Phát hiện kho báu 45.000 năm từ người đầu tiên khai phá Trung Quốc

Sự kiện: Tin tức Trung Quốc

Đó là một kho báu có giá trị vô song về nhiều mặt, đem lại hiểu biết chưa từng có về thời kỳ quan trọng của người Homo sapiens.

Một nhóm nghiên cứu lớn từ Trung Quốc, Úc, Pháp, Tây Ban Nha và Đức đã cùng nhau phân tích một trong những kho báu quan trọng nhất của nhân loại, được đưa ra ánh sáng nhờ nhiều cuộc khai quật ở tỉnh Sơn Tây - Trung Quốc suốt 6 thập kỷ qua.

Một số hiện vật trong kho báu khảo cổ vô song được khai quật ở tỉnh Sơn Tây - Trung Quốc - Ảnh: IVPP

Một số hiện vật trong kho báu khảo cổ vô song được khai quật ở tỉnh Sơn Tây - Trung Quốc - Ảnh: IVPP

Trích dẫn nghiên cứu, chuyên san khoa học PHYS cho biết phát hiện này đã mở ra một kho tàng chưa từng thấy về những đổi mới về văn hóa và công nghệ của con người thời đại đồ đá cũ.

Với niên đại lên tới 45.000 năm, đó cũng là những bằng chứng lâu đời nhất về sự hiện diện của loài người tinh khôn Homo sapiens chúng ta trên toàn khu vực Đông Á.

Phát hiện bắt đầu với 3 mẫu vật bằng xương động vật được khai quật đầu tiên vào năm 1963 tại di chỉ Shiyu ở tỉnh Sơn Tây miền Đông Bắc Trung Quốc.

Các phân tích sau đó đã chứng minh đó là công cụ của con người, đã được chế tác có chủ ý từ 45.800 đến 43.200 năm trước.

Các cuộc khai quật tiếp theo đã lần lượt đưa về thế giới hiện đại một loạt hiện vật đáng kinh ngạc.

Chúng thể hiện nhiều công nghệ chế tác lưỡi dao khác nhau, việc vận chuyển obsidian (hắc diện thạch) ở khoảng cách xa, các đĩa than chì được đục lỗ, công nghệ vũ khí..., theo PGS Yang Shixia từ Viện Cổ sinh vật có xương sống và cổ nhân loại học (IVPP) thuộc Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc (CAS).

"Bộ hiện vật công cụ bằng đá độc đáo, kết hợp với đĩa than chì và các công cụ bằng xương cho thấy các dân tộc sơ khai đã có một nền văn hóa phong phú" - các tác giả kết luận.

Ngoài ra, việc vận chuyển hắc diện thạch đường dài cũng cho thấy từ thời sơ khai ấy, những con người sống ở Trung Quốc cổ đại đã bắt đầu phát triển hoạt động thu mua tài nguyên đường dài, hệ thống vận tải phức tạp...

Rõ ràng đó là bước nhảy vọt về công nghệ và văn minh nhân loại. Những phát hiện này cũng làm phức tạp thêm đáng kể những hiểu biết lâu đời về sự mở rộng toàn cầu của Homo sapiens.

Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Nature Ecology & Evolution.

Nguồn: [Link nguồn]

Kho báu khảo cổ 9.000 năm tuổi được mô tả là phát hiện "có thể viết lại lịch sử định cư của con người ở Brazil".

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thu Anh ([Tên nguồn])
Tin tức Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN