Phá âm mưu tấn công Giáo hoàng Francis bằng cung tên ở Indonesia
Biệt đội chống khủng bố 88 hành động, tuyên bố bắt giữ 7 người âm mưu tấn công Giáo hoàng Francis trong chuyến thăm Indonesia.
Vũ khí và thiết bị thu giữ được trong nhà các nghi phạm âm mưu tấn công Giáo hoàng Francis (ảnh: Straits Times)
Hôm 6/9, Biệt đội chống khủng bố (Biệt đội 88) thuộc Cảnh sát Quốc gia Indonesia thông báo, 7 người đã bị bắt giữ trong một âm mưu bất thành nhằm tấn công Giáo hoàng Francis – người vừa kết thúc chặng đầu tiên trong chuyến công du khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại Indonesia.
Biệt đội 88 cho biết, 7 nghi phạm bị bắt giữ vào các ngày 2/9 và 3/9 tại thành phố Jakarta, thành phố Bogor và thành phố Bekasi.
Tên viết tắt của các nghi phạm là: HFP, LB, DF, FA, HS, ER và RS.
Trả lời báo giới, ông Aswin Siregar – phát ngôn viên Biệt đội 88 – cho biết, cuộc điều tra vẫn đang được tiến hành và cảnh sát chưa xác định được 7 nghi phạm có quen biết nhau hay có cùng thuộc một tổ chức khủng bố nào hay không.
“Chúng tôi có cơ chế giám sát và sàng lọc. Chúng tôi cũng nhận được thông tin từ người dân”, ông Aswin nói.
Giới chức điều tra Indonesia đã khám xét nhà của một số nghi phạm âm mưu tấn công Giáo hoàng Francis. Họ phát hiện cung, tên, máy bay không người lái (UAV) và truyền đơn của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), theo Straits Times.
Một số nghi phạm bị bắt giữ đã thề trung thành với IS, ông Aswin cho biết.
“Một trong những kẻ bị bắt giữ là thành viên của nhóm khủng bố đứng sau vụ tấn công nhằm vào ông Wiranto”, ông Aswin nói, đề cập tới cựu Bộ trưởng An ninh Indonesia.
Năm 2019, ông Wiranto bị 2 thành viên IS tấn công bằng dao và phải nhập viện do trọng thương.
Hôm 6/9, ông Aswin cho biết, 7 nghi phạm bị bắt giữ đã lên kế hoạch tấn công Giáo hoàng Francis vì cảm thấy “bất mãn”.
Indonesia – quốc gia có dân số khoảng 280 triệu người, trong đó hầu hết theo Hồi giáo – từ lâu đã phải vật lộn với chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, theo Straits Times.
Năm 2002, đảo Bali xảy ra vụ đánh bom khiến hơn 200 người thiệt mạng. Đây được xem là vụ khủng bố đẫm máu nhất từng được ghi nhận trong lịch sử Indonesia. Vụ khủng bố do các phần tử phiến quân Hồi giáo cực đoan gây ra.
Indonesia có hơn 8,2 triệu người theo Công giáo, chiếm khoảng 3% dân số nước này. Quốc gia này từng đón tiếp Giáo hoàng Paul VI vào tháng 12/1970 và Giáo hoàng John Paul II vào tháng 10/1989.
Trong chuyến thăm Indonesia (3/9 – 6/9), Giáo hoàng Francis đã kêu gọi tình đoàn kết liên tôn giáo để chống lại chủ nghĩa cực đoan.
Sau khi rời Indonesia, Giáo hoàng Francis sẽ tới thăm Papua New Guinea – đảo quốc ở khu vực tây nam Thái Bình Dương. Các điểm đến còn lại của ông là Đông Timor và Singapore.
Nguồn: [Link nguồn]
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và người đồng cấp Nga Vladimir Putin nên tuyên bố đình chiến và quay trở lại bàn đàm phán, Giáo hoàng Francis...