Ông Trump có thể chấm dứt tình trạng hàng hoá giá rẻ của Trung Quốc tràn vào Mỹ?
Người Mỹ ưa thích các nền tảng thương mại điện tử của Trung Quốc như Shein, Temu và AliExpress vì hai lý do: Giá rẻ và giao hàng nhanh. Đòn thuế của Tổng thống Donald Trump có thể chấm dứt tình trạng hàng hoá giá rẻ của Trung Quốc tràn vào Mỹ thông qua các nền tảng trên, theo CNN.
Một gói hàng vận chuyển qua nền tảng thương mại điện tử Temu. Ảnh: NurPhoto.
Sắc lệnh tăng thuế 10% đối với hàng hoá Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ đã chính thức có hiệu lực từ ngày 4/2. Sắc lệnh cũng ngăn chặn một trong những lỗ hổng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Đó là quy định miễn trừ "de minimis".
"De minimis" là một phần của Luật Thương mại Mỹ có hiệu lực từ năm 1930. Quy định cho phép miễn trừ thuế đối với hàng hoá nhập khẩu vào Mỹ có giá dưới 800 USD.
Ông Trump có thể chấm dứt hàng hoá giá rẻ của Trung Quốc tràn vào Mỹ?
Các nền tảng thương mại điện tử của Trung Quốc đã tận dụng quy định trên để thu lời từ người mua ở Mỹ. Các hạn chế nới lỏng và miễn thuế đối với các sản phẩm giá rẻ đã cho phép hơn một tỷ gói hàng có nguồn gốc từ Trung Quốc đổ vào Mỹ với mức giá cực kỳ thấp, bất kể đó là quần áo, giày dép hay hàng gia dụng.
Nhưng chính quyền ông Trump đang xóa bỏ điều khoản giúp những mặt hàng Trung Quốc trở nên rẻ và dễ tiếp cận. Clark Packard, nhà nghiên cứu của Cato Trade, nói: "Nếu phải kiểm tra mọi gói hàng, chi phí đối với người tiêu dùng sẽ tăng đáng kể. Nó sẽ làm chậm quá trình nhận hàng hóa đã đặt”.
Hiện tại, Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ có thẩm quyền mở và kiểm tra tất cả các kiện hàng quốc tế, mặc dù trên thực tế họ không mở từng món hàng, đặc biệt là hàng giá trị thấp có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Theo CNN, hệ quả của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang bắt đầu lộ rõ đối với người tiêu dùng Mỹ sử dụng nền tảng thương mại điện tử Shein hay Temu của Trung Quốc.
Hôm 4/2, Cơ quan Bưu chính Mỹ thông báo tạm thời đình chỉ việc chấp nhận các bưu kiện quốc tế từ Trung Quốc và đặc khu hành chính Hong Kong cho đến khi có thông báo mới. Cơ quan không đưa ra lý do cho sự thay đổi này, nhưng cho biết thư từ vẫn có thể được vận chuyển bình thường.
Quy định “de minimis” là gì?
Quy định “de minimis” có hiệu lực từ những năm 1930, với ngưỡng không phải chịu thuế tăng lên theo thời gian. Chuyên gia Packard nói với CNN rằng quy định này nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại và giúp đỡ người tiêu dùng.
Quy định miễn trừ này có nghĩa là người mua không phải điền vào các thủ tục hải quan phiền phức hoặc trả thuế đối với các gói hàng có giá trị nhỏ.
Các doanh nghiệp Trung Quốc đã tận dụng quy định miễn trừ này để ồ ạt xuất hàng sang Mỹ với giá trị các lô hàng được miễn trừ tăng từ 140 triệu USD/năm lên tới 1 tỷ USD.
Sự gia tăng theo cấp số nhân khiến việc thực thi luật thương mại trở nên khó khăn hơn, đặt ra những thách thức cho người lao động và doanh nghiệp Mỹ, cũng như tiềm ẩn nguy cơ ma tuý fentanyl bị buôn lậu vào Mỹ.
Các nhà hoạch định chính sách từ lâu đã muốn cứng rắn hơn với Trung Quốc, Rob Handfield, giáo sư quản lý chuỗi cung ứng tại Đại học bang North Carolina, nói với CNN.
Người tiêu dùng Mỹ bị ảnh hưởng ra sao?
Công nhân may quần áo tại một nhà máy dệt cung cấp sản phẩm cho nền tảng Shein ở thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc. Ảnh: AFP.
Christopher Tang, giáo sư quản lý chuỗi cung ứng toàn cầu tại Đại học California (Mỹ), nói quy định miễn trừ là lý do tại sao những hàng hóa Trung Quốc lại rẻ như vậy ở Mỹ.
Theo báo cáo nghiên cứu của Quốc hội, hơn 80% tổng số lô hàng thương mại điện tử của Mỹ vào năm 2022 là hàng nhập khẩu hưởng lợi từ quy định “de minimis”.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của chính quyền ông Trump, "người tiêu dùng Mỹ về cơ bản phải chịu 90 đến 100% chi phí thuế quan", chuyên gia Packard cho biết. "Vì vậy, với diễn biến mới, người tiêu dùng Mỹ có thể phải mua hàng đắt hơn nhiều nếu là hàng hoá có nguồn gốc từ Trung Quốc”.
Giáo sư Handfield cho biết hải quan Mỹ chưa sẵn sàng cho thay đổi lớn này và có thể dẫn đến sự đình trệ. “Các hoạt động sẽ rất phức tạp về mặt triển khai”, giáo sư Tang cho biết.
Định hình lại mô hình kinh doanh
Năm 2024, Temu đã chạy một quảng cáo trong trận Siêu cúp Bóng bầu dục (với mức giá từ 6,5 triệu đến 7 triệu đô la cho một quảng cáo dài 30 giây) với 14 triệu đô la tiền phiếu giảm giá và quà tặng. Công ty có trụ sở tại Boston này — thuộc sở hữu của PDD, tập đoàn đứng sau gã khổng lồ mua sắm trực tuyến Trung Quốc Pinduoduo — đã trả tiền cho ba quảng cáo trong trận đấu và hai quảng cáo sau trận đấu.
Liệu điều đó có xảy ra tại trận Siêu cúp Bóng bầu dục năm nay vào tháng 2 hay không hiện vẫn đang là dấu hỏi.
Theo một nghiên cứu ở Mỹ, việc cắt giảm quy định miễn trừ có thể làm giảm đáng kể sự phát triển của các công ty thương mại điện tử Trung Quốc và ảnh hưởng đến ngân sách tiếp thị.
Để đối phó, các công ty Trung Quốc có thể mở rộng kho hàng tại Mỹ, giáo sư Tang cho biết. Họ có thể vận chuyển số lượng hàng lớn để làm thủ tục hải quan và sau đó chuyển gói hàng nhỏ hơn tới khắp nơi ở Mỹ, dĩ nhiên là khách hàng vẫn phải trả thêm thuế nhập khẩu. Lợi ích là có thể tạo ra nhiều việc làm hơn tại Mỹ, giáo sư Tang cho biết.
Các công ty Trung Quốc cũng có thể vận chuyển sản phẩm đến các nước ASEAN khác và sau đó mới xuất sang Mỹ để che giấu nguồn gốc sản phẩm. Nhưng chi phí vận chuyển tăng thêm cuối cùng cũng vẫn sẽ ảnh hưởng đến khách hàng Mỹ.
Tổng thống Trump có vẻ muốn hoãn lịch nói chuyện với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sau đòn thuế quan mới đây của Trung Quốc nhằm trả đũa việc Mỹ áp...
Nguồn: [Link nguồn]
-05/02/2025 19:21 PM (GMT+7)