Phát hiện 3 hành tinh giống Trái đất như lột

Sự kiện: Khám phá vũ trụ

3 hành tinh mới được phát hiện có kích thước và nhiệt độ rất giống Trái Đất sẽ góp phần mang lại lời giải cho câu hỏi quan trọng của loài người: Liệu có tồn tại sự sống ngoài trái đất hay không?

Phát hiện 3 hành tinh giống Trái đất như lột - 1

Ảnh đồ họa sao lùn và 3 hành tinh xoay quanh.

Ban đầu, TRAPPIST-1 trông giống như một ngôi sao lùn bình thường khác trong quỹ đạo và có kích thước lớn hơn một chút so với Sao Mộc. Tuy nhiên, ngôi sao này có một ý nghĩa rất quan trọng với con người khi xoay quanh nó là 3 hành tinh có nhiệt độ và kích thước tương tự Trái Đất. Điều này mở ra cơ hội tìm kiếm sự sống trên 3 hành tinh này.

“Đây thực sự là một bước tiến trong việc tìm kiếm sự sống trong Thiên hà rộng lớn này”, Emmanuel Jehin từ trường đại học Liege, Bỉ, đồng tác giả công trình nghiên cứu, nói. “Gần đây, sự xuất hiện của thế giới đỏ xoay quanh những ngôi sao lùn chỉ được cho là tồn tại trên lý thuyết. Tuy nhiên giờ đây chúng tôi không chỉ tìm thấy một hành tinh lẻ loi mà là 3 hành tinh xoay quanh sao lùn”.

3 hành tinh này nằm cách Trái Đất 40 năm ánh sáng được phát hiện nhờ kính thiên văn TRAPPIST đặt ở Đài quan sát La Silla tại Chile. Trong vài tháng quan sát, các nhà khoa học đã tìm ra luồng sáng le lói xuất hiện từ ngôi sao lùn và họ nghi ngờ một “thứ gì đó” xuất hiện giữa nó và Trái Đất. Sau nhiều lần quan sát tỉ mẩn hơn, các nhà khoa học khẳng định đây là các hành tinh quanh quay ngôi sao lùn.

Phát hiện 3 hành tinh giống Trái đất như lột - 2

3 hành tinh mới phát hiện cách Trái Đất 40 năm ánh sáng.

Cả ba hành tinh đều có kích cỡ bằng Trái Đất. Hai hành tinh trong cùng có quỹ đạo một vòng là 1,5 và 2,4 ngày. Hành tinh thứ ba quỹ đạo bay lớn hơn, từ 4,5 đến 73 ngày.

“Với quỹ đạo ngắn như vậy, các hành tinh này có thể gần ngôi sao lùn hơn từ 20 đến 100 lần so với khoảng cách từ Trái Đất đến Mặt trời. Cấu trúc của các hành tinh cũng tương tự như hệ thống vệ tinh của Sao Mộc”, tác giả công trình nghiên cứu Michael Gillon nói.

Tuy nhiên, vì ngôi sao lùn lạnh hơn so với Mặt trời nên bề mặt của những hành tinh kia sẽ phải rất may mắn mới có thể xuất hiện nước – khởi nguồn cho mọi sự sống.

“Những hành tinh này gần Trái Đất và ngôi sao lùn cũng nhỏ nên việc nghiên cứu khí quyển và cấu trúc địa tầng của chúng sẽ dễ dàng hơn cho con người. Trong thời gian tới chúng tôi hoàn toàn có thể nghiên cứu được liệu hành tinh này có thể tồn tại sự sống hay không”, đồng tác giả Julien de Wit từ viện công nghệ Massachusetts Mỹ, nói. “Tất cả những điều này đều nằm trong tầm tay. Kết quả sẽ có trong tương lai gần”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Minh - IBT ([Tên nguồn])
Khám phá vũ trụ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN