Ông Trump nêu điều kiện viện trợ Ukraine: Đức, Nga phản ứng
Thủ tướng Đức Olaf Scholz công khai chỉ trích ông Trump vì gợi ý Ukraine cung cấp cho Mỹ các khoáng sản có giá trị để đổi lấy viện trợ quân sự.
Ông Trump mong muốn tiếp cận nguồn tài nguyên ở Ukraine bằng chính sách “nước Mỹ trên hết” (ảnh: Reuters)
“Rất ích kỷ”
Hôm 3/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, Mỹ đã hỗ trợ Ukraine rất nhiều trong thời gian dài và hiện tại, Washington muốn có một số “thỏa thuận”. Cụ thể là quyền tiếp cận nguồn tài nguyên đất hiếm ở Ukraine.
“Chúng tôi đang tìm cách thực hiện một thỏa thuận với Ukraine. Thỏa thuận này sẽ đảm bảo đổi những gì chúng tôi cung cấp cho họ lấy đất hiếm và những thứ khác. Chúng tôi muốn có một sự đảm bảo. Chúng tôi đang đưa tiền cho họ. Chúng tôi cho họ sức mạnh của nắm đấm”, ông Trump nói.
Trong khi Ukraine chưa phản hồi, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã chỉ trích kế hoạch của ông Trump.
Theo ông Scholz, việc buộc Ukraine đánh đổi tài nguyên lấy các gói viện trợ quân sự là “rất ích kỷ” và “vụ lợi cá nhân”.
“Vấn đề là Ukraine có khả năng tự tái thiết sau cuộc xung đột này hay không”, RT hôm 4/2 dẫn phát biểu của ông Scholz tại Hội nghị quốc phòng không chính thức của EU, tổ chức ở Brussels (Bỉ).
“Đây là một nhiệm vụ lớn, xét đến sự tàn phá khủng khiếp đang diễn ra ở Ukraine. Đó là lý do tôi cho rằng sẽ tốt hơn nếu các nguồn tài nguyên ở Ukraine được sử dụng cho một tương lai tốt đẹp”, ông Scholz nói.
Theo RT, Ukraine có trữ lượng lớn khoáng sản đất hiếm, bao gồm lithium, titan và than chì. Đây là nguồn nguyên liệu quan trọng cho ngành công nghiệp công nghệ cao.
Hồi tháng 10 năm ngoái, Tổng thống Ukraine Zelensky đã công bố “kế hoạch chiến thắng” của Ukraine bao gồm 5 điểm chính.
Theo đó, ông Zelensky đề xuất thỏa thuận giữa Ukraine với Mỹ, EU và các đối tác khác về đầu tư chung, khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên ước tính trị giá hàng nghìn tỷ USD ở Ukraine.
“Mua viện trợ”
Phát biểu trong cuộc họp báo hôm 4/2, người phát ngôn Điện Kremlin – ông Dmitry Peskov – cho rằng, kế hoạch của ông Trump về việc đổi viện trợ quân sự lấy đất hiếm ở Ukraine chẳng khác nào một “thỏa thuận thương mại”.
“Nếu chúng ta gọi đúng tên thì đây thực chất là đề xuất mua viện trợ. Tức là Mỹ chuyển từ cung cấp viện trợ miễn phí sang một thỏa thuận thương mại”, ông Peskov nói.
Theo ông Peskov, điều tốt hơn hết mà Mỹ nên làm là ngừng cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine và qua đó giúp chấm dứt xung đột. Tuy nhiên, trên thực tế là Mỹ không làm vậy.
Trước đó, hôm 3/2, Tổng thống Mỹ Trump cho hay, chính quyền của ông đã “đạt được nhiều tiến triển” về giải quyết cuộc xung đột Nga – Ukraine.
“Chúng ta hãy chờ xem điều gì sẽ xảy ra”, ông Trump nói, từ chối tiết lộ thêm.
Quân đội Nga tăng cường các đợt tập kích vào Kharkiv (tỉnh có vị trí chiến lược ở đông bắc Ukraine) trong khi Kiev chuẩn bị dồn 50.000 binh sĩ từ...
Nguồn: [Link nguồn]
-05/02/2025 00:26 AM (GMT+7)