Phán quyết Biển Đông: Nhìn lại toàn diện sau 5 năm
Cần thiết phải kết hợp phán quyết Biển Đông của Tòa Trọng tài thường trực với các biện pháp đấu tranh khác để phát huy hiệu quả tối ưu giải quyết tranh chấp.
Tính đến ngày 12-7 là tròn năm năm Tòa Trọng tài thường trực (PCA) ra phán quyết về Biển Đông, bác bỏ yêu sách quyền lịch sử đường chín đoạn (đường lưỡi bò) vô lý của Trung Quốc (TQ) ở đây.
Trả lời phỏng vấn của báo Pháp Luật TP.HCM, ThS Hoàng Việt, chuyên gia Luật Biển quốc tế thuộc ĐH Luật TP.HCM và ThS Nguyễn Thế Phương, giảng viên ngành quan hệ quốc tế thuộc ĐH Kinh tế - Tài chính (UEF), đã có một số đánh giá đáng chú ý về tầm quan trọng của phán quyết trong nỗ lực giải quyết tranh chấp trên Biển Đông, từ đó đề ra một số gợi mở cho các nhà làm chính sách biển ở Việt Nam (VN).
Tàu hải cảnh Trung Quốc xuất hiện và áp sát, khiêu khích gần vùng biển xung quanh quần đảo Riau của Indonesia, phía bắc Biển Đông hồi tháng 9-2020. Ảnh: CGTN
VN cần phải cân nhắc mọi vấn đề trong tranh chấp Biển Đông, bởi đây không chỉ đơn thuần là tranh chấp pháp lý mà nó hội tụ đủ cả các yếu tố quân sự, chính trị, kinh tế và pháp lý. Để đưa quyết định đúng đắn, đòi hỏi chúng ta phải phân tích kỹ lưỡng mọi khía cạnh. ThS HOÀNG VIỆT, ĐH Luật TP.HCM |
Phán quyết mang nhiều ý nghĩa pháp lý
. Phóng viên: Thưa hai ông, sau năm năm PCA công bố phán quyết của Tòa Trọng tài về vụ Philippines kiện TQ ở Biển Đông, hai ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa và giá trị của phán quyết này với vấn đề giải quyết tranh chấp nói chung và trong vấn đề kìm hãm tham vọng, ghè chân TQ nói riêng?
+ ThS Hoàng Việt: Chúng ta thấy rõ là phán quyết đã làm rõ ra một số vấn đề mà giữa các bên vẫn còn chưa rõ ràng. Đầu tiên, dù được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, song cho tới trước khi Philippines khởi kiện TQ thì nhiều ý kiến vẫn còn băn khoăn về việc có hay không thẩm quyền của PCA trong xử lý các tranh chấp dạng như vậy. Tuy nhiên, PCA khi đưa ra phán quyết ban đầu về thẩm quyền đã khẳng định rằng tòa có thẩm quyền giải quyết tranh chấp và đây là một thông tin rất quan trọng.
Tiếp theo, tòa cũng giải thích rất rõ rằng cái gọi là yêu sách quyền lịch sử của TQ phải nhường chỗ cho các quy định trong UNCLOS về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Điều đó khẳng định rằng những quốc gia ven Biển Đông như VN, Malaysia, Indonesia đều có quyền để khai thác tài nguyên sinh vật và không sinh vật trong vùng đặc quyền kinh tế cũng như thềm lục địa của mình mà TQ không thể ngăn cản dựa trên cái gọi là yêu sách về quyền lịch sử của họ.
Một vấn đề quan trọng nữa, đó là tòa đã giúp làm sáng tỏ về định nghĩa thế nào là một đảo. Điều 121 quy định đảo là một vùng đất tự nhiên bị bao bọc bởi nước, luôn nổi trên mặt nước khi thủy triều lên, có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng chỉ khi thích hợp cho đời sống của con người và có đời sống kinh tế riêng sẽ không có đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.
