Pháp khó chịu khi Mỹ nhanh chóng tiếp cận phe đảo chính Niger

Cuộc đảo chính ở Niger đang trở thành nguồn cơn gây căng thẳng mới cho liên minh Pháp-Mỹ. Paris thất vọng khi Washington sẵn sàng bắt tay với phe lật đổ tổng thống dân cử Niger.

Mohamed Toumba, một thành viên trong nhóm đảo chính Niger, phát biểu với những người ủng hộ ở thủ đô Niamey ngày 6/8. (Ảnh: AP)

Mohamed Toumba, một thành viên trong nhóm đảo chính Niger, phát biểu với những người ủng hộ ở thủ đô Niamey ngày 6/8. (Ảnh: AP)

Pháp từ chối tiếp xúc ngoại giao với phe đảo chính Niger và ủng hộ mạnh mẽ tổ chức khu vực ECOWAS can thiệp quân sự. Ngược lại, Mỹ đã cử một phái viên đến gặp lãnh đạo chính quyền quân sự và không tuyên bố chính thức việc tiếp quản là một cuộc đảo chính, cho rằng vẫn còn cách đàm phán để khôi phục nền dân chủ.

Các quan chức Pháp cũng ủng hộ một giải pháp hòa bình, nhưng không đồng ý với cách làm của Mỹ, cho rằng làm việc với phe đảo chính nghĩa là ủng hộ họ.

“Có lẽ để tránh đổ máu, Mỹ nhanh chóng muốn trao đổi với những người làm đảo chính. Có lẽ phản ứng tốt hơn nên là đưa ra một số điều kiện hoặc đảm bảo trước khi mở đối thoại như vậy”, một quan chức Pháp nắm được tình hình Niger nói với Politico.

Tình hình cho thấy sự thay đổi cán cân quyền lực trong khu vực và khác biệt về lợi ích của Paris và Washington ở đây. Sử dụng Niger làm căn cứ cho các hoạt động chống khủng bố, Mỹ có thể tin rằng họ có nhiều vị thế tốt hơn Pháp, nhất là vì Paris từng biến nơi đây thành thuộc địa.

Một số cựu quan chức Mỹ cho rằng việc Pháp không hài lòng với cách tiếp cận của Washington một phần do Paris bị kích động khi mất một trong những chỗ đứng chiến lược cuối cùng ở vùng Sahel thuộc Tây Phi, sau khi họ đã phải rút lui khỏi các quốc gia khác trong khu vực.

“Lợi ích của Pháp ở Niger cao hơn nhiều so với Washington… Đó là thất bại về tâm lý và chiến lược đối với Pháp”, Cameron Hudson, cựu quan chức Hội đồng An ninh quốc gia Nhà Trắng chuyên về châu Phi, đánh giá.

Ở Tây Phi, Pháp đã quen với việc các cường quốc thế giới khác đi theo sự dẫn dắt, hoặc ít nhất là sự hướng dẫn của mình. Nhưng điều đó không xảy ra trong trường hợp này.

Quyền Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland trong chuyến thăm chớp nhoáng tới Niger đã gặp gỡ các đại diện phe đảo chính ngày 7/8.

Các quan chức Pháp cho rằng đó là ví dụ về việc hành động quá nhanh.

Dù Pháp và Mỹ vẫn phối hợp chặt chẽ với nhau trong nhiều vấn đề, như cuộc xung đột ở Ukraine, nhưng căng thẳng đã xuất hiện trong quan hệ đồng minh lâu đời nhất, như sự ra đời của AUKUS, quan hệ với Trung Quốc và Đạo luật Giảm lạm phát của Mỹ mà châu Âu lo ngại sẽ hút đầu tư khỏi lục địa này.

Một quan chức Mỹ thừa nhận rằng có đồng minh không hài lòng với chuyến đi của bà Nuland đến Niger, nhưng không cho biết đồng minh nào hay mối quan tâm của họ là gì.

“Cửa sổ cơ hội đang đóng lại. Bạn có nên để cửa sổ đóng hay không, hay nên tạo ra sự linh hoạt nhất định?”, vị quan chức nói.

Trong tuần này, Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận rằng tân Đại sứ Mỹ tại Niger Kathleen FitzGibbon sẽ làm việc từ Niamey, thủ đô của Niger, dù Mỹ đã giảm hiện diện ngoại giao ở quốc gia này lý do an ninh.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Vedant Patel sẽ không nói chính xác khi nào Đại sứ FitzGibbon sẽ đến Niger. Khi được phóng viên hỏi liệu bà FitzGibbon có trình thư uỷ nhiệm lên chính quyền quân sự Niger hay không, ông Patel nói rằng điều này không cần thiết để Đại sứ FitzGibbon thực hiện công việc của mình.

Người phát ngôn của Hội đồng An ninh quốc gia Nhà Trắng không phủ nhận căng thẳng giữa Pháp và Mỹ về Niger, nhưng nhấn mạnh rằng hai đồng minh sẽ tiếp tục đối thoại, cũng như với đại diện các quốc gia châu Phi.

Điện Elysée từ chối bình luận về tin đồn xích mích giữa Mỹ và Pháp, nhưng một quan chức Pháp thừa nhận có sự khác biệt trong cách tiếp cận của đối tác nhằm tìm cách giải quyết khủng hoảng ở Niger.

Một số cựu quan chức Mỹ cho rằng Mỹ nên cân nhắc lợi ích của chính mình trước khi chú ý đến thái độ của Pháp. Vì có khả năng các đối thủ của Mỹ là Trung Quốc, Nga hoặc các nhóm như Wagner có thể lấp vào khoảng trống ở Niger như đã làm tại nhiều nơi khác thuộc châu Phi.

Nguồn: [Link nguồn]

Đảo chính ở Niger: Đòn giáng mạnh vào Mỹ và Pháp

Vài ngày sau khi Tổng thống Niger bị phế truất trong một cuộc đảo chính quân sự vào cuối tháng 7, hàng nghìn người biểu tình ủng hộ đảo chính đã tập trung tại Đại sứ quán...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bình Giang - Politico ([Tên nguồn])
Tin tức Pháp Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN