vào pháo binh và hỗ trợ trên không thông thường để bảo vệ các tiền đồn chiến lược ở biên giới.
Các nhà phân tích cho biết, đội máy bay không người lái của quân nổi dậy đã vô hiệu hóa các vị trí pháo binh của chính quyền.
Cuộc tấn công nổi bật nhất bằng máy bay không người lái của quân nổi dậy diễn ra trong Chiến dịch 1027, một cuộc tấn công lớn do liên minh của 3 lực lượng phối hợp thực hiện vào tháng 10 năm ngoái.
Nhưng trong những tháng tiếp theo, lực lượng nổi dậy bắt đầu bị chính quyền tấn công trở lại bằng máy bay không người lái.
Nhóm vũ trang sắc tộc Myanmar tuyên bố đã bắt giữ một chỉ huy quân sự và hàng trăm quân nhân ở bang Rakhine làm tù binh. Đây là đòn mới nhất giáng vào chính quyền quân sự.
Nguồn: [Link nguồn]