Phán quyết của PCA năm 2016 đẩy xa hơn khi khẳng định rằng tất cả cái nhóm thực thể thuộc quần đảo Trường Sa của VN (mà TQ đang chiếm đóng trái phép) không có cái nào thỏa mãn là đảo cả. Điều này cũng dẫn tới việc tranh chấp cũng được thu hẹp lại rất nhiều, vì TQ trước đây họ khẳng định rằng họ có những cái quyền với biển sau khi họ có sở hữu những cái nhóm thực thể đó thì nay đã không còn nữa, vì về mặt pháp lý, phán quyết của tòa đã giải thích hết tất cả vấn đề này.
+ ThS Nguyễn Thế Phương: Phán quyết có ý nghĩa rất lớn về mặt công pháp quốc tế. Phán quyết giúp xác định một cách công bằng hơn về mặt địa lý những vùng biển nào có tranh chấp và không có tranh chấp ở Biển Đông. Trước khi có phán quyết, dù UNCLOS có rất nhiều định nghĩa về đảo, đá để từ đó xác định chủ quyền nhưng mỗi quốc gia lại tự đưa ra khái niệm riêng của mình và không đồng ý với cách diễn giải của quốc gia khác, dẫn tới tranh chấp xảy ra không hồi kết.
Phán quyết cũng làm sáng tỏ, đưa ra một câu trả lời rất có trọng lượng nhiều vấn đề pháp lý trong vấn đề tranh chấp ở Biển Đông như bác bỏ tính pháp lý của đường lưỡi bò TQ; khẳng định sự tồn tại của các ngư trường truyền thống của các quốc gia xung quanh, từ đó cho phép ngư dân các nước này được phép đánh cá ở các khu vực đó.
Phán quyết còn tạo ra được một cục diện pháp lý mới sau năm 2016. Cụ thể, tòa bác bỏ những tranh chấp gây ra do sự xuất hiện của đường lưỡi bò TQ, bởi yêu sách không có tính pháp lý mà chỉ công nhận, giới hạn những tranh chấp liên quan tới hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và những vùng biển xung quanh hai quần đảo này. VN và Philippines từ phán quyết này có thể tự tin hưởng đầy đủ vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa ở phía nam Biển Đông mà không cần lo ngại về sự chồng lấn đối với vùng biển khác.
Đối phó Trung Quốc cần tới sức ép tập thể
. Rõ ràng, một phán quyết dù có nhiều ý nghĩa nhưng vẫn chưa đủ. Vậy các quốc gia ở Biển Đông và các nước tuyên bố ủng hộ phán quyết nên triển khai các hoạt động hay chiến lược nào về trung và dài hạn để đối phó TQ?
+ ThS Hoàng Việt: Phán quyết nên được xem là một phần của Luật Biển quốc tế hiện nay. Vai trò của phán quyết không thể bị lu mờ, vì người ta sẽ cần tới sự diễn giải của nó trong những tranh chấp khác có tính chất tương tự những gì đang xảy ra ở Biển Đông. Về phía TQ, nước này đến nay vẫn ngang nhiên không công nhận, không tôn trọng và không thi hành phán quyết. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa các nước khác trên thế giới cũng sẽ có thái độ tương tự.
Đơn cử, từ năm 2019 đến nay, hàng loạt quốc gia cũng bắt đầu gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc để khẳng định lập trường về Biển Đông. Đây đều là những bằng chứng mang tính pháp lý rất cao và hầu hết đều viện dẫn tới phán quyết của PCA. Nếu tất cả quốc gia trên thế giới đều viện dẫn và kêu gọi tôn trọng phán quyết như vậy thì TQ dù muốn hay không muốn tuân thủ cũng phải chấp nhận phán quyết.
+ ThS Nguyễn Thế Phương: Dĩ nhiên mỗi nước, nhóm nước khác nhau sẽ có cách tiếp cận khác nhau về vấn đề Biển Đông tùy vào vị thế các nước đó. Bàn về ASEAN thì các nước này đến nay vẫn chưa tìm ra được cách thức hợp lý để cùng tập hợp lực lượng đối phó với sự hung hăng và ý đồ chia rẽ đoàn kết nội khối của TQ. Chỉ cần ASEAN ngồi lại và giải quyết trước các vùng chồng lấn của họ và hình thành nên một quan điểm về vấn đề này trước khi bước ra đối mặt với TQ sẽ giúp cơ hội thành công của họ cao hơn đáng kể.
Một biến số quan trọng khác khi bàn về tranh chấp trên Biển Đông đó là Mỹ, trong bối cảnh hiện hữu rất rõ nguy cơ va chạm giữa nước này và TQ. Đây thực chất cũng là vấn đề được các nước trong khu vực quan tâm, bởi không ai muốn chọn phe và trở thành đối thủ của bên còn lại. Thái độ như vậy phần nào làm chậm đi tiến trình phát triển quan hệ giữa Mỹ và ASEAN, bởi Mỹ cũng muốn một câu trả lời rõ ràng từ các nước trong khu vực.
Nhìn chung thì sự có mặt của Mỹ ở Biển Đông là diễn biến có lợi, bởi nước này vẫn đang tiến hành tích cực chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở và xem TQ là đối thủ cạnh tranh toàn diện. Nước này cũng đang tập hợp và tận dụng sức mạnh đồng minh, đối tác để tạo ra thế đối trọng với TQ. Dù vậy, vẫn cần thêm thời gian để có thể đánh giá toàn diện sức hiệu quả của Mỹ và đồng minh, đối tác trong giữ gìn cân bằng, ổn định khu vực.
. Xin cám ơn hai ông.
Gợi mở mới cho chính sách biển của Việt Nam Theo ThS Hoàng Việt, một vấn đề đặt ra là phán quyết dù có sức mạnh về mặt pháp lý nhưng về mặt thực tế, TQ vẫn cố tình phớt lờ, không tuân thủ. Hồi đầu tháng 1, TQ thông qua luật hải cảnh, cho phép lực lượng hải cảnh nổ súng vào tàu nước khác vi phạm cái gọi là vùng biển thuộc quyền tài phán của TQ. Đến tháng 3, TQ tiếp tục triển khai hơn 300 tàu cá ở khu vực đá Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa của VN. Do đó, VN vẫn rất cần phải dựa vào thực lực quân sự của mình. Các biện pháp pháp lý sẽ chỉ đứng đằng sau hỗ trợ để tạo tính chính đáng, cũng như kêu gọi công luận quốc tế lên tiếng để duy trì cái thực lực giữ gìn các thực thể mà chúng ta đang kiểm soát. Theo ThS Nguyễn Thế Phương, không nên xem giải pháp pháp lý là công cụ toàn năng. Những sự kiện theo sau vụ kiện năm 2016 cho thấy là một quốc gia cần phải có một chính sách Biển Đông toàn diện, dài hạn và nhất quán. Philippines dù có lợi thế về mặt pháp lý là phán quyết của PCA nhưng lại không tận dụng được ưu thế này để bảo vệ chủ quyền trên biển, bên cạnh việc thiếu sự đầu tư các lực lượng an ninh cần thiết để đối mặt với TQ. Điểm thứ hai mà VN cũng cần phải lưu ý là phải xác định rõ lằn ranh đỏ trong vấn đề Biển Đông. Việc xác định đúng lằn ranh đỏ sẽ giúp các nhà làm chính sách không quá thận trọng mà để vụt mất cơ hội đấu tranh, hay ra chính sách vội vã làm ảnh hưởng tới lợi ích và chủ quyền quốc gia. |
Nguồn: [Link nguồn]
Mỹ đã bắt đầu thành lập Hạm đội 1 và 2 lữ đoàn mới tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.