Phát hiện hài cốt trẻ sơ sinh đội loại “mũ bảo hiểm” kì dị chưa từng thấy
Các nhà khoa học đau đầu vì đây là trường hợp duy nhất trên thế giới “mũ bảo hiểm” được làm từ chất liệu kỳ lạ như vậy.
Hài cốt trẻ sơ sinh có phần hộp sọ được bọc bên ngoài bằng hộp sọ của trẻ em khác.
Theo Live Science, các nhà khảo cổ tìm thấy hai bộ hài cốt trẻ sơ sinh tại nơi chôn cất ở Salango, thuộc vùng ven biển Ecuador cùng với 9 phần mộ khác. Phát hiện nằm trong quá trình khai quật kéo dài từ năm 2014-2016 nhưng chỉ mới được công bố chi tiết trên tạp chí Cổ vật Mỹ Latin.
Các nhà khảo cổ nói đây là trường hợp duy nhất hộp sọ trẻ em được dùng làm “mũ bảo hiểm” cho trẻ sơ sinh. Các nhà khoa học hiện chưa rõ nguyên nhân cái chết của hai trẻ sơ sinh và các trẻ em khác.
Nhóm khảo cổ nói “mũ bảo hiểm” được đội chặt quanh đầu các trẻ sơ sinh. Có khả năng hộp sọ của những đứa trẻ lớn hơn vẫn còn phần thịt khi được đội lên đầu, bởi nếu không thì các hộp sọ khó có thể giữ chặt được như vậy, các nhà khảo cổ cho biết.
“Khuôn mặt của một đứa trẻ sơ sinh được nhìn thấy qua khoảng trống của hộp sọ, vốn là nơi chứa não bộ”, các nhà khảo cổ nói.
Sara Juengst, giáo sư nhân chủng học tại Đại học North Carolina, Mỹ, nói các nghiên cứu xét nghiệm ADN hay strontium có thể giúp xác định danh tính các trẻ em.
Các nhà khảo cổ hiện chưa rõ tại sao cần phải đội hộp sọ của trẻ em khác vào đầu hai bé sơ sinh. “Đó có thể là một cách người xưa muốn bảo vệ trẻ sơ sinh”, các nhà khảo cổ nói.
Theo nghiên cứu, vùng đất này từng chứng kiến một vụ phun trào núi lửa lớn, không lâu trước khi các em bé được đem chôn cất. Các vụ phun trào như vậy có thể đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất thực phẩm, có nghĩa là trẻ sơ sinh có thể đã chết vì suy dinh dưỡng, theo nhóm nghiên cứu.
Nguồn: [Link nguồn]
Một hài cốt quý hiếm gây liên tưởng đến “chiến binh vàng” mới được tìm thấy ở Kazakhstan, theo các nhà khảo cổ...