Phát hiện mới về cấu tạo bên trong của Trái đất
Các nhà khoa học tại Đại học Quốc gia Úc vừa công bố một nghiên cứu cho thấy Trái đất có thể có 5 lớp chứ không phải 4 lớp như chúng ta vẫn nghĩ.
Đài CNN đưa tin các nhà nghiên cứu của Đại học Quốc gia Úc ngày 21-2 đã công bố một nghiên cứu chuyên sâu về trung tâm Trái đất, cho rằng có một quả cầu kim loại cực nóng nằm bên trong lớp lõi trong của Trái Đất, làm thay đổi những hiểu biết trước đây và hành tinh của chúng ta.
Dựa trên hành vi của sóng địa chấn từ các trận động đất lớn, các nhà khoa học cho rằng Trái đất có 5 lớp chính chứ không phải 4 lớp (lớp vỏ, lớp phủ, lõi ngoài và lõi trong) như chúng ta vẫn biết. Cụ thể, ẩn trong lớp lõi trong của Trái đất có thể một quả cầu kim loại đường kính khoảng 644 km với vỏ là hợp kim sắt-niken và một lượng nhỏ các nguyên tố khác.
Theo nghiên cứu mới công bố trên tạp chí tạp chí Nature Communications (Anh), lớp này tách biệt với phần còn lại, tương tự như búp bê xếp chồng Matryoshka của Nga.
Hình ảnh Trái đất chụp từ vệ tinh. Ảnh: NASA
Giả thiết về một lớp không thể nhận thấy của Trái đất đã xuất hiện 20 năm trước. Giờ đây, bằng cách đo sóng địa chấn của các trận động đất đi qua trung tâm Trái đất, các nhà nghiên cứu cuối cùng đã phát hiện ra lõi trong cùng đó, nghiên cứu cho biết.
Sóng địa chấn là những rung động chạy bên trong hoặc dọc theo bề mặt Trái đất và xuyên qua các lớp bên trong của Trái đất do động đất, núi lửa hoặc các nguyên nhân khác.
Tác giả chính của nghiên cứu - Tiến sĩ Thanh-Son Pham cho biết: “Trong nghiên cứu này, lần đầu tiên, chúng tôi báo cáo các quan sát về sóng địa chấn bắt nguồn từ các trận động đất mạnh di chuyển qua lại từ bên này sang bên kia địa cầu tới 5 lần”.
Ông nói rằng quá trình chuyển đổi từ lõi trong sang khối cầu trong cùng dường như diễn ra dần dần chứ không rõ ràng. Các nhà nghiên cứu có thể phân biệt hai khu vực vì sóng địa chấn khác nhau giữa chúng.
Nhà khoa học Hrvoje Tkalčić - đồng tác giả của nghiên cứu nói: “Tôi thích nghĩ về lõi bên trong như một hành tinh nằm trong hành tinh”.
“Nếu chúng ta loại bỏ lớp phủ và lõi ngoài, lõi bên trong sẽ tỏa sáng như một ngôi sao. Nhiệt độ của nó ước tính vào khoảng 5.500-6.000 độ C, tương tự như bề mặt của Mặt trời” - ông nói thêm.
Theo CNN, việc phát hiện ra lớp mới bên dưới chân chúng ta là rất quan trọng. Sự hiện diện của một lõi riêng biệt trong cùng có thể giúp các nhà khoa học hiểu rõ và dự đoán về từ trường của Trái đất.
Phát hiện mới cũng “cho chúng ta một cái nhìn thoáng qua về những gì có thể đã xảy ra với các hành tinh khác, chẳng hạn như sao Hỏa. Đến giờ chúng ta vẫn chưa hiểu tại sao (từ trường của sao Hỏa) đã không còn tồn tại” - ông Pham cho biết thêm.
Nguồn: [Link nguồn]
Trên tàu lặn do Trung Quốc chế tạo, nhóm các nhà khoa học từ Trung Quốc và New Zealand đã thực hiện chuyến đi mạo hiểm tới rãnh Kermadec – một trong những địa điểm bí ẩn...