Pháp nói về mức giá khí đốt đắt gấp 4 lần được Mỹ bán cho châu Âu
Mỹ đang bán khí đốt cho châu Âu với giá đắt gấp 4 lần giá bán trong nước, Bộ trưởng Tài chính Pháp cho biết.
Mỹ đang thu lời lớn nhờ bán khí hóa lỏng sang châu Âu.
Mỹ không nên được phép thống trị thị trường năng lượng toàn cầu trong khi châu Âu đang phải gánh chịu hệ quả cuộc xung đột ở Ukraine, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire nói, theo RT.
“Cuộc xung đột ở Ukraine không được phép kết thúc bằng sự thống trị kinh tế của Mỹ và một EU suy yếu”, ông Le Maire phát biểu tại Quốc hội Pháp vào ngày 10/10.
Ông Le Maire nói việc Washington “bán khí hóa lỏng (LNG) cho châu Âu với giá gấp 4 lần giá bán cho các nhà sản xuất công nghiệp trong nước là không thể chấp nhận được”. Bộ trưởng Tài chính Pháp cho rằng “nền kinh tế châu Âu suy yếu không phục vụ lợi ích của bất cứ bên nào”.
“Chúng ta cần một mối quan hệ kinh tế cân bằng hơn trong vấn đề năng lượng, giữa các đối tác Mỹ và châu Âu”, ông Le Maire nói.
Trước cuộc xung đột ở Ukraine, Nga là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất cho châu Âu, đáp ứng 45% nhu cầu của châu lục. Do các lệnh trừng phạt của phương Tây liên quan đến chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, lượng khí đốt Nga cung cấp cho châu Âu đã giảm mạnh.
Đối mặt với khủng hoảng năng lượng, các nước châu Âu đã đẩy nhanh việc tích trữ khí đốt từ nhiều nguồn cung cấp khác nhau. Tính đến ngày 10/10, tỉ lệ dự trữ khí đốt trung bình tại các kho chứa ở châu Âu đã đạt 91%, phần lớn là nhờ khí hóa lỏng.
Tuy nhiên, khí hóa lỏng được châu Âu nhập khẩu từ Mỹ và Trung Đông có giá cao hơn nhiều so với khí đốt được Nga cung cấp qua mạng lưới đường ống sẵn có và hợp đồng kí kết dài hạn. Kết quả là giá năng lượng ở châu Âu đang không ngừng tăng cao.
Để đối phó tình hình, EU đang tiến gần hơn tới việc áp giá trần khí đốt của tất cả các nhà cung cấp, không chỉ khí đốt Nga. Na Uy, một trong những nhà cung cấp khí đốt lớn cho châu Âu, đã cảnh báo rằng động thái này có thể làm trầm trọng thêm tình hình và buộc các nhà cung cấp tìm đến các thị trường khác.
Nguồn: [Link nguồn]
Với việc từ chối năng lượng Nga và phụ thuộc vào năng lượng Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) tự tước đi khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, theo Điện Kremlin.