Phân tích nguyên nhân một số vụ Su-22 rơi ở Ba Lan
Ba Lan gần đây ký 2 thỏa thuận mua hàng chục máy bay chiến đấu của Mỹ và Hàn Quốc, nhằm thay thế MiG-29 và Su-22 có từ thời Liên Xô. Ba Lan từng chứng kiến không ít vụ Su-22 rơi khiến phi công tử nạn vì nhiều nguyên nhân khác nhau.
Lỗi bảo dưỡng máy bay, lỗi phi công, lỗi kiểm soát không lưu…
Ngày 23/10/1986, trung úy phi công Bogusław Siwiec (28 tuổi) lái chiếc Su-22 M4, thực hiện cuộc tấn công giả định nhằm vào các mục tiêu mặt đất trong điều kiện thời tiết ban đêm bình thường.
Lúc 10h37 tối, Siwiec đọc sai chỉ số đo độ cao khi thực hiện động tác bổ nhào máy bay (thực tế là 200m nhưng tưởng là 1.200m). Máy bay bổ nhào rồi đâm xuống mặt đất ở một góc thấp tại khu vực Waplewo, Siwiec tử nạn. Phi công đã không cố gắng sử dụng ghế phóng, không nhận thức đầy đủ về nguy cơ.
Siwiec là phi công hạng nhì, tổng thời gian bay là 614 giờ, trong đó bay trên Su-22 khoảng 73 giờ.
Ngày 17/5/1989, trung úy phi công Jacek Gabryś (31 tuổi) lái chiếc Su-22 M4 với nhiệm vụ bay huấn luyện trong điều kiện thời tiết bình thường hằng ngày. Đây là đợt bay huấn luyện chuẩn bị cho buổi trình diễn bay cá nhân ở độ cao thấp với sự có mặt của thủ tướng Ba Lan.
Lúc 7h57, Gabryś để chiếc Su-22 vượt quá góc tấn công trọng yếu khi cua gắt ở độ cao thấp, khiến máy bay bị chết máy rồi va chạm với mặt đất cách hàng rào sân bay thành phố Piła khoảng 480m. Phi công đã không cố gắng sử dụng ghế phóng và tử vong trong chiếc máy bay bị thiêu rụi hoàn toàn.
Nguyên nhân trực tiếp của vụ tai nạn được xác định là lỗi của phi công và sơ suất trong công tác tổ chức.
Gabryś là phi công hạng nhất, có 989 giờ trên máy bay TS-11 Iskra và Su-22, trong đó bay trên Su-22 M4 khoảng 384 giờ.
Một chiếc Su-22 M4 của Không quân Ba Lan. Ảnh: Bộ Quốc phòng Ba Lan.
Ngày 20/12/1989, hai người lái chiếc Su-22 UM3K hạ cánh xuống sân bay Piła trong đêm. Do hạ độ cao quá mức, máy bay mắc vào ngọn cây. Hai phi công điều khiển máy bay nâng độ cao lên mức 60m, bật ghế phóng thoát nạn.
Máy bay rơi cách đường Piła-Wałcz vài trăm mét, phát nổ và cháy rụi hoàn toàn.
Ngày 30/1/1990, trung tá phi công Andrzej Wyciślik (40 tuổi) lái chiếc Su-22 M4 trong chuyến bay kỹ thuật vào ban ngày trong điều kiện thời tiết bình thường. Ở độ cao 10.000m, do sự đóng băng của các giọt nước trong bộ phận chính của máy thu áp suất không khí, phi công đọc sai chỉ dẫn của thiết bị điều hướng, nên vận hành không chính xác khiến động cơ máy bay bị tắt.
Wyciślik không dùng ghế phóng mà cố gắng hạ cánh xuống một khu vực ngẫu nhiên gần thị xã Czaplinek. Khi hạ cánh lúc 12h01, máy bay bị rơi, phi công thiệt mạng. Nguyên nhân tai nạn là phi công đã thực hiện một hành động không chính xác do hiểu sai các chỉ báo không chính xác của thiết bị màng ngăn aneroid.
