Phần Lan, Thụy Điển ra tuyên bố mới về khả năng cho phép NATO đặt vũ khí hạt nhân

Tân thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson ngày 1/11 nói về khả năng cho phép đặt vũ khí hạt nhân trong lãnh thổ một khi quốc gia chính thức trở thành thành viên NATO, động thái trái ngược so với chính quyền người tiền nhiệm.

Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson trả lời họp báo cùng người đồng cấp Phần Lan ở Helsinki vào ngày 1/11.

Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson trả lời họp báo cùng người đồng cấp Phần Lan ở Helsinki vào ngày 1/11.

Ông Kristersson trở thành Thủ tướng Thụy Điển cách đây 2 tuần, thay thế bà Magdalena Andersson. Hôm 1/11, ông Kristersson có chuyến thăm tới Helsinki, Phần Lan và tham gia trả lời họp báo cùng Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin.

Thụy Điển và Phần Lan là hai quốc gia đã nộp đơn xin gia nhập liên minh quân sự NATO và đang chờ các nước thành viên NATO phê duyệt.

Khi được hỏi rằng liệu hai quốc gia Bắc Âu có đồng ý để NATO đặt vũ khí hạt nhân trong lãnh thổ, tương tự như một số nước thành viên NATO khác, bà Marin nói: "Chúng tôi không đặt ra bất cứ điều kiện tiên quyết nào... Chúng tôi đã quyết định sẽ không đóng bất cứ cánh cửa nào về điều đó trong tương lai".

Ông Kristersson cũng đồng tình: "Câu trả lời của tôi cũng hoàn toàn giống như Thủ tướng Phần Lan". "Việc Phần Lan và Thụy Điển đưa ra quyết định giống nhau là bình thường. Tôi không có quan điểm nào khác ngoài quyết định tương đồng với Phần Lan", ông Kristersson trả lời các phóng viên.

Bà Marin và ông Kristersson cho biết, một khi Phần Lan và Thụy Điển đã là thành viên NATO, vấn đề đặt vũ khí hạt nhân sẽ được thảo luận chi tiết hơn.

Hồi tháng 5, bà Marin nói rằng, việc Phần Lan gia nhập NATO không có nghĩa vũ khí hạt nhân của liên minh sẽ mặc định xuất hiện ở nước này. Khi đó, bà Marin nói mình có quan điểm tương tự với Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson. Theo bà Marin, không có nước nào có thể áp đặt việc đặt căn cứ quân sự hay vũ khí hạt nhân ở Phần Lan mà vấn đề này phải do Helsinki quyết định.

Khi Thụy Điển nộp đơn xin gia nhập NATO vào tháng 5/2022 dưới thời Thủ tướng Magdalena Andersson, nước này đã khẳng định quan điểm "phản đối NATO đặt vũ khí hạt nhân hay xây dựng căn cứ quân sự thường trực trên lãnh thổ". Ở Phần Lan, việc nhập khẩu, sản xuất, lưu trữ và kích nổ thiết bị hạt nhân bị cấm theo luật.

Cũng trong ngày 1/11, tư lệnh quân đội Thụy Điển Micael Byden đưa ra khuyến nghị rằng quốc gia không nên phản đối nếu NATO cảm thấy cần đặt vũ khí hạt nhân ở nước này.

"Thụy Điển không nên đặt ra các điều kiện trong khi vẫn ở giai đoạn đầu chờ gia nhập NATO", ông Byden nói.

Ông Byden cũng tiết lộ rằng, Thụy Điển sẽ đạt mục tiêu chi 2% GDP cho ngân sách quốc phòng vào năm 2026, đáp ứng mục tiêu mà Mỹ và NATO đặt ra cho các nước thành viên.

Hiện tại, 28/30 nước thành viên NATO đã tán thành việc Thụy Điển và Phần Lan xin gia nhập. Hiện chỉ còn Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary chưa đưa ra quyết định.

Nguồn: [Link nguồn]

Thụy Điển ký thỏa thuận quân sự quan trọng với Mỹ trong lúc chờ gia nhập NATO

Mỹ đã ký một thỏa thuận quân sự mới với Thụy Điển, cam kết hỗ trợ quốc gia Bắc Âu bảo vệ biên giới trong thời gian đợi gia nhập NATO.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - Straits Times, RT ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN