Ông Trump thất cử nhưng sức ảnh hưởng vẫn còn cực lớn
Ông Trump có thể không còn là Tổng thống Mỹ trong nhiệm kỳ tới, nhưng các di sản và sức ảnh hưởng của ông Trump sẽ không thể biến mất trong một sớm một chiều.
Tổng thống Mỹ đương nhiệm Donald Trump.
Ông Trump là Tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên trong 28 năm, kể từ thời George H.W. Bush, thất cử chỉ sau một nhiệm kỳ. Nhưng có một điều gần như chắc chắn là ông sẽ không lặng lẽ lùi về phía sau.
Dù không trở thành Tổng thống đắc cử, ông Trump vẫn là ứng viên đảng Cộng hòa giành được số phiếu phổ thông lớn nhất trong lịch sử Mỹ. Sức ảnh hưởng của ông Trump vươn rộng ở khu vực nông thôn và nhờ đó giúp đảng Cộng hòa nhiều khả năng sẽ vẫn chiếm đa số ghế ở Thượng viện.
Nhà phân tích chính trị Edward Luce của tờ Financial Times nhận định, những thành tố làm nên sự trỗi dậy của “chủ nghĩa Trump” ở Mỹ sẽ chưa thể phai nhòa, đặc biệt là mối đe dọa từ Trung Quốc và sự bất an của tầng lớp trung lưu.
Ông Biden hiểu rõ vấn đề này, nên trong bài phát biểu chiến thắng, ông nói mình là “Tổng thống của mọi người dân Mỹ, dù các bạn có bầu cho tôi hay không”.
Sức ảnh hưởng của ông Trump rất có thể sẽ vẫn thể hiện trong các quyết sách ở Thượng viện Mỹ và cuộc họp của đảng Cộng hòa.
Ông Trump vẫn có thể gây áp lực với các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa để họ cố gắng chặn các chính sách của ông Biden. Ông Trump sẽ vẫn được coi là lãnh đạo đảng Cộng hòa cho đến khi có sự thay đổi về cơ cấu trong nội bộ đảng. Các ứng viên tương lai có thể sẽ muốn được thừa hưởng một lượng lớn cử tri Mỹ ủng hộ ông.
Người biểu tình ủng hộ ông Trump.
David Hopkins, phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Boston, nói ông Trump vẫn sẽ có ảnh hưởng lớn đối với đảng Cộng hòa trong ít nhất 4 năm tới và không loại trừ khả năng ông Trump có thể tái tranh cử.
Thitinan Pongsudhirak, nhà phân tích chính trị và chính sách ngoại giao ở Đại học Chulalongkorn của Thái Lan, nói nếu ông Biden thực sự muốn hàn gắn sự chia rẽ, làm tăng cơ hội của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2022, ông không còn cách nào khác là “phải giữ lại một số sáng kiến và chính sách của ông Trump”.
Về vấn đề đối ngoại, những chính sách mà ông Trump đề ra như chiến tranh thương mại với Trung Quốc, gây sức ép với các đồng minh, có thể được ông Biden kế thừa, chỉ khác ở cách tiếp cận.
Michael Vatikiotism giám đốc khu vực châu Á của Trung tâm Đối thoại nhân đạo, nói: “Điều thay đổi là cách tiếp cận của Washington với các vấn đề, sẽ mang tính ngoại giao hơn và bớt khó đoán hơn. Ở một mức độ nào đó, điều này có thể giúp các chính sách được thực thi thuận lợi hơn”.
Murray Hiebert, nhà phân tích của BowerGroupAsia, nói ông Biden “muốn khởi động lại quan hệ với Trung Quốc, nhưng không vì thế mà chính sách như đối phó với Huawei, ngăn Trung Quốc đánh cắp công nghệ, sẽ biến mất”.
“Dĩ nhiên, nếu Trung Quốc vẫn thách thức Mỹ ở Biển Đông hay vấn đề Đài Loan, chính quyền của ông Biden chắc chắn sẽ phản ứng cứng rắn”, Hiebert nhận định.
Nguồn: [Link nguồn]
Các cuộc biểu tình diễn ra khi tổng thống đương nhiệm từ chối nhượng bộ cuộc đua và cam kết tiến hành các biện pháp...