Ông Trump khó trông vào Tòa án Tối cao Mỹ để thắng

Tòa án Tối cao Mỹ không phải là cơ quan dễ dàng bị xu hướng chính trị ảnh hưởng để đưa ra các quyết định mạo hiểm, không dựa vào bằng chứng xác đáng.

Bầu cử Mỹ năm 2020 đang bước vào giai đoạn kịch tính khi nhóm Tổng thống Donald Trump khẩn trương tiến hành các biện pháp pháp lý nhằm đảo ngược kết quả trước ứng viên Joe Biden. Chuyên gia Hoàng Việt (ảnh, ĐH Luật TP.HCM) nhận định ông Trump khó có thể trông chờ vào cơ quan lập pháp của bang hoặc thậm chí là Tòa án Tối cao Mỹ để thay đổi kết quả bầu cử năm nay.

Chuyên gia Hoàng Việt (ảnh, ĐH Luật TP.HCM)

Chuyên gia Hoàng Việt (ảnh, ĐH Luật TP.HCM)

Ông Trump có bị xử ép?

. Nhiều người cho rằng thẩm phán của các tiểu bang trong quá trình giải quyết đơn kiện của nhóm ông Trump đã xử ép tổng thống. Ông nghĩ gì về khả năng này? 

+ Bầu cử Mỹ năm 2020 có rất nhiều tranh chấp liên quan đến pháp lý. Trước ngày bầu cử 3-11 đã có hơn 300 vụ kiện trên 44 bang liên quan đến việc bỏ phiếu qua bưu điện và bỏ phiếu sớm trực tiếp trong cuộc bầu cử năm nay. Các vụ kiện này tập trung vào một loạt vấn đề như thời hạn gửi và nhận phiếu bầu, yêu cầu chữ ký của nhân chứng và các loại phong bì được sử dụng để gửi phiếu.

Theo quan sát của tôi, từ sau ngày bầu cử cho tới nay, nhóm ông Trump đã đệ đơn kiện 22 vụ liên quan đến quá trình bầu cử. Tuy nhiên, nhóm ông Trump đã không có một chiến thắng nào. Hệ thống chính quyền nước Mỹ được coi là đỉnh cao của hình thức tam quyền phân lập, trong đó vai trò của tòa án Mỹ được ca ngợi là độc lập trước các quyết định chính trị và là hiện thân của công lý. Chính vì vậy, không thể tùy tiện kết luận là các tòa án Mỹ bị chi phối bởi các áp lực đảng phái.

Tổng thống Trump đang gặp nhiều khó khăn. Ảnh: AP

Tổng thống Trump đang gặp nhiều khó khăn. Ảnh: AP

Các quy trình pháp lý của Mỹ diễn ra cũng rất chặt chẽ. Trừ khi xuất hiện các bằng chứng thuyết phục về gian lận, sai trái, việc đảo ngược kết quả bầu cử khó có thể xảy ra. Thứ nhất, các cơ quan bầu cử địa phương của Mỹ đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng và thận trọng phương hướng tiến hành bầu cử và kiểm phiếu. Thứ hai, khi xem xét các sai sót mà bên nguyên đơn cáo buộc, tòa án phải xác định ba vấn đề: Có sự cố ý nhằm thay đổi kết quả bầu cử hay không; sự cố ý đó có dẫn đến sự thay đổi kết quả bầu cử tại địa phương đó hay không; có nằm trong một âm mưu chung của một thành phần nào đó hay không. Thứ ba, nhóm ông Trump phải đưa ra bằng chứng xác thực và chấp nhận được. Đến nay những gì nhóm ông Trump đưa ra không thuyết phục.

Khó trông mong vào cơ quan lập pháp của bang

. Rất nhiều hãng truyền thông lớn của thế giới đã gọi ông Biden là “tổng thống đắc cử”. Nhiều nguyên thủ của các nước lớn trên thế giới cũng đã chúc mừng ông Biden. Điều này có quá sớm?

