Pháp tuyên bố hết tiền, khó lòng viện trợ đầy đủ cho Ukraine như đã hứa
Đáng chú ý, Pháp không phải là quốc gia duy nhất đối mặt với tình trạng thắt chặt ngân sách và phải cắt giảm viện trợ cho Ukraine.
Pháp đã hết tiền và không thể thực hiện được lời hứa gửi tới 3 tỷ Euro viện trợ quân sự cho Ukraine trong năm nay, và sẽ chỉ đạt mục tiêu "trên 2 tỷ Euro", Bộ trưởng Lực lượng vũ trang Pháp Sébastien Lecornu cho biết hồi đầu tuần.
"Về mặt chính trị, chúng ta đã quyết định vào đầu năm 2024 rằng khoản viện trợ này có thể đạt 3 tỷ Euro. Trên thực tế, nó sẽ ở mức trên 2 tỷ Euro chứ không phải 3 tỷ Euro", ông Lecornu nói với các nhà lập pháp Pháp hôm 14/10.
Trước đó, đầu năm nay, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố sẽ gửi tối đa 3 tỷ Euro viện trợ cho Ukraine mỗi năm. Lời hứa được đưa ra sau khi Pháp bị chỉ trích vì làm ít hơn các quốc gia khác trong việc viện trợ cho quốc gia Đông Âu đang trong cuộc xung đột dai dẳng với Nga.
Nhìn chung, Paris đã cung cấp 1,7 tỷ Euro viện trợ quân sự cho Kiev vào năm 2022 và 2,1 tỷ Euro vào năm 2023; điều đó khiến Pháp bị tụt lại phía sau so với các quốc gia như Đức, Vương quốc Anh và Thụy Điển về khía cạnh này, Politico cho biết.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) và Bộ trưởng Lực lượng vũ trang Pháp Sébastien Lecornu. Ảnh: Pomona
Hồi tháng 2, trong một động thái nhằm đảm bảo viện trợ dài hạn cho Ukraine, Paris và Kiev đã ký một thỏa thuận an ninh song phương 10 năm, chính thức cam kết hỗ trợ quân sự lên tới 3 tỷ Euro trong năm nay.
Tuy nhiên, hiện tại, ngân sách của Pháp đang trong tình trạng tồi tệ, với việc mức thâm hụt có thể lên tới 6% GDP vào năm 2024. Do đó, cường quốc Tây Âu đang phải vật lộn để tiết kiệm tiền và giảm thâm hụt vào thời điểm nền kinh tế đang rơi vào suy thoái.
Tương lai viện trợ bất định
Đáng chú ý, Pháp không phải là quốc gia duy nhất phải đối mặt với tình trạng thắt chặt ngân sách. Quốc gia láng giềng Đức cũng đã "hết tiền" từ hồi tháng 8 do cuộc khủng hoảng ngân sách của chính họ. Berlin đã cắt giảm một nửa khoản phân bổ cho Ukraine trong năm nay xuống còn 4 tỷ Euro và cho biết con số sẽ giảm xuống còn 500 triệu Euro trong 2 năm tiếp theo.
Đức có những hạn chế rất chặt chẽ đối với việc vay nợ của chính phủ liên bang mà chỉ có thể được nới lỏng trong "thời kỳ khủng hoảng". Tòa Hiến pháp – một trong những tòa án tối cao của nước này – phán quyết rằng cuộc chiến ở Ukraine không phải là thời kỳ khủng hoảng đối với Đức.
Đối với Mỹ – nhà tài trợ vũ khí lớn nhất của Ukraine, khoản viện trợ bổ sung trị giá 61 tỷ USD được thông qua vào phút chót hồi tháng 4 cũng đang đối mặt với tình trạng giải ngân chậm trễ.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson cho biết Mỹ "không có nhu cầu" cung cấp thêm tiền cho Ukraine, và nếu ứng cử viên Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào ngày 5/11, tương lai dòng viện trợ cho Kiev càng trở nên bất định.
Khoản vay 50 tỷ USD của G7 cho Ukraine, được phê duyệt hồi tháng 6 tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 ở Italy, cũng đã bị sa lầy trong tranh cãi. Mỹ đang từ chối phê duyệt phần đóng góp của mình lên tới 20 tỷ USD trừ khi EU tăng thời hạn xem xét khoản vay từ 6 tháng lên 3 năm.
Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, EU đã hứa sẽ đóng góp 35 tỷ Euro vào khoản vay này sớm hơn, nhưng điều đó cũng đã bị cản trở khi Hungary sử dụng quyền phủ quyết của mình. EU hiện đang cố gắng tìm cách giải quyết và Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã gợi ý vào tuần trước rằng ông có thể dỡ bỏ các phản đối của mình.
Tuần trước, khoản vay của EU đã được các bộ trưởng tài chính EU chấp thuận, nhưng vẫn phải vượt qua quá trình phê duyệt của toàn thể quốc hội EU và Hội đồng Bộ trưởng trước khi có thể giải ngân – có thể là trước cuối năm.
Ukraine đã nhận được khoảng 14,6 tỷ USD từ các đồng minh của mình trong suốt mùa hè, nhưng chỉ nhận được 10 triệu USD vào tháng 9, theo Bộ Tài chính Ukraine. Hiện tại, Ukraine đang thâm hụt 3,5 tỷ USD hàng tháng, gần như hoàn toàn được tài trợ bởi các đối tác quốc tế.
Nguồn: [Link nguồn]
Ngày 16-10, Mỹ công bố gói viện trợ quân sự mới trị giá 425 triệu USD cho Ukraine.