Pháp lý trong nước cờ giết tướng Iran của ông Trump

Quyết định ám sát tướng Qassem Soleimani của Tổng thống Donald Trump đã gây kinh ngạc không chỉ với Iran mà cả với những quan chức kề cận ông. Nhiều ý kiến cho rằng cần xem xét lại tính pháp lý của hành động này.

Lính Mỹ lập hàng phòng thủ xung quanh Đại sứ quán Mỹ ở Iraq trong vụ tấn công ngày 31-12-2019. Ảnh: GETTY

Lính Mỹ lập hàng phòng thủ xung quanh Đại sứ quán Mỹ ở Iraq trong vụ tấn công ngày 31-12-2019. Ảnh: GETTY

Sau khi phỏng vấn hàng loạt quan chức cấp cao Mỹ, đài CNBC hôm 6-1 tiết lộ quyết định không kích Iraq là một động thái gây ngạc nhiên ngay cả đối với những người trong cuộc. Cụ thể, trong lúc đang tận hưởng kỳ nghỉ lễ ở bang Florida hồi tháng 12-2019, Tổng thống Donald Trump đã bất ngờ triệu tập một cuộc họp với các cố vấn an ninh cấp cao nhất.

Lời cảnh báo của ông Trump

Cuộc họp xoay quanh các giải pháp trả đũa một cuộc tấn công bằng tên lửa do một nhóm vũ trang được Iran hậu thuẫn nhằm vào một căn cứ quân sự ở Iraq hôm 27-12-2019. Vụ tấn công khiến một nhà thầu Mỹ thiệt mạng và nhiều người khác bị thương.

Trong những lựa chọn đáp trả đưa ra cho ông Trump lựa chọn, biện pháp mạnh nhất là tiêu diệt Thiếu tướng Qassem Soleimani - người đứng đầu đơn vị đặc nhiệm Quds thuộc lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran, đồng thời là nhân vật bị Mỹ cho là đứng sau cái chết của hàng trăm binh sĩ Mỹ ở Trung Đông những năm qua. Đây là một quyết định mà các tổng thống tiền nhiệm đã tránh đưa ra do có khả năng thổi bùng căng thẳng giữa Washington với Tehran.

Chính vì độ rủi ro quá lớn, trong vài ngày sau đó, ông Trump cùng Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper và Cố vấn An ninh quốc gia Robert O’Brien đã bàn thêm về các lựa chọn khác, bao gồm đánh bom căn cứ của nhóm du kích gây ra vụ tấn công khiến nhà thầu Mỹ thiệt mạng. Dù vậy, ông Trump vẫn tập trung vào phương án tiêu diệt tướng Soleimani.

CNBC cho rằng điều này nhiều khả năng khiến các cố vấn cấp cao của ông ngạc nhiên bởi ông Trump từ trước đến nay vốn không muốn gia tăng sự dính líu quân sự của Mỹ ở nước ngoài. Đến hôm 2-1 (một ngày trước khi vụ không kích diễn ra), giới chức Mỹ tin rằng họ có đủ thông tin tình báo cho thấy ông Soleimani đang âm mưu tổ chức các cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu Mỹ. Ngay lập tức ông Trump chốt phương án tấn công vị tướng này.

Việc quyết định đơn phương không thông qua Quốc hội kiểu ông Trump không phải là chưa từng có tiền lệ khi các đời tổng thống trước như George W. Bush hay Barack Obama cũng từng làm như thế. Tuy nhiên, khi so sánh với vụ tiêu diệt trùm khủng bố Osama Bin Laden năm 2011 hay vụ tiêu diệt chỉ huy của lực lượng Hezbollah vào năm 2008, vụ tấn công tướng Qassem Soleimani mang màu sắc khác vì ông này có vị thế quan trọng, là một quan chức cấp cao của một quốc gia có chủ quyền.

Chính vì vị thế của Soleimani mà chính quyền Iraq lập tức lên án Mỹ sau vụ ám sát để không gây phật lòng với Iran. Baghdad cáo buộc Washington vi phạm thỏa thuận đồn trú quân sự và Quốc hội nước này yêu cầu trục xuất hết lính Mỹ.

Dù vậy, ông Trump được cho là đã nói với nội các rằng ông muốn gửi đi một lời cảnh báo tới Iran rằng nước này không nên xem thường các tài sản của Mỹ bằng cách tổ chức các vụ tấn công vũ lực nhằm vào lính Mỹ. Ông Trump muốn chứng tỏ sức mạnh của Mỹ trên toàn cầu và củng cố lại thông điệp đã gửi đi vào năm ngoái qua cuộc đột kích trùm khủng bố Abu Bakr al-Baghdadi: Nước Mỹ sẽ tìm bằng được kẻ thù ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới.