+ Cách gọi “tổng thống đắc cử” (President-elect) là cách gọi thông thường để chỉ một người chiến thắng trong kỳ bầu cử tổng thống. Với các thông tin kiểm phiếu ban đầu cho thấy ông Biden đã là người chiến thắng với 306 phiếu đại cử tri. Cách gọi này không có gì sai. Thông thường, khi một ứng viên vượt quá mức 270 phiếu đại cử tri (quá bán) thì đã được coi là chiến thắng. Tất nhiên, ông Biden vẫn phải chờ cho đến thời gian sau 20-1 mới được gọi là tổng thống chính thức. Từ nay đến lúc đó, nhiều người vẫn hy vọng sẽ có những “kỳ tích” xảy ra nhưng thực tế điều đó rất khó. Ông Biden đã bắt đầu chỉ định các thành viên chính phủ sắp tới.

. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ theo quy định của hiến pháp và luật bầu cử Mỹ, cơ quan lập pháp bang (State Legislatures), mới chính là thiết chế thông qua danh sách đại cử tri của từng bang. Nếu các cơ quan lập pháp của đa số các bang đang có kiện tụng từ phe ông Trump bỏ phiếu đảo ngược kết quả chọn đại cử tri thì ông Biden chưa chắc đủ 270 phiếu đại cử tri. Được biết, ở phần lớn các bang nói trên, các nghị sĩ đảng Cộng hòa chiếm đa số. Khả năng xảy ra kịch bản này là như thế nào?

+ Về mặt lý thuyết thì điều này có thể xảy ra. Nếu cơ quan lập pháp bang chốt danh sách đại cử tri không ủng hộ ứng viên tổng thống theo nguyện vọng của phần đông người dân (bỏ phiếu) thì lá phiếu của các đại cử tri ấy vẫn có thể được tính. Thậm chí, sau khi danh sách đại cử tri được gửi về Quốc hội Mỹ, có trường hợp chính bản thân các đại cử tri cũng không giữ cam kết của họ. Đơn cử năm 2016 có bảy trường hợp đại cử tri không bỏ phiếu cho ứng viên mà họ cam kết với người dân.

  Cơ hội của ông Trump rất thấp

Anthony Zurcher, phóng viên của hãng tin BBC chuyên về tình hình Bắc Mỹ, cho rằng: Mục đích thực sự đằng sau động thái pháp lý của nhóm ông Trump không phải là thống kê chính xác cho số phiếu bầu, mà là để tìm ra những gì nhóm ông Trump cáo buộc là gian lận ở các khu vực do đảng Dân chủ thống trị. Việc yêu cầu kiểm phiếu lại của nhóm ông Trump cũng cho thấy họ đang làm mọi thứ có thể để thách thức kết quả bầu cử, duy trì hy vọng của những người ủng hộ trung thành của ông Trump.

Trong vài tuần tới, dường như không có cơ hội nào để nhóm ông Trump đảo ngược kết quả. Quá trình dẫn đến lễ nhậm chức của ông Biden vào tháng 1-2021 sẽ tiếp tục, cho dù tổng thống Trump có thừa nhận thất bại hay không.

Chuyên gia HOÀNG VIỆT

Tuy nhiên, thực tế thì việc thông qua cơ quan lập pháp bang không đơn giản như vậy. Nên nhớ là các đại cử tri đều phải phản ánh ý chí và nguyện vọng của các cử tri phổ thông (hay người dân), chứ không chỉ đơn thuần là đại diện cho một nhóm lãnh đạo bang (bao gồm cả cơ quan lập pháp bang) hay chỉ đại diện cho ý chí cá nhân của họ. Cho nên việc cơ quan lập pháp gửi danh sách đại cử tri bầu trái ý đa số người dân; hoặc đại cử tri cố ý “bất tín” rất hiếm khi xảy ra và thường không ảnh hưởng đến kết quả chung cuộc. Hiện ông Biden đang cách vị trí đắc cử đến 36 phiếu đại cử tri, nên viễn cảnh thông qua các kẽ hở như cơ quan lập pháp bang hoặc các đại cử tri “bất tín” là vô cùng thấp, mặc dù nhiều người ủng hộ ông Trump vẫn mong chờ.

Khó trông chờ Tòa án Tối cao

. Sau tòa ở các bang, rất có thể ông Trump sẽ tìm đến Tối cao Pháp viện (Tòa án Tối cao) của Mỹ. Xin ông giải thích về vai trò của cơ quan này?

+ Trình tự pháp lý đưa các vụ kiện lên Tòa án Tối cao không đơn giản như nhiều người nghĩ. Theo quy định tại Điều III, Mục II của hiến pháp nước Mỹ, thì Tòa án Tối cao có thẩm quyền đối với các vấn đề tranh chấp giữa các bang, các đại sứ, các quan chức cao cấp của chính phủ hoặc các tranh chấp liên quan đến diễn giải hiến pháp và các luật liên bang. Mỗi bang có các quy định về luật pháp liên quan đến bầu cử khác nhau. Vì thế, Tòa án Tối cao chỉ có thể ra phán quyết nếu như nhận thấy những vấn đề liên quan đến quá trình bầu cử của các bang là hợp hiến hoặc vi hiến. Dựa vào đó, các bang sẽ xem xét và công nhận kết quả bầu cử, tức là hoặc công nhận hoặc cho kiểm lại phiếu bầu. Không có chuyện Tòa án Tối cao quyết định ai sẽ là tổng thống Mỹ.

Bầu cử Mỹ năm 2020 có rất nhiều tranh chấp liên quan đến pháp lý. Trước ngày bầu cử 3-11 đã có hơn 300 vụ kiện trên 44 bang liên quan đến việc bỏ phiếu qua bưu điện và bỏ phiếu sớm trực tiếp trong cuộc bầu cử năm nay. Các vụ kiện này tập trung vào một loạt vấn đề như thời hạn gửi và nhận phiếu bầu, yêu cầu chữ ký của nhân chứng và các loại phong bì được sử dụng để gửi phiếu.

Sức mạnh của Tòa án Tối cao chỉ có trong thẩm quyền và các thẩm phán chỉ có thể xem xét những vấn đề liên quan hiến pháp cụ thể mà tòa án cấp dưới đệ trình lên. Như vậy, việc một tổng thống trực tiếp kêu gọi Tòa án Tối cao can thiệp vào một cuộc bầu cử sẽ không được tính đến. Nói một cách đơn giản: “Bạn không thể trực tiếp đưa một vụ kiện lên Tòa án Tối cao khi xảy ra tranh chấp bầu cử. Không có cơ sở pháp lý để hành động như vậy, hay để nói rằng “hãy dừng việc kiểm phiếu và tuyên bố tôi thắng cuộc” (như cách mà nhóm ông Trump đã làm - PV).

. Nhưng hiện tại, Tòa án Tối cao có sáu (trong tổng số chín) thẩm phán được cho là nhóm bảo thủ. Liệu có thể tạo ra “bất ngờ” cho ông Trump hay không?

+ Theo truyền thống, Tòa án Tối cao Mỹ luôn thận trọng trong việc tham gia vào các vụ kiện liên quan tới bầu cử, vốn được định đoạt bởi luật của các bang. Thêm vào đó, Tòa án Tối cao Mỹ cũng nhận thức rõ rằng họ đã từng mạo hiểm lập trường với tư cách một cơ quan độc lập khi đưa ra phán quyết giúp ông Bush đắc cử năm 2000.

Vụ kiện năm nay có thể khiến khuynh hướng chính trị của chín thẩm phán trở thành tâm điểm chú ý, đặc biệt là thẩm phán Amy Coney Barrett, người vừa trở thành thành viên của Tòa án Tối cao Mỹ vào tháng trước do ông Trump lựa chọn. Chúng ta không thể loại bỏ hoàn toàn khả năng Tòa án Tối cao có phán quyết ảnh hưởng đến bầu cử năm nay (ví dụ tuyên bố phiếu bầu không hợp lệ). Tuy nhiên, đứng trước sự chia rẽ của nước Mỹ và đảm bảo lợi ích của đất nước Mỹ, Tòa án Tối cao sẽ phải rất thận trọng khi đưa ra bất kỳ quyết định nào bị coi là có xu hướng chính trị. Nếu tòa tuyên bố các phiếu bầu không hợp lệ trong tình hình không có bất kỳ bằng chứng nào để chứng minh gian lận thì uy tín của Tòa án Tối cao sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

. Xin cám ơn ông.•

Ông Trump yêu cầu chính quyền chuyển giao quyền lực cho ông Biden

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 23.11 thông báo chính quyền của ông sẽ bắt đầu hợp tác với đội ngũ chuyển giao quyền...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo ĐỖ THIỆN ([Tên nguồn])
Bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN