Ông Zelensky cần câu trả lời rõ ràng từ NATO, Đức lên tiếng
Từ Hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng Chính trị châu Âu ở Moldova, ông Zelensky tuyên bố, Ukraine đã sẵn sàng gia nhập NATO.
Ông Zelensky phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng Chính trị châu Âu ở Moldova (ảnh: Reuters)
Hôm 1/6, hàng chục nhà lãnh đạo ở châu Âu đã tới Moldova, trong đó có Tổng thống Ukraine Zelensky. Để bảo vệ an ninh, Moldova đã đóng cửa không phận. Chỉ máy bay chở các phái đoàn quốc tế mới được hạ cánh ở Moldova.
Phát biểu trước khi cuộc họp bắt đầu, ông Zelensky đề nghị NATO đưa ra quyết định rõ ràng về việc có kết nạp Ukraine hay không.
“Ukraine đã sẵn sàng gia nhập NATO”, ông Zelensky nói.
“Năm nay là năm dành cho các quyết định. Vào mùa hè ở Vilnius, khi hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra, Ukraine cần có lời mời rõ ràng từ các thành viên của khối. Chúng tôi cũng cần bảo đảm an ninh trong quá trình gia nhập NATO”, ông Zelensky phát biểu.
“Quyết định tốt cho Ukraine sẽ là quyết định tốt cho tất cả”, ông Zelensky nhấn mạnh.
Tháng 7 tới, hội nghị thượng đỉnh NATO sẽ được tổ chức ở Vilnius (thủ đô Litva). Đây là sự kiện quan trọng bậc nhất năm nay của NATO.
Theo Reuters, trong hội nghị thượng đỉnh sắp tới, NATO sẽ thảo luận tư cách thành viên của Thụy Điển và Ukraine.
Trong bài phát biểu hôm 1/6, ông Zelensky cũng kêu gọi phương Tây gửi chiến đấu cơ và viện trợ thêm hệ thống phòng không Patriot cho Ukraine.
“Nga không thể ngăn Ukraine trở thành thành viên NATO”, Reuters hôm 1/6 dẫn lời ông Jens Stoltenberg – Tổng Thư ký NATO.
“Tất cả đồng minh đều đồng ý với điều đó. Chúng tôi đang thay đổi. Các đồng minh đồng ý rằng Ukraine sẽ trở thành thành viên của khối”, ông Stoltenberg nói thêm.
Tuy nhiên, có kết nạp Ukraine hay không đang trở thành vấn đề gây chia rẽ trong khối NATO, khi hội nghị thượng đỉnh đến gần, theo Reuters.
Hôm 1/6, ngay sau phát biểu của ông Zelensky tại Moldova, Ngoại trưởng Đức – bà Annalena Baerbock – tuyên bố, NATO không thể kết nạp một quốc gia đang có xung đột.
“NATO không thể chấp nhận một thành viên mới đang có xung đột”, bà Baerbock phát biểu ở Oslo (Na Uy) khi ngoại trưởng các nước NATO nhóm họp.
“Chính sách mở cửa của NATO vẫn được duy trì, nhưng rõ ràng là chúng tôi không thể chấp nhận thành viên mới là những nước đang đứng giữa cuộc chiến”, bà Baerbock nhấn mạnh.
Theo bà Baerbock, NATO đang hy vọng sẽ chào đón thành viên mới là Thụy Điển, sau hội nghị vào tháng 7 tới. Tư cách thành viên NATO của Thụy Điển hiện vẫn bị 2 nước là Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary phản đối.
Theo Reuters, trong hội nghị thượng đỉnh vào tháng 7 tới, ít nhất 3 nước là Đức, Luxembourg và Hungary sẽ phản đối Ukraine gia nhập NATO.
Nguồn: [Link nguồn]
Động thái mới đây của Berlin được đưa ra sau khi Moscow quyết định giới hạn số lượng nhân viên làm việc trong các tổ chức Đức ở Nga.