Phát hiện mới tiết lộ sự thật về thủy quái “to như hòn đảo” từng gây khiếp sợ ở Bắc Âu

Nhờ công nghệ hiện đại, bí ẩn về loài quái vật khổng lồ gieo rắc nỗi khiếp sợ cho các thủy thủ Bắc Âu thời Trung cổ đã được giải mã.

Thủy quái Hafgufa trong tranh vẽ cổ (ảnh: Live Science)

Thủy quái Hafgufa trong tranh vẽ cổ (ảnh: Live Science)

Hafgufa – loài quái vật biển được nhắc nhiều trong các bản thảo cổ ở Bắc Âu – nhiều khả năng là cá voi, nghiên cứu của nhà cổ John McCarthy cho hay.

Ông McCarthy là nhà khảo cổ học đại dương, làm việc tại Trường khoa học nhân văn, nghệ thuật và xã hội thuộc Đại học Flinders (Úc). Nghiên cứu của ông về Hafgufa được Live Science trích dẫn hôm 1/3.

Mô tả chi tiết về thủy quái Hafgufa (tiếng Anh có nghĩa là “sương mù biển”) xuất hiện trong bản thảo cổ “Konungs skuggsja” (Tấm gương của nhà vua) có niên đại từ thế kỷ 13. Bản thảo này được gửi tới vua Na Uy Hakonarson (1217 – 1263).

Theo đó, Hafgufa được miêu tả là loài quái vật khổng lồ, kích thước to như hòn đảo, có khả năng ăn thịt cả cá voi. Khi Hafgufa mở miệng, nó tỏa ra thứ mùi hấp dẫn khiến những con cá khác tự động nhảy vào.

Một bản thảo khác cổ hơn, có niên đại từ thế kỷ thứ 2, miêu tả Hafgufa là sinh vật giống cá voi. Hafgufa có kích thước khổng lồ. Hafgufa lớn đến nỗi đôi khi tàu thuyền đi lạc vào miệng nó vì ngỡ hàm răng của quái vật là những tảng đá trồi lên từ mặt biển.

Theo thần thoại, Hafgufa to bằng cả hòn đảo và có thể ăn thịt cá voi (tranh: Live Science)

Theo thần thoại, Hafgufa to bằng cả hòn đảo và có thể ăn thịt cá voi (tranh: Live Science)

“Tôi đọc một số tài liệu về thần loại Bắc Âu và nhận thấy quái vật Hafgufa rất giống với hành vi kiếm ăn nổi tiếng của cá voi”, ông McCarthy nói.

“Sau khi nghiên cứu kỹ hơn, chúng tôi phát hiện điểm tương đồng đáng kinh ngạc”, ông McCarthy nói thêm.

Nghiên cứu của ông McCarthy cho thấy, các tài liệu cổ về Hafgufa thực chất đang mô tả lại chiến thuật săn mồi “trap feeding” của cá voi. Theo đó, một số loài cá voi như cá voi lưng gù, cá voi Bryde có thể săn mồi trong tư thế bơi thẳng đứng, miệng mở to. Chúng giữ tư thế này trong khoảng thời gian dài, khiến những con cá nhỏ nhầm lẫn miệng cá voi là nơi trú ẩn và bơi vào.

Cá voi lưng gù và cá voi Bryde cũng có thể nôn ra thức ăn thừa có mùi đặc trưng để hấp dẫn nhiều con mồi hơn. Đây là hành vi khá hiếm gặp.

Vào năm 2011, các nhà khoa học mới hiểu rõ về cách săn mồi đặc biệt này sau khi theo dõi tập tính của cá voi lưng gù và cá voi Bryde. Ngày nay, nhờ các công nghệ mới như drone (thiết bị không người lái gắn camera), các nhà khoa học có thể nghiên cứu cá voi dễ dàng hơn, theo Live Science.

Hafgufa thực chất là cá voi (ảnh: Live Science)

Hafgufa thực chất là cá voi (ảnh: Live Science)

Lauren Poyer – chuyên gia nghiên cứu Bắc Âu tại Đại học Washington (Mỹ) – cho biết, người Bắc Âu là những thủy thủ lành nghề. Họ có hiểu biết rất rộng về đại dương, thủy triều, dòng hải lưu, kiểu sóng và các loài cá. Họ đã biết về cách săn mồi đặc biệt của cá voi và chép lại trong các tài liệu cổ. Kích thước của cá voi được phóng đại, biến chúng thành thủy quái Hafgufa.

“Trên thực tế, Hafgufa trong các bản thảo thời Trung cổ chính là loài cá voi”, Erin Sebo – tiến sĩ văn học Trung cổ thuộc Đại học Flinders (Úc) – nhận định.

Nguồn: [Link nguồn]

Rút cạn 200.000 m3 nước để săn ”thủy quái” trong hồ ở TQ: Kết quả ra sao?

Sau khi rút cạn một hồ nước ở Nhữ Châu (thành phố thuộc tỉnh Hà Nam, miền trung Trung Quốc) giới chức đã phát hiện 2 con cá sấu hỏa tiễn, được nhiều người Trung Quốc gọi...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo QUỐC NAM - Live Science ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN