Pháp: Cuộc biểu tình của nông dân là phép thử đầu tiên với tân Thủ tướng Attal

Chưa đầy 1 tháng sau khi nhậm chức Thủ tướng Pháp, ông Gabriel Attal đã phải đối mặt với một thử thách khó khăn, khi hàng chục nghìn nông dân biểu tình rầm rộ trên cả nước để phản đối các quy định quan liêu, đòi hỏi thu nhập tốt hơn và yêu cầu được bảo vệ trước hàng nhập khẩu giá rẻ.

Nỗ lực xoa dịu cơn giận dữ

Cuộc biểu tình của nông dân tức giận trước các quy định hành chính phức tạp, rắc rối và thu nhập thấp đã lan rộng khắp nước Pháp. Hàng chục nghìn nông dân đã chặn một số tuyến cao tốc và đổ các thùng sản phẩm nhập khẩu ra đường, yêu cầu chính phủ hành động khẩn cấp để giải quyết tình trạng giá nông sản thấp, tháo gỡ khó khăn do các quy định xanh và chính sách thương mại tự do.

Các công đoàn ước tính có hơn 70.000 người biểu tình trên khắp nước Pháp vào cuối tuần trước. Ảnh: Reuters

Các công đoàn ước tính có hơn 70.000 người biểu tình trên khắp nước Pháp vào cuối tuần trước. Ảnh: Reuters

Nông dân cho biết, các cuộc biểu tình, hiện đang ở tuần thứ hai sau khi nổ ra ở phía Tây Nam đất nước, sẽ tiếp tục chừng nào yêu cầu của họ không được đáp ứng. Arnaud Gaillot, người đứng đầu Hiệp hội Nông dân trẻ (Jeunes Agriculteurs) nói với báo giới rằng cuộc biểu tình đang trên đà lan đến Paris và có thể bắt đầu làm gián đoạn giao thông ở thủ đô. Theo tờ Le Parisien, các cơ quan tình báo Pháp cũng cảnh báo chính phủ rằng những liên đoàn nông nghiệp khu vực đã kêu gọi các thành viên của họ tập trung về thủ đô.

Phong trào biểu tình khiến tân Thủ tướng Gabriel Attal, người mới nhậm chức vào ngày 9/1, phải hủy bỏ lịch trình công du của mình để đến một trang trại hẻo lánh miền Tây Nam, nơi các cuộc biểu tình bắt đầu, vào buổi chiều muộn ngày thứ Sáu (26/1) nhằm cố gắng xoa dịu căng thẳng.

Tình cảnh Thủ tướng Attal (bìa phải) đang đối mặt có nhiều điểm tương đồng với cuộc khủng hoảng “Áo gilê vàng” từng khiến Tổng thống Macron (bìa trái) sứt mẻ uy tín năm 2018. Ảnh: France 24

Tình cảnh Thủ tướng Attal (bìa phải) đang đối mặt có nhiều điểm tương đồng với cuộc khủng hoảng “Áo gilê vàng” từng khiến Tổng thống Macron (bìa trái) sứt mẻ uy tín năm 2018. Ảnh: France 24

“Không có nông dân, chúng ta không còn là nước Pháp nữa”, ông Attal tuyên bố tại một trang trại gia súc ở Montastruc-de-Salies, vùng Haute-Garonne. Tân thủ tướng Pháp thuyết phục các cử tri nông thôn của mình rằng thông điệp giận dữ của họ đã được đón nhận, ngay cả khi một số đoàn máy kéo tiến gần hơn đến thủ đô Paris.

Vị thủ tướng trẻ nhất lịch sử nước Pháp cho biết, chính phủ sẽ hủy bỏ kế hoạch giảm trợ cấp của nhà nước đối với nhiên liệu diesel được sử dụng trong xe tải và các máy móc nông nghiệp khác, đồng thời cắt giảm đáng kể các quy định quan liêu tốn thời gian mà nông dân phải tuân theo. Ví dụ: 14 quy định khác nhau về phòng ngừa rủi ro sẽ được hợp nhất thành 1.

“Nông dân của chúng tôi muốn ở trên cánh đồng của họ chứ không phải trước màn hình của họ”, Thủ tướng Attal phát biểu, với bài diễn văn được đặt trên một kiện cỏ khô như hình ảnh ẩn dụ cho sự quan tâm và gần gũi của ông với những người nông dân. “Chúng tôi sẽ sát cánh cùng các bạn”, ông Attal nói thêm. “Chúng tôi sẽ chiến đấu vì các bạn”.

Thủ tướng Pháp cũng tuyên bố rằng chính quyền sẽ thực thi nghiêm ngặt các luật nhằm đảm bảo mức lương đủ sống cho nông dân trong các cuộc đàm phán giá cả với các nhà bán lẻ và nhà phân phối. Ông cam kết hỗ trợ khẩn cấp sẽ đến với người nông dân nhanh hơn, kể cả đối với những trường hợp có gia súc bị bệnh, đồng thời cho biết Tổng thống Emmanuel Macron sẽ thúc đẩy việc miễn trừ một số quy định mới của Liên minh châu Âu (EU).

Cảm xúc trái chiều

Phản ứng của nông dân trước thông điệp của Thủ tướng Gabriel Attal là trái chiều. Một số nhóm biểu tình thông báo với nhà chức trách địa phương rằng họ sẽ dỡ bỏ các rào chắn, nhưng 2 trong số các công đoàn quốc gia chính kêu gọi các cuộc tuần hành vẫn tiếp tục.

Nông dân sử dụng máy kéo phong tỏa tuyến cao tốc A9 nối Pháp với Tây Ban Nha. Ảnh: AFP

Nông dân sử dụng máy kéo phong tỏa tuyến cao tốc A9 nối Pháp với Tây Ban Nha. Ảnh: AFP

Arnaud Rousseau, người đứng đầu FNSEA, hiệp hội nông dân lớn nhất của Pháp, nói với kênh tin tức TF1: “Chúng tôi đã đưa ra quyết định tiếp tục phong trào”. Ông nói thêm rằng, thủ tướng chưa làm đủ để xoa dịu cơn giận của nông dân. “Có rất nhiều yêu cầu mà thủ tướng đã không đáp ứng. Chính phủ phải tiến xa hơn nữa”, ông Rousseau nhấn mạnh.

Các công đoàn ước tính, hơn 70.000 người đã biểu tình trên khắp đất nước cuối tuần trước, với hơn 40.000 máy kéo tạo thành nhiều đoàn xe dài trên một số tuyến đường huyết mạch của nước Pháp. Những đoàn máy kéo này làm tắc nghẽn các tuyến cao tốc, bao gồm cả hai xa lộ A7 và A9 nối từ Pháp đến Tây Ban Nha. “Kết thúc của chúng tôi = cơn đói của bạn”, một biểu ngữ treo trên những chiếc máy kéo viết.

Tại các thành phố và thị trấn, cỏ khô bị đốt ở trước nhiều trụ sở cơ quan, phân được đổ bên ngoài tòa thị chính (chẳng hạn như ở Nice). Và, ở thành phố Agen phía Tây Nam, một con lợn rừng được treo bên ngoài Văn phòng Thanh tra lao động. Jérémy Bazaillacq, một nông dân chăn nuôi bò sữa gần thị trấn Pau phía Tây Nam và là thành viên của Jeunes Agriculteurs, một hiệp hội nông dân trẻ, cho biết: “Nông dân thực sự quyết tâm”.

Bazaillacq, người đã cắm trại cạnh các chướng ngại vật kể từ đầu tuần trước, tuyên bố: “Các cuộc biểu tình sẽ kéo dài bao lâu tùy ý”. Người nông dân 31 tuổi này là một trong 3 cổ đông của một trang trại nuôi khoảng 200 con bò, cho biết lý do dẫn đến sự phẫn nộ rất đa dạng. Một trong số đó là việc người nông dân đã chán ngấy với một mê cung các nhiệm vụ hành chính tốn quá nhiều thời gian.

Bazaillacq nói: “Đó là 60 giờ mỗi tháng cho công việc giấy tờ” và những thủ tục này làm khổ người nông dân trong bối cảnh họ phải vật lộn để kiếm sống. Số liệu thống kê chính thức từ năm 2022 cho thấy khoảng 1/4 nông dân Pháp sống dưới mức nghèo khổ.

Phép thử với tân thủ tướng Attal

Các cuộc biểu tình của nông dân Pháp đang trở thành một phép thử quan trọng đối với tân Thủ tướng Gabriel Attal cũng như đối với quyết định bổ nhiệm nhà lãnh đạo 34 tuổi này của Tổng thống Emmanuel Macron.

Lính cứu hỏa dập đám cháy được đốt bởi cỏ khô tại tòa nhà MSA Grand Sud sau cuộc biểu tình của nông dân ở Narbonne, Pháp. Ảnh: AFP

Lính cứu hỏa dập đám cháy được đốt bởi cỏ khô tại tòa nhà MSA Grand Sud sau cuộc biểu tình của nông dân ở Narbonne, Pháp. Ảnh: AFP

Tổng thống Macron - người đang có chuyến thăm chính thức Ấn Độ cuối tuần trước, vẫn chưa nói nhiều về các cuộc biểu tình. Còn trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình, Gerald Darmanin, Bộ trưởng Nội vụ Pháp, cho biết ông cảm thấy “rất thương xót” những người nông dân, đồng thời nói thêm: “Người ta không đáp lại nỗi đau khổ bằng cách cử cảnh sát chống bạo động đến”.

Trước đây, ông Darmanin tỏ ra không mấy do dự khi cử cảnh sát chống bạo động trấn áp các loại biểu tình, dẫn đến đụng độ với các nhà hoạt động môi trường và với giới trẻ, trong đó mới nhất là để trấn áp vụ bạo động của những người nhập cư sau khi cảnh sát bắn chết một thiếu niên gốc Bắc Phi vào mùa hè năm ngoái.

Nhưng, ở Pháp, nông dân vẫn giữ một vị trí thiêng liêng, ngay cả khi họ chỉ còn chiếm không quá 2% lực lượng lao động trên toàn quốc. Nông dân được coi là những người trông coi “terroir”, một từ tiếng Pháp đầy cảm xúc để chỉ vùng đất đề cập đến những đặc điểm đặc biệt, đất đai, khí hậu và mối quan hệ lâu dài, độc đáo của con người với nó.

Do đó, Chính phủ Pháp dường như quyết tâm, ít nhất là vào lúc này, tránh một cuộc đối đầu bạo lực dẫn tới sự hỗn loạn trên toàn quốc. Có thể thấy rõ điều đó qua phát biểu của Bộ trưởng Darmanin về việc những người nông dân phong tỏa nhiều xa lộ: “Tôi để họ làm điều này, mặc dù việc chặn đường cao tốc là bất hợp pháp”.

Ngành nông nghiệp của Pháp đã nhận được khoảng 10 tỷ USD từ EU vào năm ngoái, phần lớn nhất trong ngân sách nông nghiệp trị giá 58,3 tỷ USD được thiết kế để nâng cao sản xuất, đảm bảo sinh kế ở khu vực nông thôn và ổn định giá lương thực cho người tiêu dùng châu Âu.

Nhưng, chính sách nông nghiệp của châu Âu đã thay đổi vào năm 2023 theo những cách phản ánh nỗ lực hướng tới một nền kinh tế châu Âu xanh, trung hòa carbon. Nghĩa vụ mới là phải bỏ hoang 4% đất canh tác để đảm bảo bảo tồn đa dạng sinh học đã khiến nông dân phẫn nộ.

Nông dân nước này cũng phàn nàn rằng Pháp vẫn nhập khẩu quá nhiều thực phẩm từ các nước như Brazil và New Zealand, những quốc gia mà họ cho rằng không có các biện pháp bảo vệ môi trường nghiêm ngặt. Họ lập luận rằng những nước này có chi phí sản xuất rẻ hơn khiến giá hàng hóa thấp hơn so với Pháp.

Tháo gỡ những bức xúc ấy của người nông dân Pháp là bài toán đầu tiên và chẳng hề dễ giải với tân Thủ tướng Attal. Những rủi ro chính trị đối với ông Attal trong cuộc khủng hoảng này là rất đáng kể. Một trong số đó là áp lực đang được gia tăng từ các đảng dân túy và cực hữu. Chẳng hạn, đảng Rassemblement National (Tập hợp quốc gia) cực hữu hiện đang tìm cách thổi bùng thêm ngọn lửa giận dữ ở nông thôn để tạo sức ép với chính phủ.

Lãnh đạo đảng Rassemblement National, ông Jordan Bardella trong chuyến thăm vùng Gironde gần thành phố Bordeaux hôm Chủ nhật tuyên bố sẽ sát cánh cùng nông dân. Ông này ví các cuộc biểu tình giống như “tiếng kêu cứu của người dân Pháp, những người không muốn lối sống của họ bị chết đi” và chỉ trích chiến lược từ nông trại đến bàn ăn của EU cùng các hiệp định thương mại mà khối đã ký kết là góp phần làm suy giảm nền nông nghiệp Pháp.

Nếu Thủ tướng Attal không thể ngăn chặn các cuộc biểu tình lan rộng hơn, ông có thể sớm nhận thấy rằng sức hấp dẫn của tuổi trẻ - và sự nổi tiếng của ông - sẽ suy yếu dần. Đây chính là điều mà Tổng thống Macron từng đối mặt năm 2018, khi các cuộc biểu tình và phản kháng của phong trào “Áo gilê vàng” kéo dài trong nhiều tháng đã làm nước Pháp tê liệt và khiến uy tín của vị tổng thống trẻ nhất lịch sử nước Pháp bị sứt mẻ khá nhiều chỉ sau 1 năm nhậm chức.

Hiện tại, các cuộc thăm dò dư luận tại Pháp cũng cho thấy hơn 80% người dân nước này đứng về phía nông dân. Do đó, điều tiên quyết mà Chính phủ Pháp đang nhắm đến, sau cuộc cải tổ nội các dẫn tới việc bổ nhiệm Thủ tướng Attal, là tránh tái diễn một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trong xã hội, như phong trào “Áo gilê vàng” năm 2018.

Nguồn: [Link nguồn]

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bị cáo buộc “phản bội nền Cộng hòa Pháp” sau khi nghi thức khai mạc Lễ hội Ánh sáng Do Thái (Hanukkah) được diễn ra...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Anh ([Tên nguồn])
Tin tức Pháp Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN