Ông Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?
Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump trở lại Nhà Trắng trong bối cảnh quốc tế biến động, đặt ra nhiều câu hỏi về tầm ảnh hưởng của ông đến trật tự thế giới.
Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump được kì vọng sẽ thay đổi nước Mỹ theo hướng tích cực trong 4 năm tới. Ảnh: Reuters.
Đối diện với các vấn đề phức tạp, ông Trump và những chính sách quyết liệt của ông có thể sẽ tạo nên một thế giới hoàn toàn khác, không chỉ với Mỹ mà còn với đối tác và các nước đối thủ.
Nhiệm kỳ thứ hai và bối cảnh phức tạp
Theo tap chí Foreign Affairs của Mỹ, ông Trump từng được xem là một cú sốc "tê giác xám" đối với chính trường Mỹ. Nghĩa là nhiều người có thể đã thấy trước sự khác biệt và sự xáo trộn mà ông có thể mang đến cho nước Mỹ, nhưng họ vẫn không thể lường hết được mức độ ảnh hưởng và cách thức ông thay đổi hệ thống khi ông thực sự nắm quyền.
Chiến thắng bầu cử của ông Trump được cho là dấu hiệu cho thấy sự ủng hộ mạnh mẽ từ số đông dân chúng Mỹ. Tuy nhiên, so với nhiệm kỳ đầu tiên, bối cảnh hiện tại nhiều thách thức hơn khi Mỹ đang đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt từ Trung Quốc, tình hình bất ổn ở Ukraine và một trật tự quốc tế đang lung lay.
Người ủng hộ ông Trump ở Jerusalem, Israel theo dõi cuộc bầu cử Mỹ. Ảnh: Amir Levy/Getty Images.
Ông Trump và đội ngũ cố vấn có thể sẽ theo đuổi chiến lược táo bạo hơn, nhằm củng cố quyền lực Mỹ, tuy nhiên, thế giới đã trở nên phức tạp hơn so với 4 năm trước. Với sự lên ngôi của chủ nghĩa bảo hộ và chính sách “nước Mỹ trên hết,” ông Trump có thể sẽ nới rộng khoảng cách giữa Mỹ và đồng minh, khiến cho các quốc gia đồng minh và đối thủ phải tự điều chỉnh chiến lược.
Chính sách nhân sự: Quyền lực của những người “MAGA”
Một trong những thay đổi lớn nhất là cách ông Trump sử dụng nhân sự. Nếu ở nhiệm kỳ đầu tiên, ông vẫn còn phải nhún nhường một phần với các tiếng nói ôn hòa trong nội bộ, thì lần này, đội ngũ cố vấn của ông có thể sẽ bao gồm nhiều người trung thành, được ví như các “tín đồ MAGA” - những người tin tưởng tuyệt đối vào chủ trương của ông.
Không chỉ vậy, ông Trump có thể sẽ phần nào bỏ qua quy trình kiểm tra lý lịch truyền thống từ FBI và sử dụng quyền hạn để bổ nhiệm nhân sự, giúp ông dễ dàng tuyển chọn những người có thể mang đến những đột phá.
Động thái này có thể tạo ra những thay đổi mang tính nền tảng trong hệ thống chính trị Mỹ, khi ông Trump được cho là sẽ cố gắng tìm cách loại bỏ cái gọi là Deep State (thế lực ngầm ở Mỹ).
Với sự hỗ trợ từ tỷ phú Elon Musk và các tổ chức như Heritage Foundation và America First Institute, ông Trump sẽ có nguồn nhân sự đủ để thúc đẩy các kế hoạch chiến lược.
Cuộc bầu cử Mỹ được theo dõi ở Hà Lan. Ảnh: AFP.
Tuy nhiên, đây cũng là một thách thức lớn với hệ thống hành chính và an ninh quốc gia khi có khả năng những người giàu kinh nghiệm trong chính phủ sẽ bị sa thải, thay bằng những người trung thành nhưng thiếu kinh nghiệm thực tiễn.
Chính sách đối ngoại: Giao dịch thay vì liên minh
Vốn là một doanh nhân, Trump có phong cách ngoại giao mang tính "giao dịch”. Ông có xu hướng đàm phán trực tiếp với các đối tác mà không dựa nhiều vào các cam kết xa vời. Trong nhiệm kỳ tới, điều này sẽ tiếp tục định hình chính sách đối ngoại của Mỹ, đặc biệt là với các quốc gia có mối quan hệ lợi ích phức tạp với Mỹ như Trung Quốc, Nga, và các nước trong liên minh quân sự NATO. Các đồng minh truyền thống của Mỹ có thể sẽ không còn dựa vào sự cam kết bền vững từ Washington, buộc họ phải xem xét các chiến lược tự lực hoặc liên kết với nhau chặt chẽ hơn để bảo đảm an ninh.
Ông Trump đã ám chỉ khả năng buộc Ukraine phải nhượng một phần lãnh thổ với Nga. Điều này có thể củng cố vị thế của Nga trong khu vực. Đây là một tín hiệu đáng lo ngại với các nước Đông Âu, khi họ có thể phải đối diện với nguy cơ tăng cường sức mạnh của Nga trong khi còn không còn được Mỹ hỗ trợ đáng kể như trước.
Ông Trump có thể tiếp tục gia tăng áp lực kinh tế bằng các đòn thuế quan nhằm vào hàng hóa Trung Quốc. Mặc dù biện pháp này có thể gây thiệt hại cho nền kinh tế Trung Quốc, nhưng đồng thời cũng khiến người tiêu dùng Mỹ phải gánh chịu mức giá cao hơn. Quan hệ với Đài Loan (Trung Quốc) cũng sẽ được chú trọng hơn, nhưng ông Trump có thể yêu cầu Đài Loan gia tăng chi phí quân sự, làm phức tạp thêm mối quan hệ đối tác này.
Sự trở lại của ông Trump có thể khiến các đồng minh của Mỹ rơi vào tình thế khó khăn. Các quốc gia châu Âu và Nhật Bản sẽ cần tìm cách duy trì mối quan hệ với Mỹ nhưng cũng phải tính đến việc giảm phụ thuộc vào Washington. Để đáp ứng lợi ích quốc gia của mình, nhiều quốc gia có thể áp dụng chiến lược “mềm mỏng” hơn với ông Trump, đưa ra các lợi ích kinh tế nhằm thu hút sự chú ý để nhận được ưu đãi từ Mỹ.
Trong khi đó, các nước đối thủ như Nga và Trung Quốc sẽ coi đây là cơ hội để tăng cường ảnh hưởng. Với Nga, ông Trump có thể là một “đồng minh” gián tiếp, tạo điều kiện cho Moscow mở rộng ảnh hưởng ở Đông Âu và Trung Đông.
Hướng đi mới cho quân đội Mỹ
Ông Trump tới thị sát khu vực biên giới Mỹ - Mexico vào tháng 8/2024. Ảnh: Rebecca Noble/Getty Images.
Nhiệm kỳ này, ông Trump có thể tiếp tục tăng cường sức mạnh quân sự của Mỹ, đặc biệt là tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ông từng nhiều lần nhấn mạnh đến việc cần thiết phải tăng cường lực lượng Mỹ ở khu vực để đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Tuy nhiên, với cách tiếp cận mang tính chi phí - hiệu quả, ông Trump có thể yêu cầu các đối tác, bao gồm Đài Loan và Nhật Bản, tăng cường ngân sách quốc phòng. Điều này có thể làm phức tạp thêm quan hệ an ninh khu vực, khi các đối tác sẽ gặp khó khăn trong việc đáp ứng yêu cầu của Mỹ mà vẫn không ảnh hưởng đến ổn định tài chính.
Nếu ông Trump quyết định rút bớt cam kết với các đối tác ở châu Âu để tập trung vào châu Á, trật tự an ninh toàn cầu có thể sẽ bị đảo lộn.
Trở lại nhiệm kỳ hai, ông Trump có thể sẽ tạo nên một trật tự thế giới mới, nơi Mỹ không còn đảm nhận vai trò người bảo hộ toàn cầu. Thay vào đó, nước Mỹ sẽ tập trung vào lợi ích nội địa và sẵn sàng phá bỏ các hiệp ước, liên minh truyền thống nếu điều đó phục vụ lợi ích quốc gia.
Có thể nói, với phong cách chính trị đặc trưng và những mục tiêu rõ ràng, nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump được dự đoán sẽ làm thay đổi cấu trúc chính trị và kinh tế toàn cầu.
Dù vậy, sự thành công của ông Trump vẫn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, từ sự hợp tác của đội ngũ cố vấn đến phản ứng của các đối thủ và đồng minh quốc tế. Những quyết định của ông Trump trong thời gian tới sẽ không chỉ ảnh hưởng đến nước Mỹ mà còn định hình tương lai của trật tự thế giới, đưa nhân loại vào một kỷ nguyên mới đầy biến động và thách thức, tạp chí Foreign Affairs kết luận.
Nguồn: [Link nguồn]
Chiến thắng bầu cử của Donald Trump không chỉ là một sự kiện chính trị đơn thuần, mà còn là bước ngoặt lớn phản ánh sự thay đổi sâu sắc trong tư tưởng...