Ông Trump và lời hứa ‘làm nước Mỹ vĩ đại’ dang dở

“Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại” là thông điệp nổi tiếng của Tổng thống Donald Trump khi tranh cử vào năm 2016. Dù vậy, sau bốn năm lãnh đạo, ông gặp rất nhiều khó khăn trong nỗ lực hiện thực hóa cam kết này.

Việc ông Trump có thể giành thêm một nhiệm kỳ nữa hay không sẽ phụ thuộc nhiều vào việc ông có thể hiện thực hóa lời hứa của mình hay không. Vậy những lời hứa của ông Trump về một “nước Mỹ vĩ đại” là gì và ông đã thành công tới đâu trong việc triển khai chúng?

Lời hứa đã thực hiện

Nhìn chung, ở cả hai mặt đối nội và đối ngoại, ông Trump đã triển khai được tầm nhìn của mình ở một số vấn đề nhất định. Trong đó, thành công lớn nhất phải kể đến là kinh tế. Ông từng cam kết sẽ giúp Mỹ đạt và duy trì mức tăng trưởng 3%/năm, thậm chí là tới 6%. Dù không thể hoàn toàn chạm tới mốc tăng trưởng đưa ra, chính quyền ông Trump vẫn giữ được con số này ở mức quanh mốc 2%-2,5%, thậm chí đạt mức 3,8% vào năm 2018.

Tỉ lệ thất nghiệp trong lao động Mỹ cũng đạt mức thấp nhất trong vòng 50 năm với hơn 4,8 triệu việc làm mới được tạo ra chỉ trong tháng 6-2020. Ông Trump cũng đã thực hiện lời hứa cắt giảm thuế khi thông qua Đạo luật Cắt giảm thuế và Việc làm (TCJA) vào năm 2017.

Về lĩnh vực tư pháp, ông Trump phối hợp cùng các đồng minh đảng Cộng hòa thành công đề cử và thông qua ba thẩm phán mới vào Tòa án Tối cao Mỹ cùng 220 thẩm phán khác ở các tòa cấp liên bang. Ở Mỹ, nhánh tư pháp có quyền lực rất lớn, các thẩm phán cũng có nhiệm kỳ rất dài nên thường là bên có tiếng nói cuối cùng trong chính trị Mỹ. Do đó, ngay cả trong trường hợp ông Trump không tái đắc cử vào tháng 11 thì những nhân vật mà ông đề cử cũng sẽ tác động sâu sắc đến tương lai đất nước.

Về mặt đối ngoại, một trong những thành tựu lớn nhất của nhiệm kỳ ông Trump là tăng cường hiện diện và đưa ra hàng loạt tuyên bố cứng rắn về vấn đề Biển Đông. Chiến lược an ninh dưới thời Tổng thống Trump xác định Trung Quốc (TQ) là “đối thủ cạnh tranh chiến lược” và nhiều lần lên tiếng phản đối cũng như thực hiện các cuộc tuần tra đảm bảo tự do hàng hải (FONOP) nhằm ngăn chặn việc TQ biến Biển Đông thành “ao nhà”.

Số liệu của hải quân Mỹ cho thấy chỉ trong năm 2019, nước này đã thực hiện đến bảy nhiệm vụ FONOP trong vùng 12 hải lý quanh những thực thể TQ chiếm đóng trái phép ở Biển Đông - nhiều nhất kể từ năm 2014. Hồi tháng 7-2020, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo công bố quan điểm Biển Đông mới, lần đầu tiên gọi các yêu sách chủ quyền của TQ trên Biển Đông là “phi pháp”.

Trung Đông cũng là khu vực ông Trump gặt hái nhiều thành công về mặt ngoại giao. Trong vấn đề Israel, Tổng thống Trump giữ vững tuyên bố Jerusalem là thủ đô của Israel và chính thức chuyển Đại sứ quán Mỹ đến đây. Cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố, đặc biệt là công cuộc truy quét tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) cũng có những thành quả nhất định, điển hình là việc tiêu diệt được thủ lĩnh tối cao Abu Bakr al-Baghdadi của tổ chức này.

Tổng thống Donald Trump trong cuộc vận động tranh cử ở bang North Carolina ngày 24-10. Ảnh: REUTERS

Tổng thống Donald Trump trong cuộc vận động tranh cử ở bang North Carolina ngày 24-10. Ảnh: REUTERS

Khó khăn chồng chất

Dù vậy, mọi chuyện theo thời gian có vẻ không hề suôn sẻ cho ông Trump, đặc biệt là trong giai đoạn cuối cùng của nhiệm kỳ. Đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 bùng phát và càn quét cả thế giới. Mỹ, dù là cường quốc hàng đầu, lại đang phải oằn mình chống dịch với hơn 9,4 triệu người nhiễm bệnh tính đến ngày 1-11 (giờ Việt Nam), theo trang thống kê Worldometer.

Đại dịch toàn cầu không chỉ là một thảm họa về mặt y tế mà nó còn gây ra sự xáo trộn to lớn đến tình hình kinh tế - xã hội. Kinh tế Mỹ kể từ tháng 3 đến nay đã lao dốc nhanh chóng không phanh với tỉ lệ thất nghiệp đạt mức kỷ lục 15% vào tháng 5. Điều này làm cho các thành tựu về kinh tế đã đạt được trước đó của chính quyền Trump trở nên mờ nhạt.

Về mặt xã hội, nước Mỹ cũng chứng kiến sự khủng hoảng và chia rẽ sâu sắc. Vấn đề sắc tộc bị thổi bùng lên thành những cuộc biểu tình và bạo loạn sau cái chết của người đàn ông da màu George Floyd vào tháng 5.

Theo thống kê của Viện nghiên cứu Poynter (Mỹ), trong nhiệm kỳ vừa qua, Tổng thống Trump đã thực hiện được 25 lời hứa khi tranh cử (chiếm 24%). Trong khi đó, ông lại “thất hứa” tới 50 lần (chiếm 49%). Số còn lại là các lời hứa chỉ được hiện thực hóa một phần nào đó hoặc đã bị hoãn lại. 

Chính sách nhập cư của nước Mỹ cũng là một chủ đề khác mà ông Trump phải hứng chịu nhiều chỉ trích, bị Liên Hợp Quốc lên án là vi phạm luật pháp quốc tế khi chia rẽ ít nhất 5.500 gia đình nhập cư trái phép trong các cơ sở tạm giam dọc biên giới Mỹ - Mexico.

Về mặt đối ngoại, việc theo đuổi chính sách “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Donald Trump đã làm thay đổi toàn diện quyền lực quốc tế, song có lẽ là theo hướng tiêu cực hơn. Mối quan hệ của nước Mỹ với các đồng minh truyền thống như Liên minh châu Âu (EU) và tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trở nên căng thẳng quanh vấn đề gánh vác chi phí quân sự chung.

Song hành cùng chính sách “Nước Mỹ trên hết” là động thái đe dọa và rút khỏi các tổ chức và hiệp định quốc tế không có lợi cho nước Mỹ theo quan điểm của ông Trump. Cụ thể, ông Trump kể từ khi nhậm chức đã ngay lập tức rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) nhằm đàm phán các hiệp định song phương có lợi hơn.

Bên cạnh đó, đường lối cứng rắn của ông Trump đối với các đối thủ truyền thống của Mỹ dù mang lại những thành công bước đầu, song còn xa để có thể giải quyết dứt điểm hoặc có những hiệu quả lâu dài. Mỹ bước vào cuộc thương chiến với TQ nhằm ngăn chặn việc TQ trục lợi từ hành vi giao thương không lành mạnh, kém cạnh tranh bị nhiều chuyên gia cảnh báo là đã gây thiệt hại nặng cho doanh nghiệp hai bên.

Ông Trump cũng là tổng thống Mỹ đầu tiên có cuộc gặp gỡ mang tính lịch sử với lãnh đạo Triều Tiên nhưng việc phi hạt nhân hóa nước này vẫn chưa có nhiều tiến triển. Thậm chí Bình Nhưỡng đang có dấu hiệu sẽ thử tên lửa hạt nhân trở lại do mất kiên nhẫn với Washington.

Như vậy, có thể thấy khó có thể khẳng định rằng nước Mỹ đã “trở nên vĩ đại” sau nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump khi nước này vẫn phải đang phải đối mặt với khủng hoảng đa chiều ở trong nước cùng tình hình đối ngoại nhiều bất ổn.

Lượng người Mỹ đi bỏ phiếu sớm cao kỷ lục

Theo hãng tin Reuters, tính đến ngày 30-10, có hơn 80 triệu người Mỹ đã bỏ phiếu sớm, tương đương với 58% tổng số lượt phiếu bầu của kỳ bầu cử năm 2016.

Số liệu từ 20 bang cho thấy 18,2 triệu cử tri Dân chủ đã bầu cử sớm, trong khi con số này ở những người thuộc đảng Cộng hòa là 11,5 triệu. Số cử tri không có đảng phái đã bầu cử là 8,8 triệu.

Các chuyên gia dự đoán tỉ lệ đi bầu năm nay sẽ dễ dàng vượt mức 138 triệu phiếu bầu của kỳ bầu cử trước. Các con số thăm dò hiện tại đều cho thấy ông Biden đang dẫn trước ông Trump 5%-10%. Song, tại các bang chiến địa lớn như Florida hay Pennsylvania, sự chênh lệch giữa hai ứng viên là không lớn, báo hiệu sẽ còn nhiều bất ngờ diễn ra vào ngày bầu cử sắp tới. 

Trump và Biden: Ai làm Tổng thống Mỹ sẽ tốt hơn cho châu Á?

Từ an ninh đến thương mại, việc ai là ông chủ Nhà Trắng sẽ có ảnh hưởng rất lớn đối với các nước ở châu Á, theo...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo QUANG TUỆ (Pháp luật TPHCM)
Bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN