Ông Trump, bà Harris tăng tốc khi bầu cử Mỹ chỉ còn 3 tháng
Hai ứng viên tổng thống hàng đầu cho vị trí tổng thống Mỹ là cựu Tổng thống Donald Trump và Phó Tổng thống Kamala Harris gấp rút chuẩn bị cho giai đoạn nước rút trong bối cảnh bầu cử Mỹ chỉ còn 3 tháng nữa là diễn ra song được dự đoán sẽ còn nhiều biến số.
Chỉ còn chưa đầy ba tháng nữa nước Mỹ sẽ bước vào cuộc bầu cử quan trọng hàng đầu mà kết quả của nó ngoài tác động nội bộ nước Mỹ còn ảnh hưởng đến chính trường thế giới.
Cuộc đua vào Nhà Trắng bước vào cao trào khi các ứng viên tổng thống và phó tổng thống của đảng Cộng hòa và Dân chủ đã lộ diện.
Giai đoạn nước rút
Thông thường, giai đoạn ba tháng trước ngày bầu cử chính thức chính là khoảng thời gian chạy nước rút của các ứng viên.
Sau khi công bố Thống đốc bang Minnesota Tim Walz là phó tướng hôm 6-8, ngay hôm sau, Phó Tổng thống Kamala Harris - ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ - đã cùng ông Walz chinh chiến khắp các bang chiến trường gồm Wisconsin, Michigan, Arizona và Nevada. Theo dự kiến, ngày 15-8 tới, bà Harris sẽ đến bang Maryland để vận động tranh cử với sự hỗ trợ của Tổng thống Joe Biden.
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris vận động tranh cử ở TP Glendale, bang Arizona (Mỹ) ngày 9-8. Ảnh: THE NEW YORK TIMES
Bình luận về lịch trình dày đặc của bà Harris, người phát ngôn chiến dịch tranh cử của bà - ông James Singer nói rằng phó tổng thống “đã giành được mọi phiếu bầu” nhờ các đợt vận động trong tuần qua.
“Chiến dịch của chúng tôi tập trung vào những gì giúp đoàn kết nước Mỹ: Cơ hội, tự do và tình yêu đất nước” - ông Singer nói, lưu ý rằng cựu Tổng thống Donald Trump “quá lười biếng” đến mức chỉ ở trong dinh thự riêng tại Florida suốt tuần qua.
Ông Singer đề cập việc cựu Tổng thống Trump thời gian qua tổ chức khá ít các buổi vận động tranh cử. Tuần qua, ông Trump chỉ có một buổi vận động tại bang Montana và một bài phát biểu từ nhà riêng ở Florida.
Phản hồi vấn đề này, ông Steven Cheung - người phát ngôn chiến dịch tranh cử của ông Trump nói: “Cựu Tổng thống Trump có lịch trình di chuyển dày đặc, bao gồm các cuộc vận động, gây quỹ trong tuần tới. Ông ấy tổ chức nhiều sự kiện vận động tranh cử hơn bà Harris và ông Walz cộng lại”.
Theo đài CNBC News, sau vụ bị ám sát hụt, ông Trump giảm bớt lịch vận động tại các bang nhưng tăng cường trả lời phỏng vấn với truyền thông. Ông Trump sẽ có bài phỏng vấn với streamer nổi tiếng Adin Ross, đài Fox News trong tuần này và giao lưu với tỉ phú Elon Musk vào tuần tới.
Ngoài ra, thượng nghị sĩ JD Vance, phó tướng của ông Trump, tuần qua tích cực vận động tại nhiều bang chiến địa như Philadelphia, Michigan và Wisconsin.
GS Ronald Schurin của ĐH Connecticut (Mỹ) cho rằng các bang sẽ quyết định kết quả cuộc bầu cử Mỹ năm nay là Pennsylvania, Michigan, Wisconsin, Nevada, Arizona, Georgia, và North Carolina.
Bên cạnh tăng cường số lượng các buổi vận động, nội dung vận động của các ứng viên thời gian gần đây cũng rõ ràng, cụ thể hơn trước. Đối với bà Harris, nữ phó tổng thống tập trung vào các vấn đề đối nội được nhiều người Mỹ quan tâm như giải quyết băng đảng, tội phạm ma túy xuyên quốc gia, quản lý súng đạn và phá thai. Về đối ngoại, bà Harris đảm bảo rằng Mỹ sẽ ủng hộ Israel nhưng đồng thời cam kết làm việc để bảo vệ dân thường ở Gaza.
Ở phía ông Trump, bên cạnh việc chỉ trích bộ đôi Harris - Walz như vẫn thường thấy, ông Trump cũng đề cập vấn đề lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) khi phát biểu tại Florida.
Về kết quả thăm dò bầu cử Mỹ, theo khảo sát của trang RealClear Politics thực hiện tại các bang chiến trường tính đến ngày 8-8, bà Harris dẫn trước ông Trump 0,5%. Con số này tốt hơn so với vị trí của đảng Dân chủ cách đây ba tuần khi bà Harris mới khởi động tranh cử. Tuy nhiên, tỉ lệ này vẫn thấp hơn nhiều so với vị trí của đảng Dân chủ cách đây bốn năm, khi đó, ông Biden dẫn trước ông Trump đến 7%.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump vận động tranh cử ở TP Bozeman, bang Montana (Mỹ) ngày 9-8. Ảnh: AFP
Chuyên gia dự đoán kết quả bầu cử Mỹ
Dự đoán về kết quả bầu cử Mỹ vào tháng 11 tới, các chuyên gia cho rằng cuộc đua đã trở nên khó đoán, chứa đựng nhiều ẩn số và kết quả sẽ rất sít sao sau sự kiện ông Biden rút lui để bà Harris bước lên vũ đài đấu với ông Trump.
“Tôi ước mình có thể dự đoán mọi chuyện sẽ đi theo hướng nào, nhưng tôi không thể. Theo tôi, cuối cùng thì những cử tri trung lập sẽ là người quyết định kết quả, đặc biệt là những cử tri còn đang phân vân ở khoảng sáu bang [chiến trường]” - theo ông Gary Rose, GS khoa học chính trị tại ĐH Sacred Heart (Mỹ) nói về cuộc bầu cử Mỹ sắp tới.
Chuyên gia này cho rằng tỉ lệ phiếu bầu của hai ứng viên trong cuộc bầu cử Mỹ sắp tới sẽ rất sát sao vì nhiều cử tri dù không thích bà Harris nhưng sẽ bầu cho bất cứ ai là đối thủ của ông Trump.
Đồng quan điểm, GS Ronald Schurin của ĐH Connecticut (Mỹ) cho rằng bà Harris sẽ biến thực tế này thành chiến thuật. “Bà ấy sẽ cố gắng hết sức để đưa cuộc bầu cử thành một cuộc trưng cầu dân ý về ông Donald Trump” - ông Schurin nhận định về chiến lược của phía bà Harris và phe Dân chủ để thắng bầu cử Mỹ.
Theo ông Schurin, các bang sẽ quyết định kết quả cuộc bầu cử Mỹ năm nay là Pennsylvania, Michigan, Wisconsin, Nevada, Arizona, Georgia, và North Carolina.
Một sự kiện được cho sẽ góp phần quan trọng trong việc quyết định kết quả bầu cử Mỹ chính là cuộc tranh luận giữa ông Trump và bà Harris vào ngày 10-9 tới. Đối với ông Trump, phiên tranh luận sẽ là cơ hội để cựu tổng thống kết thúc “tuần trăng mật” của bà Harris. Theo đài CNN, ông Trump nhiều khả năng sẽ chọn chiến thuật công kích cá nhân bà Harris và những thành tích của bà trong nhiệm kỳ phó tổng thống - tương tự như những gì ông Trump đã làm trong phiên tranh luận trước đó với ông Biden. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng chiến thuật này có thể phản tác dụng và bị cho là khinh miệt phụ nữ.
Còn với bà Harris, nữ chính trị gia cần tận dụng phiên tranh luận này để chứng minh với các cử tri rằng bà đủ khả năng để đấu sòng phẳng với ông Trump. Đây cũng là cơ hội để bà nới rộng khoảng cách sít sao hiện tại với đối thủ từ đảng Cộng hòa.
Theo giới quan sát, mọi dự đoán hay khảo sát đều có thể đảo chiều sau trận đấu quan trọng này.
Ba tờ báo Mỹ giúp bảo vệ tài liệu tranh cử của ông Trump Vài giờ sau khi Tổng thống Biden thông báo ngừng tranh cử, ba tờ báo lớn của Mỹ là Politico, The New York Times và The Washington Post đã nhận được email từ một người ẩn danh tuyên bố có thông tin mới hấp dẫn về cuộc bầu cử Mỹ nhưng các tờ báo quyết định không đăng tải thông tin trên, đài CNN đưa tin ngày 13-8. Theo đó, một người tự nhận mình là “Robert” đã gửi đến ba tờ báo trên một tài liệu dài 271 trang, được cho là tài liệu nội bộ từ chiến dịch tranh cử của ông Trump. Tài liệu thảo luận về Thượng nghị sĩ J.D. Vance và những cái tên khác có thể trở thành phó tướng của ông Trump. The New York Times và The Washington Post cho biết tài liệu được dán nhãn “bảo mật”. Mặc dù có được tài liệu cùng lời hứa từ người gửi rằng sẽ cung cấp thêm các tài liệu bổ sung “từ các tài liệu pháp lý cho đến các cuộc thảo luận nội bộ bên trong chiến dịch tranh của ông Trump”, ba tờ báo đã chọn không đăng tải các thông tin này. Người phát ngôn của Politico - ông Brad Dayspring - nói với CNN: “Các biên tập viên của Politico đã đưa ra phán đoán, tập trung vào nguồn gốc của tài liệu thay vì nội dung trong đó”. Phía ông Trump cáo buộc tin tặc Iran đứng sau vụ việc. Iran ngày 12-8 đã bác bỏ cáo buộc này. Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cho biết đang điều tra vụ rò rỉ này. |
Tỷ phú giàu nhất thế giới và cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đồng ý với nhau gần như trong tất cả vấn đề trong cuộc phỏng vấn trực tuyến trên nền tảng mạng xã hội X vào tối ngày 12/8 (giờ Mỹ).
Nguồn: [Link nguồn]