Wyciślik có 2.080 giờ bay với các phi cơ TS-11 Iskra, SB Lim-2, Lim-2, Lim-6, Su-22 M 4, gồm khoảng 520 giờ bay trên Su-22 M4.
Ngày 4/6/1993, máy bay Su-22 M4 tự tắt động cơ trong khi cất cánh. Ở độ cao 20m, ghế phóng đưa phi công ra ngoài an toàn. Máy bay cháy rụi sau khi rơi xuống đất.
Nguyên nhân sự cố được xác định là bảo trì chiếc Su-22 M4 không đúng cách.
Một chiếc Su-22 M4 của Không quân Ba Lan. Ảnh: Getty Images.
Biến thể Su-22M4 không quá lạc hậu so với các dòng tiêm kích thế hệ 4 được sản xuất và biên chế cùng thời điểm như Sukhoi Su-27, Mikoyan MiG-29, F-16A/B... Máy bay được trang bị hệ thống điện tử, trinh sát và chỉ thị mục tiêu tương đối hiện đại cùng với khả năng sử dụng tốt các dòng tên lửa tấn công có dẫn đường. |
Ngày 25/7/1995, máy bay Su-22 M4 thả bom xuống bãi tập ở ngôi làng Nadarzyce miền trung tây Ba Lan lúc 8h33 sáng. Bom phát nổ sớm và thiếu tá phi công Jerzy Stramek (42 tuổi) thiệt mạng do lỗi thiết kế của quả bom.
Trong chuyến bay tập cắt bom, Stramek phải thả 6 quả bom trên không với ngòi nổ thuộc loại mới. Đầu tiên, phi công thả 2 quả bom từ độ cao khoảng 40m. Sau đó, thả tiếp 2 quả bom, nhưng chỉ 1,2 giây sau khi thả, quả bom bên trái bất ngờ phát nổ dưới thân máy bay, cách thân máy bay 18m.
Phi cơ bị mảnh bom, nhiệt độ và sóng xung kích tấn công dữ dội. Nhiên liệu rò rỉ từ các thùng chứa nhanh chóng bốc cháy. Năm giây sau khi bom nổ, máy bay va chạm với mặt đất và phát nổ.
Stramek là phi công hạng nhất, đã bay 1.786 giờ trên các máy bay TS-11 Iskra, Lim-5, Su-22, với thời gian bay trên Su-22 là 853 giờ.
Ngày 7/11/1995, lúc 10h03 sáng, máy bay Su-22 UM3K trong khi bay nhào lộn ở vùng Czaplinek đã va chạm với mặt đất, khiến 2 phi công, trung úy Bogdan Kawka (41 tuổi) và trung tá Wacław Macko (42 tuổi), tử nạn.
Hai phi công thực hiện chuyến bay tập ở độ cao trung bình và thấp vào ban ngày trong điều kiện thời tiết bình thường. Phi cơ bay lên độ cao 4.450m, bổ nhào thẳng đứng với tốc độ 595 km/h và góc tấn 17 độ, rồi lao thẳng với tốc độ 1.000 km/h, góc nghiêng nhỏ.
Nguyên nhân vụ tai nạn là phi công thực hiện không đúng giai đoạn thứ hai của pha bổ nhào và điều kiện thời tiết khó khăn hơn chiếm ưu thế trong khu vực. Hai phi công đã không kịp thời đưa chiếc Su-22 UM3K ra khỏi trạng thái bổ nhào hoặc để máy bay ở độ cao an toàn.
Ngày 13/6/2001, khi hạ cánh xuống sân bay ở làng Powidz lúc 00h33 sáng trong khi bay huấn luyện lúc trời mưa và sương mù dày đặc, chiếc Su-22 UM3K do thiếu tá Maciej Górkiewicz (36 tuổi), trung úy Arkadiusz Madej điều khiển đã va chạm với mặt đất. Rò rỉ hệ thống nhiên liệu đã gây cháy máy bay, tổ lái tử nạn.
Thông số vũ khí của Su-17M-4 -2 pháo 30 mm NR-30, 80 viên mỗi khẩu -2 giá treo dưới cánh mang tên lửa không đối không R-60 -10 giá treo cứng mang được 4.250 kg vũ khí, gồm bom, chùm rốc-két, bom napalm, vũ khí hạt nhân. Còn có thể mang tên lửa dẫn đường điện tử/quang học Kh-23, Kh-25, Kh-29 và Kh-58; bom điều khiển laser. |
Nguyên nhân vụ tai nạn là do nhân viên kiểm soát sân bay quyết định cho phép phi công hạ cánh lại trong điều kiện thời tiết không đáp ứng quy định tối thiểu đối với tổ lái, sân bay và máy bay. Lẽ ra phải yêu cầu tổ lái hạ cánh xuống sân bay thay thế.
Phi công hướng dẫn Górkiewicz có 1.812 giờ bay trên các phi cơ Zlin, TS-11 Iskra, Su-20 và Su-22.
Một chiếc Su-22 UM3K của Không quân Ba Lan. Ảnh: Polot.
Ngày 19/8/2003, khoảng 3h45 chiều, trong cuộc tập trận phòng không tại thị trấn Ustka, 2 quả tên lửa Kub đã được phóng đi trong khi máy bay Su-22 M4 vẫn chưa rời khỏi khu vực bắn. Trung tá phi công Andrzej Andrzejewski cảm thấy nguy hiểm nên đã sử dụng ghế phóng, bị thương và được trực thăng Mi-14 PS chở tới bệnh viện dã chiến.
Phi công Andrzejewski đã quyết định đúng khi rời khỏi máy bay.
Ngày 9/8/1986, một chiếc Su-22 M4 bị rơi, ghế phóng đưa phi công thoát ra ngoài thành công. Có lẽ đây là lần đầu tiên ghế phóng K-36 được sử dụng ở Ba Lan. |
Ba Lan sẽ loại MiG-29 và Su-22
Ba Lan sẽ ngừng vận hành máy bay chiến đấu MiG-29 và máy bay ném bom Su-22 từ thời Liên Xô, Polish Radio (Đài Phát thanh Ba Lan) ngày 15/8/2022 dẫn lời Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ba Lan Mariusz Błaszczak. Bộ trưởng nhấn mạnh quân đội Ba Lan sẽ được trang bị máy bay do Mỹ và Hàn Quốc sản xuất.
Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak phê duyệt thỏa thuận mua máy bay FA-50 của Hàn Quốc. Ảnh: Bộ Quốc phòng Ba Lan.
“Chúng tôi sẽ sớm rút máy bay MiG-29 và Su-22. Ngoài máy bay F-16 và F-35 của Mỹ, máy bay chiến đấu và huấn luyện của Hàn Quốc sẽ xuất hiện trong không quân Ba Lan”, ông Blaszczak nói.
Máy bay MiG-29 của Không quân Ba Lan. Ảnh: Polish Radio.
Cuối tháng 7/2022, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan phê duyệt thỏa thuận mua 48 máy bay chiến đấu hạng nhẹ FA-50 của Hàn Quốc để trang bị cho ba phi đội Không quân. Chiếc máy bay đầu tiên sẽ được giao sớm nhất là vào giữa năm 2023.
Máy bay FA-50 đang thả bom. Ảnh: Polish Radio.
Tháng 1/2020, Ba Lan ký hợp đồng mua 32 máy bay chiến đấu đa nhiệm tàng hình F-35 Lightning II của Mỹ với tổng trị giá 4,6 tỷ USD. Theo hợp đồng, phía Mỹ sẽ đào tạo 24 phi công và 90 nhân viên mặt đất của Ba Lan và nước này sẽ nhận chiếc máy bay đầu tiên vào năm 2024.
Máy bay chiến đấu F-35A của Mỹ. Ảnh: Polish Radio.
Nguồn: [Link nguồn]
Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki tuyên bố trong một cuộc họp báo hôm 30/1 rằng Warsaw sẽ chỉ chuyển giao máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine như một phần trong nỗ lực phối hợp...