Phát hiện "kinh ngạc" trong lớp băng vĩnh cửu ở Siberia
Theo các nhà nghiên cứu, mẫu ADN cổ nhất thế giới này thậm chí còn có niên đại vượt xa thời điểm người cổ đại xuất hiện.
Mẫu ADN cổ nhất thế giới được lấy từ ngà voi ma mút thảo nguyên, bị chôn vùi 1,2 triệu năm trong lớp băng vĩnh cửu ở Siberia, Nga. Ảnh minh họa: Reuters
Trong một nghiên cứu mới, các nhà khoa học đã công bố mẫu ADN lâu đời nhất thế giới. Theo SCMP, mẫu ADN, với niên đại khoảng 1,2 triệu năm, được tách chiết từ 2 mẫu vật voi ma mút thảo nguyên - tiền thân của voi ma mút lông xoăn. Trước phát hiện này, mẫu ADN được xem là cổ nhất thế giới thuộc về một con ngựa sống ở vùng lãnh thổ Yukon của Canada, cách đây khoảng 700.000 năm.
"Mẫu ADN này rất cổ và có giá trị. Chúng cổ gấp 1.000 lần so với mẫu vật của các chiến binh Viking Bắc Âu và thậm chí có trước sự tồn tại của người cổ đại", Love Dalén, giáo sư di truyền học tiến hóa tại Trung tâm Di truyền học ở Stockholm, Thụy Điển kiêm người dẫn đầu nghiên cứu mẫu ADN cổ nhất thế giới, nhận định.
Theo SCMP, mẫu ADN được lấy từ răng hàm của các mẫu vật voi ma mút. Những chiếc răng này bị chôn vùi hơn 1 triệu năm trong lớp băng vĩnh cửu ở vùng Siberia, Nga.
Các nhà khoa học cho biết, việc tách chiết ADN từ các mẫu vật voi ma mút "gặp nhiều thách thức" vì chỉ còn một lượng nhỏ ADN còn sót lại trong các mẫu vật và chúng lại bị phân tán thành các mảnh rất nhỏ.
Các mẫu vật voi ma mút thảo nguyên được phát hiện lần đầu tiên vào những năm 1970 và được lưu trữ tại Viện hàn lâm khoa học Nga ở Moscow kể từ đó.
Các nhà khoa học cho biết, mẫu ADN cổ nhất thế giới giúp phân loại lịch sử di truyền của voi ma mút và cách chúng di cư cũng như phát triển trên khắp thế giới. Ngoài ra, nghiên cứu còn cung cấp những phát hiện mới về thời điểm và tốc độ thích nghi của voi ma mút với khí hậu lạnh giá.
Các nhà nghiên cứu còn cho biết, kết quả nghiên cứu mới cũng "mở ra cánh cửa" cho các nghiên cứu trong tương lai về loài khác. Khoảng 1 triệu năm trước, nhiều loài động vật đã xuất hiện trên khắp hành tinh, theo nghiên cứu.
Đây cũng là khoảng thời gian có những thay đổi lớn về khí hậu và mực nước biển, cũng như là lần cuối cùng các cực từ của Trái đất thay đổi vị trí.
Vì vậy, các nhà nghiên cứu cho rằng việc phân tích mẫu ADN ở khoảng thời gian này có tiềm năng lớn giúp giải đáp nhiều câu hỏi khoa học về thời kỳ này.
"Một trong những câu hỏi lớn lúc này là chúng ta có thể 'quay ngược thời gian' được bao xa với mẫu ADN này?", Anders Götherström, giáo sư khảo cổ học kiêm trưởng nhóm nghiên cứu chung tại Trung tâm Cổ sinh vật ở Thụy Điển, nói.
"Chúng ta vẫn chưa đạt tới giới hạn thời gian của mẫu ADN này. Một phỏng đoán có cơ sở rằng chúng ta sẽ khôi phục được ADN niên đại từ 2 đến 2,6 triệu năm. Trước đó, không phát hiện lớp băng vĩnh cửu nào có mẫu ADN cổ đại được lưu giữ", giáo sư Götherström cho hay.
Nghiên cứu về mẫu ADN cổ nhất thế giới được công bố trên tạp chí Nature của Anh.
Nguồn: [Link nguồn]
Nguyên nhân gây ra cái chết của Tutankhamun, vị hoàng đế Ai Cập trẻ nhất, là một trong những bí ẩn lớn nhất thế giới....