Phát hiện tắc kè kỳ quái đuôi to hơn đầu ở Úc
Các nhà khoa học vừa phát hiện ra một loài tắc kè mới, có đuôi to hơn đầu ở Queensland, Úc.
Tắc kè đuôi to mới được phát hiện ở Úc
Một loài tắc kè đuôi to mới được phát hiện bởi các nhà khoa học ở Queensland, Úc. Chúng thường trú ẩn trong những hang nhện dưới đất. Loài tắc kè đặc biệt này được đặt tên khoa học là Diplodactylus ameyi, để tôn vinh nhà bò sát học Tiến sĩ Andrew Amey.
Tắc kè đuôi to được nhận dạng bởi nhà khoa học về bò sát Patrick Couper ở bảo tàng Queensland và đồng nghiệp Paul Oliver từ Đại học Quốc gia Australia.
Couper nói rằng loài bò sát này sống rất tốt ở những vùng hẻo lánh của Queensland mặc cho điều kiện khắc nghiệt. “Những con vật này sống về đêm, nó ra ngoài kiếm ăn khi trời mát hơn. Ban ngày chúng trốn trong hang nhện để tránh nắng nóng”, ông nói.
Chiếc đuôi to có thể giúp tắc kè đánh lừa kẻ thù
Nhà khoa học cũng nói thêm cái đuôi to của con tắc kè rất hữu dụng.
“Cái đuôi của chúng có kích cỡ như đầu. Vì thế, khi bị tấn công, chúng có thể đưa đuôi ra để bảo vệ đầu”, Couper giải thích. “Khi bị con vật khác tấn công, con tắc kè đưa đuôi để đánh lừa, chạy thật nhanh và trốn thoát”.
Couper nói rằng trong suốt sự nghiệp, anh đã phát hiện ra hơn 50 loài bò sát mới, bao gồm 24 loài tắc kè. Cho dù đã làm việc này nhiều năm, nhưng Couper thấy việc phát hiện ra một loài mới vẫn rất thú vị. “Nó khiến tôi hào hứng và việc lưu trữ tài liệu về các loài động vật cũng rất cần thiết.”