Ông Trump có thể yên lòng khi đảng Cộng hòa kiểm soát lưỡng viện?
Liệu rằng trong nửa đầu nhiệm kỳ tổng thống sắp tới, ông Donald Trump có được hoàn toàn lợi thế khi đảng Cộng hòa kiểm soát lưỡng viện?
Bắt đầu từ ngày 20-1-2025, đảng Cộng hòa sẽ nắm quyền lực lớn tại chính trường Mỹ. Trong đó, ông Donald Trump sẽ kiểm soát nhánh hành pháp, trong khi đảng Cộng hòa chiếm thế đa số ở cả Hạ viện và Thượng viện Mỹ. Giới quan sát gọi tình trạng trên là “trifecta” hay được gọi là “chính phủ thống nhất”.
Theo trang tin The Conversation, về lý thuyết, khi các đảng phái chính trị có quyền kiểm soát thống nhất đối với Hạ viện, Thượng viện và nhánh hành pháp thì giữa họ sẽ có ít xung đột hơn. Ngoài ra, vì các chính trị gia này là cùng một đảng chính trị và có mục tiêu chung, nên họ cũng sẽ có thể thông qua chương trình nghị sự một cách thuận lợi.
Điều này đồng nghĩa là đảng thiểu số đối lập không thể làm gì nhiều để ngăn cản đảng chiếm đa số.
Tuy nhiên, theo The Conversation, không phải tất cả “trifecta” đều giống nhau và không phải tất cả chúng đều giúp đảng chiếm đa số chiếm ưu thế. Nghiên cứu cho thấy bế tắc chính trị vẫn có thể xảy ra ngay cả khi một đảng vừa nắm quyền lập pháp, vừa nắm quyền hành pháp.
Ông Donald Trump bắt tay Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson tại Đại hội toàn quốc đảng Cộng hòa vào tháng 7. Ảnh: GETTY IMAGES
Lợi thế lớn?
Việc đảng Cộng hòa chiếm đa số trong Thượng viện và Hạ viện có thể sẽ giúp ông Donald Trump ban hành chương trình nghị sự dễ dàng hơn nhiều so với giai đoạn nửa cuối nhiệm kỳ đầu tiên của ông khi đảng Dân chủ kiểm soát Hạ viện. Tuy nhiên, thế chiếm đa số của đảng Cộng hòa cũng rất mong manh nên ưu thế của họ hiện không nhiều.
Theo The Conversation, ông Trump sẽ là tổng thống thứ sáu liên tiếp có được “trifecta” vào ngày đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống. Lịch sử và các phép phân tích cho thấy rằng các tổng thống đạt “trifecta” dễ dàng thông qua những đạo luật với đa số phiếu lớn.
Đa số phiếu lớn cũng có nghĩa là dù một số đảng viên của đảng chiếm đa số không ủng hộ quan điểm chung của đảng thì đạo luật đó cũng có thể được thông qua. Ngoài ra, đa số phiếu lớn cũng có nghĩa là các nghị sĩ thuộc các đảng khác ít có cơ hội ngăn chặn đạo luật do đảng chiếm đa số ủng hộ.
Trong nửa nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump cũng đã đạt được thế “trifecta”. Vào thời điểm đó, đảng Cộng hòa cũng chiếm đa số phiếu lớn tại Hạ viện, giúp việc thông qua luật tại cơ quan này tương đối dễ dàng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân giúp gói cải cách thuế lớn được thông qua vào năm 2017 – vốn được xem là thành tựu lập pháp đặc trưng của nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump.
Các nhà quan sát dự đoán trong nhiệm kỳ sắp tới, lợi thế của ông Trump sẽ nhỏ hơn nhiều so với nhiệm kỳ đầu, do đa số của đảng Cộng hòa ở cả hai viện tương đối nhỏ. Theo hãng tin Bloomberg, tại Hạ viện, đảng Cộng hòa đang chiếm đa số với 219 ghế, trong khi đảng Dân chủ có 213 ghế. Đảng Cộng hòa cũng chiếm đa số tại Thượng viện với 53 ghế, lớn hơn so với 47 ghế của đảng Dân chủ.
Rắc rối của đảng giữ thế đa số
Theo The Conversation, đảng Cộng hòa chắc chắn sẽ vấp phải sự phản ứng mạnh từ các đảng viên Dân chủ ở các cơ quan lập pháp. Ngoài ra, đảng Cộng hòa cũng có thể đối mặt sự chia rẽ nội bộ liên tục trong chính đảng của họ.
Chương trình nghị sự của chính quyền ông Trump có thể sẽ gặp một số rào cản khi đảng Cộng hòa chiếm đa số mong manh tại Hạ viện. Ảnh: GETTY IMAGES
Khi ông Barack Obama nhậm chức tổng thống Mỹ vào năm 2009, ông cũng có được thế “trifecta”. Tuy nhiên, lợi thế này cũng không thể ngăn được sự chia rẽ xuất hiện trong đảng Dân chủ, khi các chính trị gia có xu hướng muốn giành quyền kiểm soát chương trình nghị sự của đảng. Điển hình, Đạo luật Chăm sóc Giá cả phải chăng (Obamacare) đã vấp phải sự phản đối mạnh từ các thành viên đảng Dân chủ bảo thủ tại Thượng viện, trước khi được thông qua.
Ông Trump có thể sắp đối mặt tình huống tương tự, đặc biệt trong bối cảnh nội bộ đảng Cộng hòa xuất hiện nhiều bất đồng trong thời gian gần đây. Trong hai năm qua, Hạ viện do đảng Cộng hòa chiếm đa số đã nhiều lần bị chia rẽ do các cuộc giành quyền lãnh đạo. Ngoài ra, chương trình nghị sự lập pháp của đảng Cộng hòa tại Hạ viện cũng thường không có mục đích rõ ràng, do thiếu sự hợp tác từ phe cực hữu của đảng.
Nhiệm kỳ tới, nhóm các nghị sĩ Cộng hòa cực hữu này hẳn sẽ tiếp tục có mặt trong Hạ viện và sẽ đủ lớn để gây khó khăn cho các chương trình nghị sự có quan điểm chưa thống nhất trong đảng. The Conversation nhận định nếu lịch sử lặp lại, nhiệm vụ cơ bản của cơ quan lập pháp như thông qua ngân sách cũng có thể gặp khó khăn, chứ chưa nói đến các cải cách lớn về mặt chính sách như nhập cư.
Quan điểm của các nghị sĩ bị nhiều yếu tố ảnh hưởng. Điển hình, một số đảng viên Cộng hòa đại diện cho các khu vực có truyền thống ủng hộ đảng này sẽ vui vẻ đồng tình với chương trình nghị sự của ông Trump, bất kể các chính sách cực đoan đến mức nào.
Tuy nhiên, những nghị sĩ Cộng hòa đại diện các khu vực bầu cử mà Tổng thống Joe Biden giành chiến thắng vào năm 2020 có thể có xu hướng điều chỉnh lập trường của họ một cách ôn hòa hơn, nhằm giữ lòng cử tri và có cơ hội tái đắc cử trong những cuộc bầu cử tiếp theo.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson hôm 12/11 cho biết đảng Cộng hòa sẽ hướng tới sự nhất trí cao độ với Tổng thống đắc cử Donald Trump thay vì những...
Nguồn: [Link nguồn]