Phát hiện hàng loạt cổ vật giúp hé lộ về triều đại chưa từng được biết đến ở TQ
Các nhà khảo cổ Trung Quốc gần đây đã phát hiện thêm một loạt những cổ vật ở khu khảo cổ phía tây nam, được cho là có thể giúp làm sáng tỏ nền văn minh bí ẩn chưa từng được ghi nhận cách đây 3.000 năm.
Một trong những phát hiện mới bao gồm bàn thờ bằng đồng.
Hàng nghìn đồ tạo tác được khai quật trong 6 hố hiến tế tại khu Di tích Tam Tinh Đôi ở tỉnh Tứ Xuyên, bao gồm một chiếc hộp đồng chứa ngọc bích màu xanh lá cây, theo SCMP.
Chiếc hộp có 4 tay cầm hình đầu rồng, được bọc một lớp lụa trong quá trình cúng tế, theo Tân Hoa Xã. Tuy nhiên, hiện chưa rõ công dụng hoặc ý nghĩa của chiếc hộp.
Một chiếc đầu bằng đồng đeo mặt nạ vàng.
Li Haichao, giáo sư Đại học Tứ Xuyên, người phụ trách một nhóm khai quật, nói những phát hiện này mang tính đột phá. “Đây là những thứ chưa từng có trước đây. Tôi nghĩ đây là các phát hiện chưa từng thấy”, ông Li nói, theo Tân Hoa Xã.
"Dù không rõ chiếc hộp này được dùng làm gì nhưng chúng ta có thể thấy rằng người cổ đại rất quý trọng nó", ông Li nói.
Các cổ vật mới được khai quật.
Những phát hiện khảo cổ mới chủ yếu được thu thập ở các hố hiến tế số 7 và 8, nâng tổng số cổ vật được phát hiện trong 6 hố hiến tế ở Tam Tinh Đôi lên gần 13.000, theo Viện Nghiên cứu Di tích Văn hóa và Khảo cổ tỉnh Tứ Xuyên.
Tại hố hiến tế số 8, các nhà khảo cổ học đã khai quật nhiều loại cổ vật bao gồm những đầu bằng đồng có mặt nạ vàng, một tác phẩm điêu khắc bằng đồng có đầu người và thân rắn, bàn thờ bằng đồng, một sinh vật thần thoại khổng lồ bằng đồng và một vật phẩm bằng đồng hình rồng có mũi lợn.
Một chiếc mặt nạ bằng đồng được khai quật ở hố hiến tế số 8.
Zhao Hao, phó giáo sư tại Đại học Bắc Kinh, người dẫn đầu nhóm khảo cổ ở hố hiến tế số 8, nói các phát hiện mới cho thấy sự đa dạng và phong phú của nền văn minh cổ xưa. “Các tác phẩm điêu khắc rất phức tạp và giàu trí tưởng tượng, phản ánh một thế giới huyền bí do con người tạo ra vào thời điểm đó”, ông nói.
Thông qua quá trình khai quật, các nhà khảo cổ đã giải quyết được cuộc tranh cãi kéo dài hàng thập niên khi xác nhận các hố hiến tế có niên đại hơn 3.000 năm trước, theo Tân Hoa Xã.
Các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy dấu vết của bò và lợn rừng trong các hố hiến tế, dấu hiệu cho thấy người cổ xưa sử dụng động vật làm vật hiến tế.
Các cổ vật thuộc về một nền văn minh bí ẩn chưa từng được ghi chép trong lịch sử.
Di tích Tam Tinh Đôi là một trong những phát hiện khảo cổ quan trọng nhất của thế kỷ 20. Di tích này được phát hiện lần đầu tiên năm 1920, khi một nông dân tình cờ đào được hơn 400 cổ vật.
Tam Tinh Đôi được cho là cho là nằm ở trung tâm Vương quốc Thục, nhưng các nhà khảo cổ chưa tìm thấy các tài liệu lịch sử ghi chép về vương quốc này.
Các nhà khảo cổ đã có bước đột phá vào những năm 1980 khi phát hiện hai hố hiến tế chứa hơn 1.700 đồ tạo tác. Cuộc khai quật bị tạm dừng cho đến năm 2019. 6 hố hiến tế khác được tìm thấy trong giai đoạn từ năm 2020-2022.
Năm 2021, trong quá trình khai quật Di chỉ Tam Tinh Đôi, các chuyên gia Trung Quốc tìm được một chiếc mặt nạ bằng vàng ròng, không giống bất kỳ dạng mặt nạ nào từng thấy. Các chuyên gia nhận định, cùng với chiếc mặt nạ vàng, những cổ vật mới được phát hiện khác có thể khiến lịch sử Trung Quốc phải viết lại, vì chúng đạt độ tinh xảo hơn nhiều so với các hiện vật cùng thời ở nơi khác của Trung Quốc.
“Liệu đó có nghĩa là Di chỉ Tam Tinh Đôi thuộc về một nền văn minh ngoài Trái đất?”, một cư dân mạng Trung Quốc đặt câu hỏi.
Nguồn: [Link nguồn]
Phát hiện chiếc mặt nạ vàng cùng hàng trăm hiện vật có niên tại cách đây 3.000 năm tại khu di chỉ Tam Tinh Đôi ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, dẫn đến tranh luận rằng liệu nơi...