Ông Trump còn rất nhiều "đòn phép" chưa tung ra ép Trung Quốc
Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung leo thang trong tháng 8 với 2 vũ khí lớn mà ông Trump tung ra, nhưng điều đó không có nghĩa là Tổng thống Mỹ không còn những phương án bổ sung.
Ông Trump không ngừng dồn ép nhưng ông Tập vẫn chưa cho thấy dấu hiệu nhượng bộ.
Theo Bloomberg, một trong những chiêu lợi hại nhất mà ông Trump chưa dùng đến là vũ khí hóa đồng đô la, nguồn tiền tệ dự trữ của cả thế giới.
Trong một loạt tuyên bố trên mạng xã hội Twitter hồi tuần trước, ông Trump yêu cầu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cắt giảm lãi suất, hạ giá đồng đô la để giúp có lợi cho các nhà xuất khẩu Mỹ.
Bloomberg nhận định, ngay cả khi FED có nhảy vào thương chiến Mỹ-Trung thì những hiệu quả cũng không rõ ràng, nhưng lại tiềm ẩn nhiều hệ lụy đối với nền kinh tế Mỹ.
Đó chỉ là một trong những thứ vũ khí mà ông Trump đang cân nhắc để tiếp tục dồn ép Trung Quốc. “Ông Trump mới chỉ chạm đến mặt giếng sâu của những biện pháp có thể dùng với Trung Quốc”, Gary Hufbauer, chuyên gia về thương mại ở Viện Nghiên cứu Quốc tế Peterson, nói.
Một giải pháp khác là ông Trump có thể tiếp tục dùng đòn thuế tăng thuế từ thêm 10% lên con số 25% đối với 300 tỷ USD giá trị hàng hóa Trung Quốc.
Chưa hết, một đề xuất của Bộ Thương mại Mỹ có thể cho phép các công ty yêu cầu áp thêm thuế với các mặt hàng cụ thể của Trung Quốc, sau khi Washington cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump còn có thể siết chặt nguồn cung cấp năng lượng của Trung Quốc, bằng cách kiểm soát chặt chẽ hơn việc Trung Quốc mua dầu từ Iran và Venezuela.
Ở thời điểm hiện tại, Nhà Trắng đang trì hoãn việc cho phép các công ty Mỹ làm ăn trở lại với Huawei, sau khi Bắc Kinh tẩy chay hàng nông sản Mỹ.
Theo các chuyên gia, trong thời gian tới, ông Trump có thể nhắm đến các công ty công nghệ, cung cấp giải pháp về trí tuệ nhân tạo (AI) của Trung Quốc, cũng như ngừng xuất khẩu các mặt hàng công nghệ của Mỹ sang Trung Quốc.
Quá trình này hiện đã bắt đầu và dự kiến đến cuối năm sẽ liệt kê toàn bộ các mặt hàng công nghệ cao cần giấy tờ đặc biệt trước khi xuất sang Trung Quốc, theo Bloomberg.
Michael Pillsbury, một cố vấn không thường trực của chính quyền Donald Trump, nói ông Trump có rất nhiều vũ khí, nhưng cũng rất sẵn sàng tìm kiếm một thỏa thuận chung, nếu Bắc Kinh đưa ra lời đề nghị hợp lý.
Thỏa thuận bước đầu có thể đơn giản chỉ là cho phép công ty Mỹ hoạt động dễ dàng hơn ở Trung Quốc và Trung Quốc sẽ mua trở lại hàng nông sản Mỹ. Nhưng vấn đề là Bắc Kinh chưa hề cho thấy bất cứ một dấu hiệu nhượng bộ nào.
Quan hệ Mỹ-Trung đang ở mức thấp nhất kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền và đây đang là cơ hội để phe diều hâu ở Nhà Trắng tăng cường kế hoạch công kích Trung Quốc, Derek Scissors, chuyên gia về Trung Quốc ở Viện Doanh nghiệp Mỹ, nói.
“Tổng thống đang rất thất vọng với Trung Quốc”, Derek nói. “Nhưng điều đáng lo ngại là phe diều hâu đang không ngừng ‘đổ thêm dầu vào lửa’ mà không có bất cứ một chiến lược chung nào”.
Trước chiến tranh thương mại, ông Tập Cận Bình để ra tham vọng đưa Trung Quốc trở thành siêu cường vào năm 2050.