Ông Zelensky mắc sai lầm lớn?

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Trong ba năm xung đột, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nhiều lần thể hiện sự quyết đoán và "tài tình" trong việc tranh thủ sự ủng hộ từ phương Tây, kể cả khi đưa ra những tuyên bố cứng rắn. Tuy nhiên, cách tiếp cận này dường như không hiệu quả khi đối diện với Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Ông Zelensky gặp ông Trump và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ở Paris vào tháng 12/2024. Ảnh: NYT,

Ông Zelensky gặp ông Trump và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ở Paris vào tháng 12/2024. Ảnh: NYT,

Mâu thuẫn với Washington và hệ lụy

Khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent đến Kiev trong tháng này, ông mang theo một thỏa thuận nhằm cho phép các công ty Mỹ khai thác tài nguyên khoáng sản của Ukraine. Thay vì nhanh chóng chấp thuận để tìm kiếm sự ủng hộ từ Mỹ, ông Zelensky lại tỏ ra nóng giận, thậm chí có thông tin ông “hét vào mặt” ông Bessent. Ông Trump sau đó nói Tổng thống Ukraine đã “cư xử thô lỗ” với Bộ trưởng Tài chính Mỹ.

Theo tờ New York Times (NYT), ông Zelensky còn đặt ra yêu cầu riêng. Đó là một cuộc gặp trực tiếp với ông Trump để thảo luận về sự hỗ trợ tiếp theo từ Washington. “Tôi hi vọng rằng trong tương lai gần, tài liệu sẽ sẵn sàng và chúng ta có thể ký kết nó trong cuộc gặp với Tổng thống Trump”, ông Zelensky nói.

Tuy nhiên, thay vì tạo sự đồng thuận, cách tiếp cận này đã gây phản ứng tiêu cực từ phía Nhà Trắng. Ông Trump không những không tỏ ra đồng cảm mà còn có thái độ lạnh nhạt trước lời đề nghị của ông Zelensky. Một lần nữa, phong cách ngoại giao mạnh mẽ của nhà lãnh đạo Ukraine lại trở thành rào cản hơn là lợi thế, NYT nhận định.

Lời nói sắc bén hay sai lầm ngoại giao?

Theo NYT, có một cuộc tranh luận đang diễn ra ở Ukraine về việc liệu ông Zelensky có mắc sai lầm khi công khai phản bác những tuyên bố của ông Trump hay không. Tổng thống Mỹ từng tuyên bố Ukraine phải chịu trách nhiệm cho cuộc xung đột với Nga. Nhưng thay vì chọn cách tiếp cận mềm dẻo, ông Zelensky công khai chỉ trích và cho rằng ông Trump đang “mắc kẹt trong mạng lưới thông tin sai lệch từ Nga”.

Liệu đây có phải là động thái cần thiết để bảo vệ lợi ích quốc gia, hay là sai lầm chiến lược khi đối đầu với một lãnh đạo có quyền quyết định vận mệnh Ukraine?

“Với vai trò là nhà lãnh đạo quốc gia , ông Zelensky lẽ ra phải nghĩ đến quốc gia trước, chứ không phải cái tôi cá nhân”,  Kostiantyn Yelisieiev, cựu cố vấn ngoại giao dưới thời Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, nói với NYT.

Dưới thời ông Poroshenko, Ukraine từng sử dụng chiến thuật đưa ra các thỏa thuận kinh tế với Mỹ để duy trì quan hệ tốt đẹp với ông Trump. Những chỉ trích nhắm vào ông Trump cũng chỉ dừng lại ở các tuyên bố từ Bộ Ngoại giao thay vì lời lẽ công kích trực tiếp từ cấp lãnh đạo cao nhất.

“Việc chỉ trích nhà lãnh đạo của bất kỳ quốc gia nào, đặc biệt là lãnh đạo của một quốc gia đang nỗ lực để giúp đỡ Ukraine, đều không phải là một ý kiến hay”, ông Yelisieiev nói.

Sự bất bình trong nội bộ phương Tây

Không phải ai ở Ukraine cũng phản đối cách tiếp cận của ông Zelensky. Một bộ phận dân chúng vẫn ủng hộ Zelensky vì họ nghĩ rằng ông bảo vệ danh dự quốc gia một cách quyết liệt, bất chấp nguy cơ làm phật lòng Mỹ.

Tuy nhiên, ngay cả những đồng minh châu Âu cũng bắt đầu lo ngại về cách tiếp cận này. Trong một cuộc điện đàm gần đây, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda khuyên ông Zelensky nên “duy trì sự bình tĩnh và hợp tác mang tính xây dựng với ông Trump”. “Không nghi ngờ gì về việc Tổng thống Trump đang hành động vì sự ổn định và hòa bình toàn cầu,” ông Duda viết trên mạng xã hội X.

Phong cách ngoại giao thẳng thắn của ông Zelensky thực tế đã gây tranh cãi trước đây. Khi vận động viện trợ từ phương Tây, ông Zelensky từng khiến các lãnh đạo quốc tế khó chịu vì lời lẽ gay gắt. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace, từng phản ứng với ông Zelensky: “Dù thích hay không, mọi người cũng muốn thấy một chút sự biết ơn”.

Bây giờ, khi tương lai của viện trợ quân sự Mỹ chưa rõ ràng, chiến lược của ông Zelensky có thể gây ra hậu quả lớn hơn, NYT nhận định.

Trong hai tuần qua, Tổng thống Ukraine đã từ chối ký thỏa thuận khai thác khoáng sản với Mỹ và tuyên bố sẽ không chấp nhận bất kỳ kết quả đàm phán nào nếu Ukraine không được tham gia. Ông cũng tích cực tìm kiếm sự hỗ trợ từ châu Âu để giảm bớt sự phụ thuộc vào Mỹ.

Tuy nhiên, việc ông lặp đi lặp lại quan điểm này trên nhiều diễn đàn, từ Hội nghị An ninh Munich đến các cuộc họp báo tại Thổ Nhĩ Kỳ và Kyiv, dường như đã khiến ông Trump khó chịu.

“Ông Zelensky tham gia vào các cuộc họp suốt ba năm qua mà chẳng đạt được gì", ông Trump nói trên Fox News Radio. “Tôi không nghĩ ông ấy quan trọng đến mức phải có mặt tại bàn đàm phán”.

Dù vậy, ông Trump nổi tiếng là người sử dụng các tuyên bố mạnh mẽ để tạo áp lực đàm phán. Có thể cuối cùng ông vẫn đồng ý để Ukraine tham gia vào tiến trình hòa bình nếu ông Zelensky thay đổi lập trường cứng rắn.

Trong những ngày tới, ông Zelensky có lẽ sẽ phải “suy nghĩ một cách thông suốt hơn” để xác định hướng đi nào sẽ mang lại lợi ích tốt nhất cho quốc gia trong bối cảnh địa chính trị thay đổi, tờ NYT kết luận.

Tổng thống Mỹ Donald Trump nói người đồng cấp Nga Vladimir Putin sẽ chấp nhận để lực lượng gìn giữ hòa bình châu Âu triển khai ở Ukraine trong thỏa...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhật Minh - NYT ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN