Phà Sewol chìm 3 năm: Nhìn lại nỗi đau gia đình nạn nhân
250 số phận, 250 ước mơ vĩnh viễn bị cướp mất khi chiếc phà Sewol định mệnh chìm xuống lòng biển lạnh giá.
Phà Sewol chìm hôm 16.4.2014, cách đây gần 3 năm.
Ngày 23.3.2017, chiếc phà Sewol chìm cách đây gần 3 năm đã được trục vớt từ biển Hàn Quốc, cách đảo Byungpoongon 20 km. Vụ việc chấn động Hàn Quốc hôm 16.4.2014 khiến hơn 300 người thiệt mạng và 250 người trong số này là học sinh một trường trung học. Nguyên nhân vụ việc được cho là chở quá tải và thành viên thủy thủ đoàn thiếu kinh nghiệm.
Trục vớt phà Sewol từ lòng biển sau gần 3 năm.
Nỗi đau lớn nhất của những người ở lại chính là hơn 250 em học sinh trường cấp III Danwon vĩnh viễn ra đi, bỏ lại những giấc mơ còn dang dở. Sau gần 3 năm, người thân các em vẫn ngày đêm chịu đựng sự mất mát không gì bù đắp nổi.
Dưới đây là bộ ảnh thân nhân của một số học sinh trường Danwon sau vụ chìm đau thương, được chụp một năm sau ngày thảm kịch xảy ra:
Kim Young-lae (trái) và Kim Sung-sil là bố mẹ của em Kim Dong-hyuk, chụp ảnh trong phòng con trai. Kim Young-lae nói: “Chúng tôi cần một cuộc điều tra quy mô và kẻ sai phạm phải bị trừng trị. Vụ tai nạn như vậy không được phép xảy ra”.
Căn phòng của cậu con trai vẫn còn nguyên kể từ ngày thảm họa ập đến. Bố mẹ Dong-hyuk không vứt đi bất kì thứ gì từ giấy chứng nhận thành tích thể thao của con trai tới quả bóng rổ yêu thích.
Bà Ahn Myeong-mi trong căn phòng của con gái Moon Ji-sung. Bà Ahn nói: “Quan điểm của tôi về chính phủ Hàn Quốc đã thay đổi. Tôi từng nghĩ rằng đất nước này thật tốt. Tôi cầu nguyện cho dân tộc tôi. Sau thảm họa, tôi không cầu nguyện nữa”.
Moon Ji-sung từng mong muốn trở thành tiếp viên hàng không. Sự cố chìm phà đã cướp đi giấc mơ của em.
Eom Ji-yeong, cầm bức tranh của con gái và bạn cùng lớp khi em mới 15 tuổi. Eom nói: “Con gái tôi vẫn ở đây. Tôi muốn tìm lại con mình. Tôi cần biết sự thật và lí do vì sao chúng không thoát khỏi chiếc phà đang chìm”.
Shin Jum-ja (phải) và Jung Soo-beom là mẹ và em trai của Jung Hwi-beom, một học sinh tử nạn trong vụ chìm phà. Shin nói: “Trước vụ tai nạn, gia đình tôi tràn ngập tiếng cười. Giờ đây, chúng tôi kiệm lời hơn vì không muốn làm tổn thương nhau. Tôi muốn được nhìn thấy Hwi-beom dù chỉ một lần. Tôi muốn ôm con vào lòng”.
Kỉ vật của Jung Hwi-beom.
Huh Heung-hwan (phải) và Park Eun-mi có con gái Huh Da-yoon thiệt mạng hôm 16.4.2014. Bà Park nói: “Tôi chỉ nghĩ duy nhất về việc tìm lại con mình. Tôi sẽ không bao giờ bỏ cuộc. Những ngày vui tươi trong quá khứ của tôi đã lùi xa. Tôi muốn sống bình thường như bao người nhưng nhận ra là điều quá khó khăn”. Con chó cưng của Huh Da-yoon cũng ngày đêm ngóng trông cô chủ trở về. Nhưng Huh Da-yoon đã xa rời mãi mãi.
Lee Sun-mi đứng trong căn phòng màu hồng của con gái Kim Ju-hee. Bà Lee nói: “Cần phải điều tra cẩn thận vụ việc. Mùa xuân đến, hoa nở rộ nhưng những người mẹ như tôi không thể mỉm cười. Tôi hy vọng con mình được tìm thấy. Thế giới sau ngày thảm họa đó đã thay đổi hoàn toàn”.
Jung Hye-suk là mẹ của Park Sung-ho, một học sinh rất mong muốn trở thành mục sư khi lớn lên. Jung nói: “Những đứa trẻ chết vì lỗi của người lớn. Thảm họa chìm phà Sewol dạy chúng ta rằng xã hội này đầy rẫy vấn đề và người lớn phải sửa sai dù đã quá muộn. Chúng ta cần ngăn điều tương tự xảy ra một lần nữa. Con cái chúng tôi không oán trách xã hội mà vẫn cố gắng cứu nhau trong những giây phút sinh tử cuối cùng. Chúng ta có thể học gì từ những đứa trẻ này hay không?”.