Phát hiện điểm khác biệt ở những bệnh nhân nhiễm biến thể Omicron
Điểm khác biệt dễ nhận thấy nhất ở các bệnh nhân nhiễm Omicron, theo một số nghiên cứu, là họ ít có khả năng bị mất khứu giác và vị giác hơn so với những bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 nguyên bản.
Một phụ nữ được lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 ở New York (Mỹ). Ảnh: Reuters
Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Mỹ khẳng định đến thời điểm hiện tại, xét nghiệm RT-PCR và test nhanh kháng nguyên vẫn có thể phát hiện sự tồn tại của SARS-CoV-2, dù virus này đã trải qua nhiều lần đột biến.
Tuy nhiên, các loại xét nghiệm này không thể giúp người bệnh biết cụ thể họ đang nhiễm biến thể nào. Do đó, nhiều người đang cố gắng phân biệt biến thể mới với các phiên bản trước đó, bao gồm cả Delta, bằng cách theo dõi triệu chứng.
Một số khác biệt về triệu chứng ở những người nhiễm Omicron đã được liệt kê, nhưng theo các chuyên gia, sự khác biệt này không có nhiều ý nghĩa.
Tuần trước, dữ liệu từ công ty bảo hiểm y tế tư nhân lớn nhất Nam Phi cho thấy những người nhiễm biến thể Omicron ở nước này thường có triệu chứng ngứa, đau họng kèm theo nghẹt mũi, ho khan, đau cơ (đặc biệt là đau vùng thắt lưng).
Nhưng theo Tiến sĩ Ashley Z. Ritter từ Đại học Pennsylvania (Mỹ), những triệu chứng nói trên cũng thường gặp ở các bệnh nhân nhiễm Delta và các biến thể virus khác. Vì Omicron mới lây lan khoảng hơn 3 tuần, nên theo Ritter, “vẫn còn quá sớm để chỉ ra sự khác biệt đáng kể về triệu chứng giữa biến thể Omicron và các phiên bản trước đó." Ritter nhận định các triệu chứng của Omicron sẽ khá giống với Delta.
Đồng quan điểm, Tiến sĩ Otto Yang (Đại học California, Mỹ) cho biết nếu có sự khác biệt về triệu chứng giữa các biến thể, thì hầu hết chúng sẽ rất nhẹ và khó nhận biết.
Điểm khác biệt dễ nhận thấy nhất ở các bệnh nhân nhiễm Omicron, theo một số nghiên cứu, là họ ít có khả năng bị mất khứu giác và vị giác hơn so với các bệnh nhân nhiễm biến thể khác.
Khoảng 48% bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 nguyên bản bị mất khứu giác, và 41% mất vị giác. Nhưng dữ liệu từ đợt bùng phát Omicron trong nhóm những người đã tiêm chủng ở Hà Lan cho thấy chỉ 23% bệnh nhân bị mất vị giác và 12% mất khứu giác.
Dù vậy, vẫn chưa rõ nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt này là do biến thể Omicron hay một số yếu tố khác, chẳng hạn như tình trạng tiêm chủng.
Trên thực tế, triệu chứng COVID-19 thường không giống nhau ở những người có tình trạng tiêm chủng khác nhau. Tiến sĩ Maya Clark-Cutaia (thuộc trường điều dưỡng Meyers, Đại học New York, Mỹ) cho biết những bệnh nhân đã tiêm chủng nhiễm Delta hoặc chủng virus nguyên bản có xu hướng bị đau đầu, nghẹt mũi, đau xoang. Trong khi những bệnh nhân không tiêm chủng thường bị khó thở, ho cùng với các triệu chứng giống như cúm.
Một điểm khác biệt đáng chú ý giữa Omicron và các biến thể khác là Omicron dường như có thời gian ủ bệnh ngắn hơn, có thể do các đột biến của Omicron giúp virus xâm nhập tế bào dễ hơn, Tiến sĩ Waleed Javaid (New York, Mỹ) nhận định. Sau khi phơi nhiễm, một người nhiễm Omicron chỉ cần 3 ngày để phát triển triệu chứng và nhận kết quả dương tính. Trong khi đó, quá trình này sẽ kéo dài từ 4 đến 6 ngày ở những người nhiễm biến thể Delta.
Dữ liệu từ Nam Phi cho thấy nguy cơ nhập viện ở những người nhiễm Omicron thấp hơn so với chủng virus trước đó. Nhưng điều này không thể chứng minh Omicron là phiên bản virus giảm độc tính, vì độ tuổi của các bệnh nhân nhiễm Omicron ở Nam Phi chủ yếu còn khá trẻ.
Dữ liệu cũng cho thấy nguy cơ phải nhập viện ở trẻ em nhiễm Omicron cao hơn so với các biến thể trước đó.
“Vẫn có những người nhiễm Omicron bị tiến triển nặng. Đôi khi các triệu chứng nhẹ ban đầu có thể trở thành các triệu chứng nghiêm trọng sau đó. Vì vậy, quan trọng là những người có triệu chứng giống cảm lạnh hoặc cúm phải được xét nghiệm sàng lọc”, Tiến sĩ Javaid nói. “Dù là biến thể khác nhưng nó vẫn là virus corona và chúng ta vẫn đang ở trong một đại dịch.”
Các dữ liệu mới ở Nam Phi cho thấy thông tin tích cực liên quan đến biến thể Omicron đang lây lan mạnh ở nhiều quốc gia...
Nguồn: [Link nguồn]