Phát hiện “Mặt trời thứ hai” nuốt chửng nhiều hành tinh
Ngôi sao HIP68468 có kích thước, khối lượng, độ sáng tương tự Mặt Trời mới được các nhà nghiên cứu phát hiện, có thể đã từng nuốt chửng nhiều hành tinh trong hệ của nó, tương tự như hệ Mặt trời.
"Mặt trời thứ hai" có thể đã nuốt chửng các hành tinh trong hệ của nó.
Theo Daily Mail, các nhà thiên văn đã phát hiện hệ các hành tinh khá hiếm gặp, trong đó có một ngôi sao lớn, khá giống với Mặt trời.
Sự bất thường trong thành phần của ngôi sao này khiến các nhà nghiên cứu đau đầu, cho đến khi họ nhận ra, HIP68468 có thể đã nuốt chửng nhiều hành tinh xung quanh.
HIP68468 hình thành cách đây khoảng 6 tỷ năm trước, có kích thước, khối lượng và độ sáng tương tự Mặt Trời nên còn được gọi là “Mặt trời thứ hai” hoặc "bản sao Mặt trời".
Cụ thể, “Mặt trời thứ hai” chứa lượng liti (lithium) gấp 4 lần mức bình thường ở các ngôi sao cùng độ tuổi. Điều này chỉ có thể lý giải là nó đã nuốt chửng một số hành tinh trong quá khứ. Ngôi sao cũng mang nhiều kim loại hơn so với các hành tinh đá khác.
Phần lõi của HIP68468 hấp thụ lithium theo thời gian. Trong khi ở các hành tinh khác, tồn tại lượng lithium nhất định vì nhiệt độ bên trong lõi không đủ nóng để nung chảy nguyên tố này.
Nhìn chung, lượng lithium và kim loại mà các nhà nghiên cứu phát hiện trong HIP68468 gấp 6 lần Trái đất.
Các nhà nghiên cứu đang tìm hiểu xem liệu hiện tượng này có thường xuyên xảy ra trong vũ trụ hay không.
“Giống như chúng tôi nhìn thấy con mèo đứng bên cạnh lồng chim vậy”, Debra Fischer, Giáo sư thiên văn học tại trường Đại học Yale minh họa. “Dấu vết của lông chim trong miệng con mèo là cơ sở để nói, con mèo đã nuốt chửng miếng mồi”.
Phát hiện đáng kinh ngạc này có thể là cơ sở để các nhà nghiên cứu hiểu thêm về sự hình thành của hệ thống các hành tinh theo thời gian.
“Điều này không có nghĩa là Mặt trời sẽ 'nuốt’ Trái đất trong tương lai", nhà nghiên cứu Jacob Bean, đến từ trường Đại học Chicago (Mỹ) nói. “Phát hiện của chúng tôi cung cấp dấu hiệu cho thấy đây có thể là quá trình phổ biến trong các hệ hành tinh, bao gồm cả hệ Mặt trời”.
Megan Bedell, một nhà nghiên cứu khác nói, cả nhóm sẽ “tìm hiểu thêm về các ngôi sao khác tương tự để đi đến kết luận rằng, liệu hiện tượng này có thường xuyên diễn ra trong vũ trụ hay không”.
Theo tính toán của máy tính, sao Thủy trong tương lai sẽ bị Mặt trời nuốt gọn, khi ngôi sao này trở nên già cỗi và phình to hơn, Debra cho biết.