Ông Trump nói Mỹ qua đỉnh dịch Covid-19, các bác sĩ chỉ ra dấu hiệu khác
Từ những tín hiệu tích cực gần đây tại các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch Covid-19 như thành phố Seattle và New York, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhận định Mỹ đã qua đỉnh dịch và khuyến khích các bang giảm bớt biện pháp hạn chế, mở cửa lại hoạt động kinh tế.
"Cuộc chiến với dịch Covid-19 vẫn tiếp diễn nhưng số liệu cho thấy nước Mỹ đã vượt qua đỉnh dịch về số ca nhiễm mới. Hy vọng điều này sẽ tiếp tục và chúng ta sẽ đạt được nhiều dấu hiệu tích cực hơn nữa", ông Trump phát biểu trong cuộc họp báo hôm 15/4 tại Nhà Trắng.
Trong cuộc họp báo hôm 16/4, ông chủ Nhà Trắng cho biết: "Có vẻ như tình hình dịch bệnh ở Mỹ đang chậm lại, số ca nhiễm Covid-19 đã giảm xuống đáng kể. Các chuyên gia của chúng tôi nói rằng đường cong đã được làm phẳng và nước Mỹ đã vượt qua đỉnh dịch về số ca nhiễm mới".
Tuy nhiên, các bác sĩ chia sẻ với hãng NBC News rằng nhận định của ông Trump về đường cong đã được san phẳng là quá sớm hoặc đã được phóng đại.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: The Marysue
Vin Gupta, một bác sĩ về hô hấp và chuyên gia chính sách y tế toàn cầu ở Mỹ, cho biết: "Ông Trump đang nói về một vấn đề mà không phải điểm mạnh của mình. Bạn cần phải làm xét nghiệm trên cả nước mới thực sự biết liệu số ca nhiễm Covid-19 đã giảm hay chưa".
Bác sĩ Gupta cho biết thêm rằng các số liệu tốt nhất mà Mỹ có là số ca tử vong vì Covid-19 ở bệnh viện vì khi tới bệnh viện các bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19. Trong khi đó, số liệu về các ca nhiễm trên toàn quốc thường có độ chính xác không cao vì những người nhiễm Covid-19 có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng không được làm xét nghiệm, và nghiễm nhiên họ không được tính vào dữ liệu thống kê.
"Điều chúng tôi cảm thấy đủ độ tin cậy nhất, thông qua các mô hình thống kê, là số người đang nguy kịch ở bệnh viện không còn đột biến như trước", Gupta chia sẻ.
Vị bác sĩ về hô hấp ở Mỹ một lần nữa nhấn mạnh, không có cách nào để biết số ca nhiễm Covid-19 thực tế có giảm hay không, ngoại trừ việc lấy mẫu xét nghiệm trên toàn quốc.
Ngoài ra, theo Gupta, số người tử vong vì Covid-19 ở nhà cũng khiến số liệu thống kê về các ca nhiễm trên toàn nước Mỹ hiện tại không đủ độ tin cậy. Ông Gupta cho biết thành phố New York bắt đầu sửa đổi số người tử vong vì Covid-19, bao gồm cả những ca có thể liên quan tới Covid-19. Hãng NBC News dẫn số liệu cập nhật theo ngày của thành phố New York cho thấy, có ít nhất 7.890 ca tử vong liên quan tới Covid-19 ở 5 quận của thành phố và 4.309 ca tử vong "có thể" liên quan tới dịch Covid-19.
Các chuyên gia kêu gọi thận trọng với việc chủ quan, xuất phát từ cường điệu hóa thành công trong chống dịch Covid-19. Việc nới lỏng giãn cách xã hội và mở cửa trở lại các cửa hàng, nơi người dân tập trung đông - có thể làm suy yếu khả năng chống dịch Covid-19 và châm ngòi cho đợt bùng phát thứ 2.
"Chúng tôi chưa thấy bất cứ dấu hiệu nào cho thấy chúng ta đang ở giai đoạn cuối của đại dịch Covid-19. Nhận định của ông Trump có thể chỉ chính xác với các khu vực có biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt như thành phố New York. Chúng tôi muốn thấy sự sụt giảm ở nhiều nơi khác nữa", Joseph Fair, một nhà virus và dịch tễ học, cho biết.
Cũng theo Joseph, với việc được đi lại tự do giữa các bang và chính sách kiểm soát không đồng nhất, Mỹ đang giống như "chơi một trò chơi" hơn là thực sự kiểm soát đại dịch.
"Thành phố New York có số ca nhiễm giảm nhưng con số này ở Houston lại tăng. Tôi nghĩ chúng ta mới có đường cong được san phẳng ở khu vực, thay vì trên toàn quốc", Joseph nhận định.
Thực tế, các khu vực ban đầu không bị ảnh hưởng nặng vì dịch Covid-19, nay đang chuẩn bị đón nhận các đợt tăng đột biến về số ca nhiễm.
Gina Raimondo, thống đốc bang Rhode Island, hôm 17/4 cho biết bang này đang chuẩn bị cho đỉnh dịch trong 2 tuần tới, khi số ca nhiễm nhập viện và tử vong vì Covid-19 tiếp tục tăng lên.
Trong khi đó, Kristi Noem, thống đốc bang Nam Dakota, cho biết đỉnh dịch ở thành phố Sioux Falls, thuộc bang này, sẽ đến vào khoảng giữa tháng 5 sau khi một nhà máy chế biến thịt ở đây trở thành ổ dịch.
Giới chức quận Mecklenburg, bang Bắc Carolina, cho biết đỉnh dịch ở khu vực này có thể tới vào ngày 25/6.
Theo ông Joseph, việc phân tích dữ liệu cần thận trọng vì thời gian ủ bệnh có thể che giấu tốc độ lan truyền.
"Tiền lệ đã dạy chúng ta một bài học rằng dịch bệnh lây nhiễm sẽ đến theo từng đợt. Chúng ta đừng quá lạc quan khi mới chỉ có vài ngày có tín hiệu tốt vì rất có thể đó là khoảng thời gian ủ bệnh", Joseph chia sẻ.
Theo thống kê từ Đại học Johns Hopkins, tính tới sáng 18/4 (giờ Việt Nam), Mỹ có hơn 700.000 ca nhiễm Covid-19, trong đó hơn 37.000 ca tử vong và gần 60.000 ca khỏi bệnh.
Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19: - Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi. - Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác. - Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế. - Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 19003228 và 19009095. |
Hôm 18/4, tờ The Diplomat – một trong những tạp chí hàng đầu phân tích về tình hình chính trị, kinh tế khu vực châu Á –...
Nguồn: [Link nguồn]