OPEC cảnh báo EU: Không đủ dầu để thay thế của Nga nếu tiếp tục trừng phạt
Tổ chức xuất khẩu dầu mỏ OPEC cảnh báo, các lệnh trừng phạt nhằm vào dầu mỏ Nga có thể gây ra thảm họa kỷ lục.
Tổng thư ký OPEC Mohammed Barkindo. Ảnh: Daily Post
Ông Mohammed Barkindo, Tổng thư ký OPEC, hôm 11/4 cảnh báo các quan chức EU rằng, các lệnh trừng phạt hiện tại và tương lai nhằm vào dầu mỏ Nga có thể gây một trong những cú sốc về nguồn cung dầu tồi tệ nhất trong lịch sử.
Ông Barkindo nhấn mạnh, không thể tìm ra nguồn cung thay thế lượng dầu mỏ Nga trong một cú sốc ở quy mô như vậy. Tổng thư ký OPEC cho biết, khoảng 7 triệu thùng dầu mỗi ngày của Nga đang "tách khỏi" thị trường thế giới do các lệnh trừng phạt và nhiều hạn chế khác với hoạt động thương mại của Nga.
Ông Barkindo cũng nói với các quan chức EU rằng, biến động hiện nay trên thị trường là do "các yếu tố không cơ bản", nằm ngoài tầm kiểm soát của OPEC.
EU đã thông báo kế hoạch của khối khi cùng tham gia với Mỹ, Anh trong việc áp đặt các lệnh cấm vận với năng lượng Nga. Nhưng khác với Mỹ và Anh, các nước EU phải nhập khẩu phần lớn năng lượng từ Nga.
Các chuyên gia cảnh báo việc cố cắt nguồn cung cấp từ Moscow có thể dẫn đến kết quả thảm khốc. Đức dự báo sự sụp đổ của toàn bộ ngành công nghiệp của nước này nếu cắt bỏ nguồn cung năng lượng từ Nga, trong khi người đứng đầu tập đoàn năng lượng khổng lồ của Áo tuyên bố nước này không thể bỏ việc mua khí đốt của Nga.
Dù Mỹ hứa đẩy mạnh và lấp đầy khoảng trống khí đốt cho châu Âu bằng việc xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), nhưng việc hầu hết các trạm LNG của châu Âu đã hoạt động hết công suất đồng nghĩa, không còn kho để dự trữ nhiên liệu.
Tuần trước, Nghị viện châu Âu đã yêu cầu một lệnh cấm vận ngay lập tức và toàn bộ với nhập khẩu dầu, than đá, khí đốt tự nhiên và nhiên liệu hạt nhân. Lệnh cấm này nếu được thông qua sẽ có tác động tiêu cực đến mức sống của người dân châu Âu. Một số quốc gia như Hungary và Slovakia tuyên bố rõ rằng họ có kế hoạch để không tham gia lệnh cấm này để đảm bảo ổn định năng lượng quốc gia.
Theo RT, không chỉ dầu và khí đốt mà còn nhiều mặt hàng khác đang cạn kiệt nguồn cung do ảnh hưởng từ chiến sự ở Ukraine. Nga và Ukraine cùng nhau sản xuất khoảng 1/3 lượng lúa mì xuất khẩu của thế giới. Hai quốc gia này cũng là nhà sản xuất lớn về dầu hướng dương và phân bón. Vì vậy, giá lương thực ở châu Âu đang ở mức cao lịch sử. Nhiều quốc gia và các tổ chức phi chính phủ cảnh báo về tình trạng thiếu lương thực sẽ xảy ra trong tương lai gần.
Trong khi Liên minh châu Âu (EU) “quay lưng” với Nga và tìm tới Mỹ để nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), nhiều chuyên gia cho rằng cái giá phải trả sẽ không hề rẻ.
Nguồn: [Link nguồn]