Pháp hành động "cực rắn" khi Mỹ trao công nghệ hạt nhân cho Anh
Trụ sở NATO từ Paris phải chuyển sang Brussels (Bỉ) là một phần trong loạt hành động của Pháp nhắm vào mối quan hệ Mỹ-Anh về công nghệ vũ khí hạt nhân.
HMS Resolution, tàu ngầm nguyên tử đầu tiên của Anh được trang bị tên lửa đạn đạo hạt nhân của Mỹ.
Ngay khi đạt thỏa thuận với Mỹ và Anh về việc chế tạo tàu ngầm hạt nhân trong khuôn khổ hiệp ước AUKUS mới đây, Úc đã hủy hợp đồng đóng 12 tàu ngầm diesel-điện với Pháp.
Úc không có chương trình hạt nhân và các nhà máy làm giàu uranium, quốc gia này sẽ phải nhờ Mỹ và Anh cung cấp uranium làm giàu ở cấp độ vũ khí làm nhiên liệu cho các tàu ngầm hạt nhân. Đây được coi là sự thay đổi cán cân quân sự đáng kể giữa các quốc gia trên thế giới.
Paris coi đây hành động “đâm sau lưng đồng minh”, do không được thông báo trước về hiệp ước quân sự 3 bên, và mất hợp đồng trị giá khoảng 40 tỉ USD với Úc.
Hôm 17.9, trong cơn giận dữ, Pháp đã rút đại sứ tại Mỹ và Úc về nước.
Đây không phải lần đầu tiên Pháp căng thẳng với đồng minh về vấn đề công nghệ hạt nhân. Vào những năm 1960, mối quan hệ Mỹ-Anh về công nghệ vũ khí hạt nhân là nguyên nhân khiến Pháp rút một phần khỏi liên minh NATO, theo báo Nga Sputnik.
Anh và Mỹ từng hợp tác trong dự án tên lửa đạn đạo hạt nhân Skybolt.
Trong giai đoạn đầu tiên của Chiến tranh Lạnh, phương pháp tấn công hạt nhân phổ biến là ném bom nguyên tử. Công nghệ tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) trang bị đầu đạn hạt nhân và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm khi đó vẫn còn là điều mới mẻ.
Do không có chỗ xây dựng các bệ phóng ICBM, Anh quay sang cùng Mỹ phát triển chương trình Skybolt, là dự án sử dụng tên lửa đạn đạo phóng từ máy bay (ALBM), để giáng đòn răn đe hạt nhân Liên Xô và đồng minh.
Năm 1962, sau khi Mỹ phát triển thành công tàu ngầm phóng tên lửa đạn đạo (SLBM), chương trình Skybolt tốn kém bị hủy bỏ.
Động thái của Mỹ tạo nên một cuộc khủng hoảng ngoại giao với Anh, dẫn đến việc Mỹ đồng ý trao cho Anh công nghệ tên lửa phóng từ tàu ngầm mang tên UGM-27 Polaris.
Theo thỏa thuận, tên lửa hạt nhân Polaris do Mỹ sản xuất được trang bị trên các tàu ngầm năng lượng nguyên tử lớp Resolution của Anh.
Tổng thống Pháp Charles De Gaulle gặp Tổng thống Mỹ John F. Kennedy tại Điện Elysee năm 1961.
London chỉ được sử dụng tên lửa hạt nhân Mỹ trong trường hợp an ninh quốc gia bị đe dọa và tên lửa vẫn do Mỹ vẫn nắm quyền kiểm soát.
Một năm sau, Tổng thống Pháp Charles de Gaulle phủ quyết đơn xin gia nhập EEC (cộng đồng kinh tế châu Âu) của Anh, vì mối quan hệ gần gũi của Anh với Mỹ, đặc biệt trong chương trình vũ khí hạt nhân.
Pháp coi lợi ích kinh tế với Anh là “không tương đồng” và cho rằng, Anh có "sự thù địch sâu sắc" đối với các dự án của châu Âu.
Ông de Gaulle cũng không tin vào cam kết của Anh và Mỹ đối với lợi ích của Pháp. Là một cường quốc hạt nhân, Pháp muốn nâng cao vị thế trong quan hệ với Mỹ, ít nhất ngang bằng Anh.
Khi bị từ chối, ông de Gaulle tuyên bố vào năm 1966 rằng Pháp sẽ rút khỏi bộ chỉ huy quân sự của NATO và ra lệnh cho tất cả các lực lượng nước ngoài rời khỏi đất nước. Kết quả là trụ sở NATO phải chuyển đi và được đặt ở Brussels, Bỉ.
Paris không rút hoàn toàn khỏi liên minh NATO, vẫn ký các cam kết quốc phòng riêng biệt với NATO trong trường hợp các quốc gia thành viên bị kéo vào chiến tranh hạt nhân với Liên Xô.
Phải mất 43 năm để vết thương năm xưa lành lặn hoàn toàn. Pháp quay trở lại bộ chỉ huy quân sự của NATO vào năm 2009, dưới thời Tổng thống Nicolas Sarkozy, rất lâu sau khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt.
Nguồn: [Link nguồn]
Ngoại trưởng Pháp nói đây là “quyết định bất thường” phản ánh “tình hình đặc biệt nghiêm trọng”, theo BBC.