Phần Lan đối mặt nguy cơ bị Nga ngừng cung cấp khí đốt
Phần Lan sẵn sàng cho khả năng bị quốc gia láng giềng Nga cắt nguồn cung khí đốt, một bộ trưởng trong chính phủ Phần Lan ngày 5.5 nói với Reuters.
Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin.
Hôm 28.4, chính phủ Phần Lan tuyên bố sẽ không chấp nhận yêu cầu thanh toán hợp đồng khí đốt bằng đồng rúp. Do đó, Phần Lan có thể là quốc gia tiếp theo bị Nga cắt nguồn cung khí đốt trong tháng này, sau Ba Lan và Bulgaria.
Gasum, công ty năng lượng nhà nước Phần Lan, sẽ sớm phải đưa ra phản hồi về yêu cầu thanh toán bằng đồng rúp của tập đoàn năng lượng Nga Gazprom.
Theo nguồn tin của Reuters, thời hạn chót để Phần Lan trả lời phía Nga là vào ngày 20.5. Tuần tới, Phần Lan cũng sẽ đưa ra tuyên bố chính thức về việc xin gia nhập liên minh quân sự NATO.
“Phần Lan đã sẵn sàng cho khả năng bị Nga ngừng cung cấp khí đốt”, Tytti Tuppuraine, Bộ trưởng các vấn đề châu Âu của Phần Lan, nói với Reuters ngày 5.5.
Bà Tuppurainen nói Phần Lan đã chuẩn bị một số giải pháp như duy trì các nguồn năng lượng thay thế, thuê một cơ sở nhập khẩu khí hóa lỏng LNG cùng với Estonia.
Khoảng 70% khí đốt được người dân sử dụng ở Phần Lan là từ Nga. Tuy nhiên, khí đốt Nga chỉ chiếm 5% mức độ sử dụng năng lượng của quốc gia này vào năm ngoái.
Dầu, sinh khối từ gỗ và điện hạt nhân là các nguồn năng lượng chính ở Phần Lan. Khí đốt được Phần Lan mua từ Nga chủ yếu để phục vụ sản xuất công nghiệp, chuyên gia Heikki Lindfors đến từ nhóm lợi ích Năng lượng Phần Lan, nói.
“Khí đốt Nga không được sử dụng rộng rãi, nhưng trong các ngành công nghiệp, đó là thứ không dễ dàng có thể thay thế”, ông Lindfors nói, cảnh báo một số công ty có thể phải ngừng sản xuất nếu Phần Lan cạn kiệt khí đốt dự trữ.
Ngành công nghiệp hóa chất Phần Lan sử dụng khí đốt nhiều nhất, đặc biệt là tập đoàn năng lượng Neste. Tập đoàn hiện đang nghiên cứu các phương án khác thay thế cho việc sử dụng khí đốt.
“Chúng tôi cảm thấy giống như đã sẵn sàng”, Peter Vanacker, giám đốc điều hành Neste nói, ám chỉ việc Nga sắp tới có thể ngừng cung cấp khí đốt cho Phần Lan.
Ngoài ra, ngành công nghiệp khai thác gỗ ở Phần Lan sử dụng khí đốt nhiều thứ hai. Tập đoàn sản xuất giấy và bột giấy Metsa Group, cho biết đang xem xét các giải pháp thay thế cho khí đốt, theo Reuters. Metsa Group có thể chuyển sang sử dụng khí hóa lỏng LNG từ các đối tác khác hoặc khí đốt vận chuyển qua đường ống Phần Lan – Estonia.
Tuy nhiên, tập đoàn đã lường trước nguy cơ đình trệ sản xuất trong ngắn hạn. Trước mắt, không có cách nào bù đắp hoàn toàn lượng khí đốt có thể bị thiếu hụt, đại diện tập đoàn cho biết.
Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển Ann Linde hôm 1-5 cho biết Phần Lan gần như chắc chắn sẽ nộp đơn xin gia nhập NATO.
Nguồn: [Link nguồn]