Phát hiện hàng trăm loài vật mới ở Đông Nam Á, nhiều cái tên độc lạ đến từ Việt Nam
Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) vừa công bố danh sách 234 loài sinh vật mới, được phát hiện ở Đông Nam Á kể từ năm 2023.
Phát hiện tình cờ của chuyên gia Việt Nam
Đối với nhà nghiên cứu người Việt Nam Luan Thanh Nguyen, một khám phá đến một cách tình cờ trong chuyến khảo sát thực địa ở vùng núi hiểm trở phía Bắc Việt Nam.
Vì đèn pha của ông bị hỏng, người H'Mông địa phương hỗ trợ chuyến thám hiểm của ông đã đưa nó vào thị trấn để sửa.
Khi quay lại, họ đưa cho ông một con rắn rất đẹp mà họ tình cờ bắt gặp trên đường mòn.
"Ngày từ đầu, tôi biết đây là một con rắn đặc biệt" - ông Nguyen kể lại với đài ABC News, cho biết thêm vảy rắn không hề nhẵn nhụi.
Loài rắn này được đặt tên là rắn cạp nong H'Mông (Rhabdophis hmongorum) để tưởng nhớ những người hỗ trợ chuyến thám hiểm và cộng đồng người H'Mông bản địa gần đỉnh Fansipan.
Một loài rắn đáng chú ý khác được tìm thấy trên đá vôi là rắn lục lông mi đá vôi.
Rắn cạp nong H'Mông (Rhabdophis hmongorum) được phát hiện ở Việt Nam. Ảnh: Luan Thanh Nguyen
Loài rắn mới này được tìm thấy ở miền Nam Thái Lan và được đặt tên là rắn lục lông mi đá vôi. Ảnh: WWF
Tuy nhiên, không phải mọi loài vật trong danh sách trên đều được phát hiện trong thiên nhiên.
Một loài cá vàng, được gọi là "cá chạch hồng", lần đầu tiên thu hút sự chú ý của giới chuyên gia trong lĩnh vực buôn bán cá cảnh.
Có nguồn gốc từ những con suối trong vắt ở thị trấn Hopong, bang Shan - Myanmar, loài cá này là thành viên nhỏ nhất của họ cá chạch đá.
Cá chạch hồng lần đầu tiên xuất hiện trong bể cá. Ảnh: WWF
Ông Chris Hallam, người đứng đầu chương trình bảo tồn động vật hoang dã khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của WWF, cho biết: "Mặc dù các loài này chỉ mới được giới khoa học phát hiện gần đây, chúng đã phát triển mạnh mẽ trong môi trường sống độc đáo của khu vực trong hàng thiên niên kỷ".
Vừa được phát hiện đã gặp nguy hiểm
Cảnh báo về sự mong manh của đa dạng sinh học, ông trích dẫn ví dụ về một loài lan không lá mới được các nhà khoa học mô tả nhưng đã được bán ở các chợ địa phương — một loài có khả năng đã bị đe dọa bởi tình trạng khai thác quá mức.
Cho đến nay, loài lan không lá này chỉ được tìm thấy ở một địa điểm duy nhất gần làng Lũng Mười ở phía Bắc Việt Nam, ông Hallam nói.
Loài lan không lá mới Chiloschista quangdangii chỉ mới được các nhà khoa học mô tả vào năm 2023 nhưng có thể đã phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. Ảnh: WWF
Không phải tất cả các loài mới được xác định trong báo cáo đều được tìm thấy còn sống ngoài thực địa.
Nhà khoa học Arlo Hinckley đã phát hiện ra trình tự gien của một loài nhím lông mềm, được gọi là Hylomys macarong.
Loài này có nguồn gốc từ Việt Nam nhưng chỉ được mô tả chính thức khi ông Hinckley kiểm tra mẫu vật được bảo quản tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia Smithsonian ở thủ đô Washington - Mỹ.
Nhím "ma cà rồng gymnure" có lông mềm và hàm răng sắc nhọn. Ảnh: WWF
Được đặt biệt danh là "ma cà rồng gymnure" vì có răng nanh sắc nhọn, mẫu vật này nằm trong các bộ sưu tập từ những năm 1960 trước khi được chuyên gia Hinckley xác định là loài riêng biệt.
"Những phát hiện này nâng cao giá trị của khu vực và nhấn mạnh tính cấp thiết của công tác bảo tồn" - ông Hallam khẳng định.
Trong số những phát hiện mới, một số loài có khả năng ngụy trang khéo đến mức gần như không bị phát hiện.
Thêm nhiều sinh vật "lạ" ở Việt Nam
Tại Lào, các nhà nghiên cứu đã xác định được một loài thằn lằn rồng mới, Laodracon carsticola, có hình dáng vảy tương tự đỉnh núi đá vôi mà chúng sinh sống.
Thằn lằn rồng Laodracon carsticola rất khó phát hiện trên đá vôi. Ảnh: WWF
Trên đỉnh Fansipan của Việt Nam, các nhà khoa học đã ghi nhận một loài chuột chù nhỏ chỉ nặng 8 gram.
Loài động vật có vú nhỏ bé này nằm trong số 10 loài động vật có vú trên cạn nhẹ nhất thế giới.
Chúng có thể đã phát triển những đặc điểm độc đáo của mình vì sự cô lập về mặt địa lý của ngọn núi.
Trên đỉnh Fansipan của Việt Nam, các nhà khoa học phát hiện một loài chuột chù nhỏ chỉ nặng 8 gram. Ảnh: WWF
Một nhóm nghiên cứu cũng có một phát hiện đáng kinh ngạc tại Khu bảo tồn núi Ngọc Linh: một loài kỳ nhông màu cam sáng với 14 đốm mụn cóc đặc biệt.
Phát hiện này khiến các nhà nghiên cứu ngạc nhiên bởi đây là độ cao lớn nhất mà một con kỳ nhông cá sấu từng được ghi nhận.
Kỳ nhông cá sấu, được phát hiện tại Khu bảo tồn núi Ngọc Linh, có màu cam sáng với 14 đốm mụn cóc đặc biệt. Ảnh: WWF
"Những loài này mang lại vẻ đẹp vô giá của hệ sinh thái. Chúng ta phải bảo tồn chúng vì lợi ích của mọi người" - cô Mya Bhone Maw, người phát hiện ra loài thực vật quý hiếm Begonia kayinensis ở Myanmar, cho biết.
Ông Nguyen đồng tình với quan điểm trên và nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác địa phương.
Mya Bhone Maw hy vọng khám phá của cô sẽ truyền cảm hứng cho nhiều nghiên cứu hơn ở Myanmar. Ảnh: ABC News
Ở miền Bắc Việt Nam, ông đang hợp tác chặt chẽ với cộng đồng người H'Mông để nâng cao nhận thức về bảo tồn môi trường.
"Tôi sẽ không thể có được những khám phá này nếu không có sự giúp đỡ của họ" - ông nói.
Trong bối cảnh sự phát triển cơ sở hạ tầng ngày càng đe dọa kho báu thiên nhiên của Đông Nam Á, ông Nguyen hy vọng việc kết hợp nghiên cứu khoa học với giáo dục cộng đồng có thể bảo vệ được những loài mới được phát hiện.
Ông Luan Thanh Nguyen đào tạo các nhóm cộng đồng địa phương về cách chăm sóc môi trường sống của các loài có nguy cơ tuyệt chủng ở Việt Nam. Ảnh: ABC News
Hai loài sinh vật lạ lùng, chưa từng được biết đến, đã bị "phong ấn" trong trầm tích ở hạt Herefordshire - Anh trong trạng thái 3D hoàn hảo.
Nguồn: [Link nguồn]
-25/01/2025 11:28 AM (GMT+7)