Mập mờ tính hợp pháp

Cho đến nay chính quyền Washington vẫn chưa đưa ra bằng chứng cụ thể nào về cáo buộc tướng Soleimani đang chuẩn bị các cuộc tấn công “tàn độc và sắp xảy đến” nhắm vào công dân Mỹ. Điều này càng làm gia tăng nghi vấn, đòi hỏi một lý do chính đáng và hợp pháp để một quốc gia có thể tấn công và giết hại một vị tướng quyền lực của quốc gia khác trong bối cảnh hai nước đang không ở trong tình trạng chiến tranh.

Thanh sát viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc Agnes Callamard cho rằng phía Mỹ không hề nêu chi tiết về âm mưu cụ thể nào của ông Soleimani. Bà cho biết theo luật nhân quyền quốc tế, một nước trong trường hợp tự vệ có thể thực hiện cuộc tấn công giết chết người nhưng phải trong điều kiện đó là lựa chọn duy nhất để ngăn ngừa một cuộc tấn công sắp xảy ra.

Pháp lý trong nước cờ giết tướng Iran của ông Trump - 2Mỹ vừa mới chi 2.000 tỉ USD vào thiết bị quân sự. Chúng tôi là cường quốc quân sự và đến nay đang thiện chiến nhất thế giới. Nếu Iran tấn công căn cứ quân sự Mỹ hay người Mỹ, chúng tôi sẽ cho họ nếm một số loại thiết bị vừa đẹp vừa mới… và sẽ không do dự đâu.

Tổng thống DONALD TRUMP 
tuyên bố trên Twitter hôm 5-1

Ngoài ra, bà Callamard cũng lưu ý rằng thông báo của Bộ Quốc phòng Mỹ sau cuộc không kích không hề nhắc đến những người mất mạng ngoài ông Soleimani, gồm tài xế và cận vệ. Theo bà, cái chết của những người này có thể bị coi là “thiệt hại phụ liên quan” nhưng điều đó hoàn toàn trái luật pháp quốc tế.

GS luật Mary Ellen O’Connell thuộc ĐH Notre Dame (Mỹ) nhận xét sự phản đối của chính quyền Iraq đối với cuộc tấn công đồng nghĩa hành động của Mỹ đã vi phạm luật quốc tế. “Chúng ta đã thực hiện cuộc tấn công trên lãnh thổ của một nước rõ ràng không cho phép chúng ta làm điều đó. Cuộc tấn công là trái phép và vụ ám sát này không thể bào chữa được” - đài NBC News dẫn lời bà O’Connell khẳng định.

Trong khi đó, GS Bobby Chesney thuộc ĐH Texas (Mỹ) lập luận Washington và Tehran dù không trong tình trạng chiến tranh nhưng có thể coi là đang có xung đột vũ trang, đồng nghĩa cuộc không kích khiến một chỉ huy quân sự thiệt mạng là hoàn toàn hợp pháp. Mặt khác, dù Iraq chưa cho phép tấn công nhưng Mỹ có thể biện hộ rằng một khi đã được cho phép ở lại nước này thì quân đội Mỹ có quyền tự vệ trước các mối đe dọa.

Điểm lại diễn biến căng thẳng Mỹ-Iran

27-12-2019: Một vụ tấn công bằng tên lửa nhằm vào căn cứ quân sự Iraq ở TP Kirkuk làm một nhà thầu Mỹ thiệt mạng và nhiều người bị thương. Mỹ cáo buộc nhóm Kataib Hezbollah do Iran hậu thuẫn đứng sau vụ việc.

29-12-2019: Mỹ tấn công các khu vực do Kataib Hezbollah khiến ít nhất 25 tay súng thiệt mạng, trong đó có bốn chỉ huy nhóm này và 55 người bị thương. Iran chỉ trích kịch liệt động thái của Mỹ.

31-12-2019: Hàng trăm người ủng hộ Kataib Hezbollah đã bao vây và tấn công Đại sứ quán Mỹ ở Iraq. Ông Trump tuyên bố Iran ngầm hỗ trợ vụ vây hãm và cảnh báo sẽ có hậu quả. Đại sứ quán Mỹ được giải vây vào ngày 1-1-2020.

2-1-2020: Bộ trưởng Mark Esper cảnh báo nhiều khả năng Iran đang lên kế hoạch tấn công nhiều mục tiêu Mỹ ở Trung Đông và khẳng định Mỹ sẽ tấn công phủ đầu để tự vệ.

3-1-2020: Mỹ tiến hành không kích sân bay quốc tế Baghdad của Iraq, giết hại Thiếu tướng Qassem Soleimani.

4-1-2020: Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ tấn công 52 mục tiêu của Iran nếu nước này tấn công người Mỹ ở Trung Đông.

5-1-2020: Quốc hội Iraq ra nghị quyết yêu cầu Mỹ rút toàn bộ lực lượng đang đồn trú về nước. 

Nguồn: [Link nguồn]

Lý do ông Trump đột nhiên chọn đòn tấn công Iran nặng nề nhất

Trước vụ không kích tiêu diệt tướng Iran Qasem Soleimani, các quan chức Lầu Năm Góc đã trình Tổng thống Mỹ Donald Trump một...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo VĨ CƯỜNG ([Tên nguồn])
Căng thẳng Mỹ - Iran Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN