Phát hiện “kho báu” ngoài khơi Ai Cập

Viện Khảo cổ học dưới nước Châu Âu (IEASM) tuyên bố tìm thấy những "kho báu và bí mật" mới tại một ngôi đền bị chìm dưới biển Địa Trung Hải ngoài khơi Ai Cập.

Theo đài CNN, thông báo ngày 19-9 cho biết một nhóm nhà khảo cổ dưới nước, dẫn đầu bởi nhà khảo cổ hải dương người Pháp Franck Goddio, đã phát hiện nhiều điều mới mẻ tại ngôi đền thờ thần Amun ở thành phố cảng cổ xưa Thonis-Heracleion, nằm ở vịnh Aboukir - Ai Cập.

Nhóm khảo cổ đã điều tra con kênh phía Nam của thành phố, nơi có một số khối đá khổng lồ của ngôi đền sập xuống "trong trận đại hồng thủy diễn ra vào giữa thế kỷ II trước Công nguyên (TCN)". Đền thờ thần Amun là nơi các Pharaoh đến để "tiếp nhận quyền lực của những vị vua thế giới từ các vị thần tối cao của Ai Cập cổ đại" - theo bản thông báo.

Một số đồ vật, trang sức bằng vàng và cột Djed bằng ngọc lưu ly, biểu tượng của sự ổn định, được tìm thấy. Ảnh: Hilti Foundation

Một số đồ vật, trang sức bằng vàng và cột Djed bằng ngọc lưu ly, biểu tượng của sự ổn định, được tìm thấy. Ảnh: Hilti Foundation

Những cổ vật quý giá tại ngôi đền đã được khai quật, gồm dụng cụ làm lễ bằng bạc, trang sức bằng vàng và các lọ đựng nước hoa hoặc thuốc bôi đã vỡ... IEASM viết: "Chúng đã chứng kiến sự giàu có của thánh địa này cũng như lòng sùng đạo của cư dân thành phố cảng trước đây".

Nằm ở phía Đông của ngôi đền, một khu vực thờ thần Aphrodite của người Hy Lạp cũng được phát hiện. Tại đây, đội khảo cổ tìm thấy những cổ vật bằng đồng và gốm.

Điều này chứng tỏ nhóm người Hy Lạp - được phép định cư và buôn bán ở thành phố này vào thời các Pharaoh triều đại Saïte (664 - 525 TCN) - cũng có nơi thờ phụng những vị thần của riêng họ.

Ngoài ra, việc tìm thấy vũ khí Hy Lạp cũng thể hiện sự tồn tại của lính đánh thuê Hy Lạp trong khu vực. Theo IEASM, họ canh giữ đường vào vương quốc ở cửa nhánh Canopic của sông Nile - nhánh sông lớn nhất và phù hợp cho tàu bè qua lại nhất.

Một chiếc bình hình con vịt bằng đồng tinh xảo nằm giữa những đồ vật bằng gốm tại nơi thờ thần Aphrodite của người Hy Lạp ở tàn tích của TP Thonis-Heracleion. Ảnh: Hilti Foundation

Một chiếc bình hình con vịt bằng đồng tinh xảo nằm giữa những đồ vật bằng gốm tại nơi thờ thần Aphrodite của người Hy Lạp ở tàn tích của TP Thonis-Heracleion. Ảnh: Hilti Foundation

Ông Goddio, chỉ đạo đoàn khai quật đồng thời là chủ tịch IEASM, nói: "Thật vô cùng xúc động khi phát hiện những vật thể mỏng manh như vậy có thể tồn tại nguyên vẹn bất chấp sự tàn bạo và nghiêm trọng của trận đại hồng thủy".

Các cuộc khai quật trên do nhóm của ông Goddio và Ủy ban Khảo cổ học dưới nước của Bộ Du lịch và Cổ vật Ai Cập phối hợp thực hiện.

Ngoài những cổ vật trên, nhóm khảo cổ còn phát hiện các cấu trúc ngầm dưới lòng đất "được hỗ trợ bởi các cột và dầm gỗ được bảo quản rất tốt có niên đại từ thế kỷ V TCN".

Tàn tích của thành phố cổ Thonis-Heracleion được IEASM phát hiện vào năm 2000, hiện nằm dưới biển và cách bờ biển Ai Cập khoảng 7 km. Thành phố này trong nhiều thế kỷ là cảng lớn nhất của Ai Cập ở Địa Trung Hải trước khi Alexander Đại đế xây dựng thành phố Alexandria vào năm 331 TCN.

"Nước biển dâng và động đất, kèm theo sau đó là thủy triều, đã gây ra nhiều vụ đất hóa lỏng, kéo một khu vực rộng khoảng 110 km2 của đồng bằng sông Nile chìm xuống đáy biển, báo gồm Thonis-Heracleion" - thông báo viết.

Công cuộc khai quật cổ vật dưới nước ở TP Thonis-Heracleion yêu cầu sự cẩn trọng. Ảnh: Hilti Foundation

Công cuộc khai quật cổ vật dưới nước ở TP Thonis-Heracleion yêu cầu sự cẩn trọng. Ảnh: Hilti Foundation

Mỹ: Ra cánh đồng ngô, nông dân phát hiện kho báu vàng

Trong lúc đào xới trên cánh đồng ngô, người đàn ông ở bang Kentucky (Mỹ) vô tình phát hiện kho báu trị giá hàng triệu USD.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyên Nguyễn ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN