Ông Trump đề cử loạt nhân sự "cứng rắn", phát tín hiệu tới Trung Quốc?
Liên tiếp các vị trí hàng đầu do Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump đề cử là những người có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc.
Ông Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một cuộc gặp (ảnh: SCMP)
Bằng cách đề cử những nhân sự mới, ông Trump đang thể hiện quan điểm cứng rắn với Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực, từ an ninh quốc phòng đến thương mại, ngoại giao, theo Al Jazeera.
Hôm 11/11, ông Trump đề cử Elise Stefanik, nữ nghị sĩ Hạ viện, làm Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc.
Ngày 12/11, ông Trump đề cử cựu Giám đốc tình báo Mỹ John Ratcliffe làm người đứng đầu CIA. Ông Pete Hegseth, cựu sĩ quan Mỹ và là người dẫn chương trình của Fox News, được đề cử chức Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ. Nghị sĩ bang Florida – ông Michael Waltz – được ông Trump chọn làm cố vấn an ninh quốc gia.
Ghế Ngoại trưởng Mỹ được ông Trump đề cử Marco Rubio – thượng nghị sĩ bang Florida.
Cả 5 người này đều có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc và cho rằng Bắc Kinh là đối thủ hàng đầu của Washington, theo Al Jazeera.
3 nhân vật “diều hâu” với Bắc Kinh cũng có thể giành ghế trong chính quyền mới của ông Trump bao gồm Richard Grenell (cựu Đại sứ Mỹ tại Đức), thượng nghị sĩ Mỹ Tennessee Bill Hagerty và cựu Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer.
Hôm 12/11, The Wall Street Journal đưa tin, ông Trump có kế hoạch bổ nhiệm ông Lighthizer làm Bộ trưởng Thương mại Mỹ.
Ông Robert Lighthizer, người có thể giữ chức Bộ trưởng Thương mại Mỹ (ảnh: ABC News)
“Thương chiến” Mỹ - Trung tiếp tục?
Theo Al Jazeera, ông Lighthizer có vai trò đáng kể trong cuộc “thương chiến” Mỹ - Trung suốt nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên của ông Trump (2017 – 2021).
Ông Lighthizer có thể đóng vai trò tương tự nếu ông Trump quyết tâm thực hiện lời hứa trong chiến dịch tranh cử: Đánh thuế 60% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London (Anh) ước tính, nếu được áp dụng, mức thuế mà ông Trump tuyên bố có thể khiến Trung Quốc giảm 0,68% GDP.
Trong cuốn “No Trade is Free: Changing Course, Taking on China, and Helping America's Workers” (Không có thương mại miễn phí: Thay đổi lộ trình, Đương đầu với Trung Quốc và Hỗ trợ người lao động Mỹ) xuất bản mới đây, ông Lighthizer kêu gọi Mỹ “tách biệt” hơn nữa khỏi Trung Quốc, hạn chế thương mại và hạn chế xuất khẩu các công nghệ quan trọng.
Ông Marco Rubio, quan chức Mỹ bị Trung Quốc trừng phạt (ảnh: ABC News)
Vấn đề đảo Đài Loan
Sự trở lại của ông Trump diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Bắc Kinh với đảo Đài Loan (thuộc Trung Quốc), theo Al Jazeera.
Năm 2021, Đô đốc Mỹ Philip Davidson, cựu Tư lệnh Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, tuyên bố, Trung Quốc có thể thống nhất Đài Loan vào năm 2027 (trong nhiệm kỳ của ông Trump).
Bắc Kinh đã chỉ trích nhận định của ông Davidson, cho rằng giới chức Mỹ “thổi phồng” nguy cơ để tăng ngân sách quốc phòng và biện minh cho các hoạt động quân sự ở châu Á – Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, với các lựa chọn nhân sự mới, ông Trump dường như sẽ không nhượng bộ Trung Quốc về an ninh – quốc phòng, theo Al Jazeera.
Marco Rubio, người được ông Trump đề cử, có thể là Ngoại trưởng Mỹ đầu tiên bị Trung Quốc trừng phạt.
Với tư cách là phó Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ và là thành viên cấp cao của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, ông Rubio đã nhiều lần chỉ trích Bắc Kinh.
Năm 2020, ông Rubio bị Bắc Kinh ra lệnh cấm nhập cảnh và có tên trong danh sách 11 quan chức Mỹ bị trừng phạt.
Theo các chuyên gia, ông Rubio cũng là người có quan điểm ủng hộ mạnh mẽ Đài Loan.
“Thật khó tưởng tượng chuyện ông Rubio ủng hộ Mỹ ‘quay lưng’ với Đài Loan. Và cũng thật khó tưởng tượng việc ông ấy chủ trương hòa hoãn giữa Mỹ và Trung Quốc”, Bethany Allen – chuyên gia tại Trung tâm phân tích Trung Quốc thuộc Viện chính sách chiến lược Úc – nói với Al Jazeera.
Ông John Ratcliffe, người coi Trung Quốc là mối đe dọa hàng đầu với Mỹ (ảnh: Al Jazeera)
Vấn đề an ninh – quốc phòng
Ông John Ratcliffe, người được ông Trump đề cử ghế Giám đốc CIA (Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ), luôn cho rằng Trung Quốc là mối đe dọa, theo Al Jazeera.
Trong một bài xã luận đăng năm 2020 trên tờ The Wall Street Journal, ông Ratcliffe gọi Trung Quốc là “mối đe dọa lớn nhất đối với nước Mỹ” kể từ sau Thế chiến II.
Theo ông Ratcliffe, Trung Quốc nên được coi là “trọng tâm an ninh hàng đầu của Mỹ trong tương lai”.
Ông Pete Hegseth, người được ông Trump đề cử vị trí Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, cũng coi Trung Quốc là mối đe dọa.
Hồi đầu tháng 11, xuất hiện trên chương trình Shawn Ryan Show, ông Hegseth tuyên bố rằng Trung Quốc đang “xây dựng một đội quân chuyên dụng để đánh bại Mỹ”.
Ông Hegseth cũng cáo buộc Trung Quốc có ý định thống nhất Đài Loan bằng vũ lực để kiểm soát ngành công nghiệp bán dẫn trên hòn đảo. Đài Loan hiện là nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới.
“Họ có tầm nhìn dài hạn, không chỉ thống trị khu vực mà còn thống trị toàn cầu”, ông Hegseth nói về Trung Quốc.
Nguồn: [Link nguồn]
Nhiều người đang bất ngờ và có ý kiến trái chiều về việc Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump lựa chọn MC Fox News Pete Hegseth làm Bộ trưởng Quốc phòng.