Pháp: Căng thẳng giữa các đảng phái

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Trước ngày bỏ phiếu quốc hội vòng hai (ngày 7-7), chiến dịch vận động tranh cử ở Pháp tạm dừng một ngày, song không vì thế mà tình hình dịu bớt

Thăm dò dư luận mới nhất vào ngày 5-7 do hai hãng Ipsos và Ifop thực hiện cho thấy Đảng Tập hợp quốc gia (RN) của thủ lĩnh cực hữu Marine Le Pen nhiều khả năng giành được 170 trên 210 ghế quốc hội - cách khá xa so với con số 289 ghế cần thiết để giành thế đa số tuyệt đối và tự thành lập chính phủ. 

Trong khi đó, liên minh cánh tả Mặt trận Nhân dân mới (NFP) bám sát phía sau, với dự báo giành được 145 -175 ghế.

Tuy RN khó giành được thế đa số tuyệt đối, song ván cược tổ chức bầu cử quốc hội chớp nhoáng của Tổng thống Emmanuel Macron cũng không được như ý. Liên minh trung dung Cùng nhau của ông được dự báo chỉ giành khoảng 118 - 148 ghế - hao hụt đáng kể so với 250 ghế mà họ nắm giữ trong quốc hội sắp mãn nhiệm. 

Như vậy, 3 năm còn lại trong nhiệm kỳ của Tổng thống Macron (đến tháng 4-2027) sẽ gặp nhiều khó khăn khi ông phải chia sẻ quyền lực với các đối thủ chính trị.

Những kết quả thăm dò kể trên khiến cử tri Pháp lẫn giới chuyên gia và các đồng minh của Pháp ở châu Âu đều không thể dự đoán bên nào có thể thành lập và dẫn dắt chính phủ mới, song nhiều khả năng RN sẽ trở thành đảng lớn nhất trong quốc hội. 

"Chúng tôi lo sợ kịch bản đó" - cô Amel, nhà trị liệu 34 tuổi, nói với kênh CNBC. Cô dự định bỏ phiếu cho NFP.

Cử tri tại thủ đô Paris - Pháp trong cuộc bỏ phiếu vòng một ngày 30-6 vừa qua Ảnh: REUTERS

Cử tri tại thủ đô Paris - Pháp trong cuộc bỏ phiếu vòng một ngày 30-6 vừa qua Ảnh: REUTERS

RN bác bỏ cái nhãn "cực đoan" mà nhiều người gán cho họ, đồng thời khẳng định họ "đại diện" cho các giá trị, văn hóa và công dân Pháp. Tuy nhiên, những người chỉ trích RN cảnh báo Pháp "sẽ trên bờ vực thảm họa chính trị" nếu một đảng chống nhập cư, theo chủ nghĩa dân tộc và hoài nghi châu Âu như RN giành được thế đa số. 

Để ngăn cản RN bằng mọi giá - nhất là sau kết quả vòng một: RN giành 33% số phiếu, NFP chiếm 28% và Cùng nhau chỉ được 20%, các đảng trung hữu và cánh tả đang bắt tay tạo thành "Mặt trận Cộng hòa". Họ rút hơn 200 ứng cử viên khỏi vòng bỏ phiếu thứ hai để tránh cảnh "xé lẻ" số phiếu, theo báo The Guardian.

Chưa rõ chiến thuật này hiệu quả đến đâu song bà Le Pen chỉ trích đây là động thái nhằm "đánh cắp chiến thắng và đi ngược lại ý chí của người dân". 

Giống như các đảng cực hữu khác ở châu Âu, RN đào sâu vào các mối bất an của cử tri liên quan đến tình hình tội phạm, nhập cư, bản sắc quốc gia và bất ổn kinh tế. 

Nhà lãnh đạo 28 tuổi của RN, ông Jordan Bardella, đang đứng trước cơ hội trở thành thủ tướng trẻ tuổi nhất của Pháp. Ông khẳng định sẽ "lập lại trật tự" trong nước, đồng thời tuyên bố ủng hộ NATO và tiếp tục gửi vũ khí cho Ukraine (nhưng không đưa bộ binh đến đây như đề xuất của ông Macron).

Trước kịch bản Pháp khó thành lập chính phủ mới trong bối cảnh chỉ còn vài tuần nữa sẽ diễn ra thế vận hội ở thủ đô Paris, Thủ tướng Gabriel Attal nhấn mạnh chính phủ hiện nay sẽ giữ vai trò tạm quyền "đến khi nào còn cần thiết". 

Cũng chưa rõ nước Pháp sẽ phản ứng ra sao trước kết quả bầu cử. Bộ Nội vụ Pháp cho biết đã sẵn sàng điều động khoảng 30.000 cảnh sát trên cả nước vào đêm 7-7, bao gồm 5.000 cảnh sát ở thủ đô Paris và các vùng phụ cận, do lo sợ bạo lực bùng phát.

 Lo ngại này không thừa bởi nước Pháp không lạ gì với các cuộc biểu tình biến thành đụng độ những năm gần đây. Chỉ trong 4 tuần tranh cử vừa qua đã có hơn 50 ứng cử viên và nhà hoạt động chính trị bị hành hung, kèm theo hơn 30 vụ bắt giữ khắp đất nước - theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Gérald Darmanin. 

Lãnh đạo phe đối lập ở Pháp, nữ chính trị gia Marine Le Pen gần đây tiết lộ một số thay đổi trong chính sách của Paris đối với Kiev, một khi đảng Mặt trận Quốc gia (RN) chính thức kiểm soát Quốc hội Pháp và thành lập chính phủ mới.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo HẢI NGỌC ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN