Phản ứng của Hungary khi bị EU phạt 200 triệu euro
Thủ tướng Hungary cho rằng phán quyết của của ECJ là không công bằng và không thể chấp nhận được.
Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) ngày 13/6 đã ra phán quyết rằng Hungary phải trả 200 triệu euro và nộp phạt 1 triệu euro mỗi ngày vì không thực hiện quy chế chung về di cư và tị nạn.
Tòa án đưa ra quyết định này dựa trên phán quyết từ tháng 12/2020 rằng Hungary đã không tuân thủ luật pháp của Liên minh châu Âu (EU) về đối xử với người di cư, sau đó Budapest được lệnh thực hiện các thay đổi liên quan.
Tuy nhiên, các thẩm phán ở Strasbourg cho rằng Hungary đã không thực hiện các biện pháp cần thiết để tuân thủ phán quyết năm 2020. Họ nói thêm rằng, thất bại này “là một hành vi vi phạm luật pháp EU chưa từng có và cực kỳ nghiêm trọng”.
Nhiều người nhập cảnh vào EU. Ảnh minh họa
Theo phán quyết, Hungary đã không tuân thủ quy định cho phép những người mới đến được ở lại Hungary trong khi chờ kháng cáo cuối cùng đối với đơn đăng ký tị nạn. Khi làm như vậy, Hungary đã “coi thường nguyên tắc hợp tác chân thành” và “cố tình trốn tránh việc áp dụng chính sách chung của EU”.
Ngay sau phán quyết, Thủ tướng Hungary - ông Viktor Orban viết trên Facebook rằng việc EU phạt Hungary 200 triệu euro “là thái quá và không thể chấp nhận được”.
“Có vẻ như những người di cư bất hợp pháp quan trọng đối với các quan chức Brussels hơn là công dân châu Âu của họ” - ông Orban viết trên mạng xã hội X.
Chính phủ của ông Orban lập luận rằng phán quyết năm 2020 là không cần thiết vì nước này này đã đóng cửa cái gọi là "khu vực quá cảnh", và thắt chặt các quy định nhằm cấm những người xin tị nạn trong tương lai.
Chính phủ Hungary đã áp dụng chính sách cứng rắn đối với người nhập cảnh vào nước này kể từ khi có hơn 1 triệu người di cư đổ về châu Âu vào năm 2015, hầu hết trong số họ chạy trốn khỏi cuộc xung đột ở Syria.
Hungary đã dựng hàng rào biên giới và tìm cách chặn người di cư. Sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào năm 2020, Chính phủ Hungary đã thông qua luật buộc những người tìm kiếm sự bảo vệ quốc tế phải đến Belgrade (thủ đô của Serbia) hoặc Kiev (thủ đô của Ukraine) để xin giấy phép du lịch tại các đại sứ quán ở đó để vào Hungary.
EC đã kiện Hungary ra tòa ECJ về quy định trên, nhấn mạnh rằng nước này đã không thực hiện nghĩa vụ theo quy định của EU, vốn yêu cầu tất cả các nước thành viên phải áp dụng thủ tục chung về cấp quyền tị nạn
Nguồn: [Link nguồn]
Hungary sẽ không cản trở nỗ lực viện trợ quân sự của NATO cho Ukraine, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố.