Phát hiện những người không phơi nhiễm Covid-19 nhưng vẫn có khả năng miễn nhiễm
Hệ miễn dịch của một số người không bị phơi nhiễm Covid-19 có khả năng phản ứng hiệu quả với virus, giúp những người này miễn nhiễm với bệnh dịch hoặc làm giảm triệu chứng nếu nhiễm Covid-19, một nghiên cứu mới cho biết.
Các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm hiểu được rõ phản ứng của cơ thể với virus SARS-CoV-2. Ảnh minh họa.
Theo nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Nature, trong số 68 người trưởng thành khỏe mạnh ở Đức, 35% có tế bào T trong máu có phản ứng với virus.
Tế bào T là một phần của hệ miễn dịch, giúp bảo vệ cơ thể khỏi bị nhiễm bệnh. Phản ứng của tế bào T cho thấy hệ miễn dịch đã có kinh nghiệm đối phó với bệnh dịch, từ đó ghi nhớ và phản ứng với dịch bệnh tương tự.
Nhưng tại sao có những người mang trong mình tế bào T phản ứng hiệu quả với Covid-19 trong khi họ chưa từng nhiễm Covid-19?
Các nhà nghiên cứu nhận định những người này có lẽ từng bị nhiễm một chủng virus Corona. Việc tế bào T áp dụng phương pháp ức chế lây nhiễm đối với một dạng lây nhiễm mới được gọi là “phản ứng chéo”.
Nghiên cứu phân tích mẫu máu của 18 bệnh nhân Covid-19, độ tuổi từ 21-81, phát hiện tế bào T phản ứng với virus SARS-CoV-2 tồn tại trong 83% bệnh nhân này.
Các nhà nghiên cứu kêu gọi tìm hiểu rõ hơn vai trò của tế bào T và cách tế bào này gây ra “phản ứng chéo” ngăn virus SARS-CoV-2.
“Chúng ta đã biết trẻ em và thanh niên có thể bị nhiễm mà không bộc lộ bất cứ triệu chứng nào, có thể điều này liên quan đến tế bào T”, tiến sĩ Amesh Adalja, nhà nghiên cứu tại Đại học John Hopkins ở Mỹ, nói.
Cho đến nay, các nhà nghiên cứu thường chỉ tập trung vào vai trò của kháng thể trong việc xây dựng hàng rào miễn dịch với Covid-19.
Theo Adalja, gần như tất cả mọi người trên thế giới đều từng gặp phải một chủng virus Corona nào đó.
“SARS-CoV-2 là chủng virus Corona thứ 7 được phát hiện lây nhiễm sang người, trong đó 4 chủng virus gây triệu chứng giống cảm lạnh thông thường”, Adalja nói. “Gần như ai trên thế giới cũng từng gặp phải virus Corona, nên phản ứng chéo hình thành miễn dịch là có cơ sở”.
Nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Nature củng cố nhận định rằng một số lượng người nhất định đã hình thành cơ chế phản ứng miễn dịch ngay cả khi chưa từng bị nhiễm virus SARS-CoV-2.
Nguồn: [Link nguồn]
Cứ khoảng 10 người sống ở những khu ổ chuột lớn nhất của Ấn Độ thì có 6 người mang trong mình kháng thể ngừa virus...