Phát biểu "gắt" của 2 bộ trưởng Ấn Độ về Trung Quốc
Sau vụ 20 quân nhân thiệt mạng trong đụng độ đêm 15.6, dư luận Ấn Độ đang sôi sục đòi hỏi chính phủ có các biện pháp trừng phạt Trung Quốc. Hai bộ trưởng ở Ấn Độ đã “thêm dầu vào lửa” khi chỉ trích mạnh mẽ Bắc Kinh đồng thời kêu gọi người dân tẩy chay hàng hóa Trung Quốc.
Dân Ấn Độ biểu tình đòi tẩy chay Trung Quốc (ảnh: Asia Times)
“Cách hành xử của Trung Quốc vô cùng thiếu tôn trọng Ấn Độ. Chúng ta hãy tẩy chay toàn bộ hàng hóa Trung Quốc. Các nhà hàng, khách sạn Trung Quốc nên bị đóng cửa ở Ấn Độ”, Ramdas Athawale - Bộ trưởng Công lý xã hội Ấn Độ - kêu gọi người dân.
Ông Ramdas Athawale nổi tiếng là chính trị gia Ấn Độ có tư tưởng không thân Trung Quốc. Trước đó, ông Ramdas Athawale từng nhiều lần chỉ trích Trung Quốc về cách xử lý dịch Covid-19.
Vụ việc 20 quân nhân thiệt mạng khi đụng độ với binh sĩ Trung Quốc đã gây một làn sóng phản ứng dữ dội ở Ấn Độ. Nhiều người dân Ấn Độ đã biểu tình chống Trung Quốc, bất chấp nguy cơ lây lan virus. Sự phẫn nộ trong xã hội đặc biệt tăng cao sau khi thi hài những binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng được đưa về quê nhà.
Việc truyền thông Ấn Độ đưa tin binh sĩ Trung Quốc dường như “lên kế hoạch và có chuẩn bị trước” cho vụ đụng độ càng khiến người dân nước này bất bình.
Trong cuộc điện đàm cấp cao hôm 17.6, Ngoại trưởng Ấn Độ cũng chất vấn ông Vương Nghị - Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc về vấn đề này. Tuy nhiên, Trung Quốc phủ nhận.
“Chúng ta không nên xem nhẹ vấn đề Trung Quốc. Chúng ta có thể không biết tiền của Trung Quốc đang được đầu tư ở những công ty nào. Tuy nhiên, khi mua hàng ở chợ, chắc chắn chúng ta nên tránh các sản phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc”, Bộ trưởng Bộ Thực phẩm và Tiêu dùng Ấn Độ Ram Vilas Paswan kêu gọi.
Trước đó, Tập đoàn Hành lang vận tải chuyên dụng Ấn Độ (DFCCIL) trực thuộc Bộ Đường sắt Ấn Độ cho biết họ quyết định chấm dứt hợp đồng với Công ty Tín hiệu & Viễn thông Bắc Kinh.
“Việc hủy hợp đồng trị giá 62,8 triệu USD giữa Tập đoàn vận tải hàng hóa chuyên dụng Ấn Độ (DFCCIL) với một công ty Trung Quốc là loạt đạn đầu tiên nhằm dạy bài học cho bất cứ ai làm tổn hại quân nhân quân đội Ấn Độ”, Bộ trưởng Y tế Ấn Độ Harsh Vardhan đăng trên Twitter.
Binh sĩ Ấn Độ ở khu vực biên giới (ảnh: NY Times)
Bộ Viễn thông Ấn Độ tiết lộ cơ quan này đang khuyến cáo các công ty nhà nước Ấn Độ không sử dụng thiết bị Trung Quốc khi phát triển mạng 4G. Reuters dẫn nguồn tin từ chính phủ Ấn Độ cho biết, sẽ không có công ty Trung Quốc nào được tham gia đấu thầu hợp đồng phát triển mạng 4G ở nước này.
Trên các trang mạng xã hội Ấn Độ, nhiều người dân cũng bày tỏ phẫn nộ và kêu gọi tẩy chay hàng hóa Trung Quốc, kèm theo đó là những bình luận, hình ảnh mang tính xúc phạm.
Một “chiến dịch tẩy chay Trung Quốc” cũng đang thu hút nhiều sự quan tâm và hưởng ứng của người dân Ấn Độ.
Theo các chuyên gia, sự phẫn nộ của người Ấn Độ trong cuộc chiến tranh Trung - Ấn năm 1962 đang được dịp bộc phát trở lại.
Theo thông tin mới nhất, các vòng đàm phán được tổ chức trong 3 ngày sau vụ đụng độ giữa tướng lĩnh Ấn Độ - Trung Quốc nhằm giảm căng thẳng đã không đi đến kết quả.
Tối ngày 18.6 theo giờ địa phương, 10 binh sĩ Ấn Độ bị bắt giữ trong vụ đụng độ được quân đội Trung Quốc trả tự do.
Tờ India Today dẫn nguồn quân đội Ấn Độ cho biết, mặc dù vòng đàm phán ngày 18.6 không mang lại kết quả, nhưng động thái thả người của quân đội Trung Quốc có thể đem đến hy vọng tổ chức các cuộc thảo luận tiếp theo.
Hiện chưa rõ vì lý do gì mà các binh sĩ Ấn Độ bị quân đội Trung Quốc bắt giữ.
Tình hình khu vực biên giới Trung - Ấn vẫn hết sức căng thẳng khi các lực lượng được triển khai trở lại ở khu vực thung lũng Galwan và hồ Pangong, theo India Today.
Trước đó, Trung Quốc và Ấn Độ đều rút quân khỏi thung lũng Galwan nhằm tránh có thêm đụng độ không mong muốn.
Vụ đụng độ đêm ngày 15.6 đã khiến ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. Mỹ - đồng minh quan trọng của Ấn Độ tại...
Nguồn: [Link nguồn]